Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 11)

Hoàng Trung| 26/06/2014 09:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù con trâu của lão nông miệng vẫn lành lặn nhưng vị trưởng công an xã đi cùng cứ một mực bảo rằng “con trâu này đã được dắt đi thẩm mỹ viện”.

KỲ 11: VỤ KIỆN HY HỮU BẬC NHẤT SAU LỜI PHÁN “CON TRÂU NÀY ĐÃ ĐƯỢC DẮT ĐI THẨM MỸ VIỆN”

Hai con trâu trị giá 4 cây vàng là tất cả vốn liếng sau bao năm trời phơi lưng ngoài ruộng của lão nông nghèo. Bỗng một ngày, tai họa trên trời rơi xuống khi có người đến tận chuồng cho rằng là trâu của họ. Câu chuyện hy hữu xảy ra đã hơn 16 năm, nhưng hậu quả thì vẫn còn đến bây giờ.

Bỗng dưng bị nghi mua trâu trộm

Hơn 16 năm trước, ông Lê Thanh Hùng (SN 1964, ngụ xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) vẫn còn là một thanh niên khỏe mạnh. Vốn xuất thân là một nông dân với hơn 10 công ruộng trong tay, cuộc sống gia đình tương đối đầy đủ, êm ấm. Để cải thiện kinh tế gia đình, ông còn sắm thêm một chiếc máy tuốt lúa để tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Sau vài năm làm ăn, nhận thấy kinh tế gia đình vẫn chưa như mình mong đợi. Lại thêm phần suy nghĩ cho tương lai của những đứa con, người đàn ông này tính thêm chuyện đầu tư làm ăn lâu dài. Sau khi tham khảo ý kiến của người thân, ông Hùng quyết định gom góp vốn liếng tậu 2 con trâu để làm ăn. “Thời đó, gia đình nào làm nông mà có được con trâu là như bây giờ có được chiếc xe hơi. Trâu có giá vì giúp được nhiều cho nhà nông khi cày bừa, khi kéo lúa. Thời buổi ấy đâu có nhiều máy móc như bây giờ”, ông bùi ngùi nhớ lại.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 11)

Ông Hùng được một người bạn thân có kinh nghiệm nuôi trâu ở xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận giới thiệu cho một cặp trâu “chiến”. “Cặp trâu này là hai con đực, con 6 tuổi, con 3 tuổi. giá 4 cây vàng. “Nhìn chúng khỏe mạnh và đẹp mã, tôi ưng liền nên đồng ý mua ngay”, ông Hùng thuật lại. Rước cặp trâu về nhà, ông Hùng chăm sóc như “trứng mỏng”. Để trâu được khỏe mạnh, ông thuê hẳn một người có kinh nghiệm chăm sóc. Sau gần 2 năm trời cho trâu “nghỉ dưỡng” thật khỏe mạnh, ông Hùng mới vững tâm dắt trâu đi làm thuê.

“Tôi chuẩn bị mọi thứ chu toàn là thế. Những tưởng hai con trâu sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập. Có ngờ đâu, ngay lần đầu tiên dắt trâu đi làm ăn xa lại bị người ta nói tôi mua phải trâu ăn trộm. Đến giờ nghĩ lại vẫn con đau lắm”, ông ngậm ngùi. Năm ấy, sau khi vụ lúa đông xuân ở xã thu hoạch xong, hai con trâu của ông Hùng được mang sang xã Vĩnh Bình Nam để tiếp tục kéo lúa. Tuy nhiên, chỉ mới ngày đầu tiên qua xã bạn, ông Hùng đã gặp phải sự cố: “Lúc tôi mang trâu qua xã Vĩnh Bình Nam thì trời cũng đã tối. Tôi xin ở tại nhà của người bạn ngày xưa giới thiệu trâu cho mình. Tôi tính cho trâu nghỉ ngơi vài hôm, phần nữa còn phải đi kiếm người thuê thì mới làm việc được. Đêm đó, tôi sai đứa cháu đi cùng buộc trâu ngoài chuồng còn mình thì ngồi lai rai với bạn. Đến quá nửa đêm, đang ngủ tự nhiên nghe tiếng chó sủa lớn ngoài chuồng trâu. Tôi và bạn lật đật đốt đuốc chạy ra xem sự tình, thấy một nhóm khoảng 5 người cầm đuốc, đang chỉ trỏ vào cặp trâu của tôi”.

Khi ông Hùng hỏi nguyên cớ thì một trong nhóm người này xưng là công an xã và ấp đi kiểm tra trâu. Bất ngờ vì trâu mình tự dưng bị kiểm tra, ông Hùng gặng hỏi, một thanh niên bước ra nói chuyện. Người thanh niên này tên Châu Văn Sum, chỉ vào con trâu 3 tuổi: “Con trâu này nhà con mất gần 2 năm về trước. Lúc mất không biết ai bắt trộm. Nay nhìn dáng trâu con nhận ra ngay là trâu nhà mình”. Sau vài phút bình tĩnh, ông gặng hỏi: “Anh lấy bằng chứng nào mà nói trâu này là trâu nhà anh?”. Người thanh niên đáp: “Trâu nhà con ngày xưa bị người ta chém tét miệng, vết chém rất sâu”.

