Những tiếng khóc nhói lòng

Hoài Nhân (Công lý và xã hôị)| 06/07/2013 05:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sân tòa bỗng nhiên chộn rộn bởi những tiếng thét gào của hai bà mẹ đòi con vì vừa mới bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM tuyên y án tù về tội giết người.

Thấy người anh con dì vừa hiền lành, vừa có ý chí vươn lên, Hùng cũng xin theo vào Sài Gòn để có thể học hỏi. Tuy nhiên, chỉ mới được 20 ngày, Hùng đã theo chân người anh này xộ khám với tội danh giết người vì bạn gái của người này bị “bộ ba sàm sỡ” đòi hôn.

Hỗn chiến trong đêm

Một buổi sáng cuối tháng 