Nghe đến đây, ông Hùng thở phào nhẹ nhõm vì con trâu của ông miệng bình thường, không có một vết sẹo nào. Đang phấn khởi soi đèn vào miệng trâu để giải thích thì ông như té ngửa khi nghe một người trong đoàn phán: “Đây đúng là trâu của nhà anh Sum bị mất. Anh đã đem trâu đi thẩm mỹ vá môi”. Người phán câu nói “giật gân” này là ông Trương Thành Trung, Trưởng công an xã Vĩnh Bình Nam lúc bấy giờ.

Trâu thuộc về ai?

Ông Hùng hết lời giải thích, thậm chí còn tính chuyện đi tìm người bán trâu năm xưa để làm cho ra lẽ. Vị trưởng công an kia vẫn gạt phăng đi, cương quyết lập biên bản giữ trâu cùng giấy tờ tùy thân của ông Hùng. Chưa dừng lại, vị công an này còn cho rằng ông Hùng tiêu thụ trâu ăn trộm nên cấm không cho rời khỏi địa phương. “Lúc đó, ông bạn của tôi cũng đứng ra làm chứng, lý giải đủ điều nhưng không ăn thua gì. Cặp trâu của tôi vẫn bị dắt đi. Lúc này tôi lo lắm, nhưng vẫn vững tin vì trâu mình có nguồn gốc rõ ràng”, ông Hùng nói.

Qua ngày hôm sau, ông Hùng nhận được thông báo đôi trâu của mình sẽ bị “tạm giữ”, còn ông bị cấm rời khỏi nhà của người bạn mình. Vụ án “trâu tét môi đi thẩm mỹ” được điều tra trong 7 ngày. Thời gian này, đôi trâu của ông Hùng nhờ bạn chăm sóc với tiền công là 30 ngàn đồng một ngày. Vị công an xã buộc ông Hùng phải giao kết ai thua trong vụ việc này sẽ trả tiền nuôi trâu. Sau 7 ngày điều tra không có kết quả, vụ việc tiếp tục được chuyển lên công an huyện giải quyết. Thời gian thẩm vấn kéo dài 81 ngày.

Sau bao ngày điều tra, công an không tìm được chứng cứ buộc tội ông Hùng tiêu thụ trâu gian. Cuối cùng, đôi trâu được trở về chủ cũ nhưng giấy tờ tùy thân của ông Hùng thì không được trả. Ba tháng trời bỗng dưng không được làm việc, lại phải hứng chịu mọi điều tiếng xấu xa, ông phẫn chí đâm đơn kiện những người có chức quyền đã gây ra nỗi oan cho mình.

Nhớ lại, ông Hùng vẫn chưa hết bức xúc: “Gia đình của anh Sum cũng biết lý lẽ, không đòi trâu nữa. Nhưng không hiểu vì sao, ông công an xã kia cứ một mực bảo tôi mua trâu gian. Tự dưng tôi bị giữ trâu trong suốt 3 tháng trời. Tôi thất thu biết bao nhiêu, trâu được trả nhưng giấy chứng minh không được trả, tôi đâu thể đi làm ăn xa được. Cuối cùng họ không chứng minh được tôi phạm tội. Họ phải đền bù cho tôi mới phải”.

Dù sự việc xảy ra đã quá lâu, nhưng đến nay ông Hùng vẫn chưa hết bức xúc: “Còn 81 ngày công của cặp trâu tôi nữa. Đúng lý ra công an huyện Vĩnh Thuận phải bồi thường cho tôi. Vậy mà họ lấy lý do vị trưởng công an huyện năm đó đã chuyển đơn vị nên giờ muốn gì thì cứ đi tìm ông ấy. Tôi cũng đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng mười mấy năm qua vẫn không có kết quả”.

Sau vụ kiện hy hữu, gia cảnh ông Hùng lâm vào cảnh khó khăn. Đôi trâu được trả về, ông cũng không thể đi làm ở đâu xa vì không có giấy chứng minh. Ông chán nản bán luôn đôi trâu. Một năm trở lại đây, ông lên huyện Long Mỹ, Hậu Giang để làm nghề phụ hồ. Hết việc, ông lại cùng vợ khăn gói lên TP.HCM để làm thuê, cứ góp được ít tiền lại đi khắp nơi gõ cửa các cơ quan để đòi lại công bằng.“Nhiều người khuyên tôi nên bỏ qua để chú tâm làm ăn lại. Nhưng càng nghĩ tôi càng ấm ức nên càng quyết tâm theo đến cùng”, ông kiên quyết.

Tại phiên tòa sau này, TAND huyện Vĩnh Thuận phân tích đôi trâu này là của ông Hùng. Dù vậy, ở trước tòa, vị công an xã Trương Thành Trung vẫn một mực: “Trâu anh đi thẩm mỹ để vá môi”. Tòa tuyên bố ông Hùng thắng kiện. Ông Trung phải bồi thường những ngày công lao động của đôi trâu với giá 200 ngàn đồng/ngày và trả lại giấy tờ tùy thân. Dù tòa đã tuyên án, nhưng phải đến 1 năm sau, ông Trung mới chịu bồi thường 7 ngày công lao động. Ông Trung cũng bị cách chức trưởng công an xã vì những lời vu oan.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 11)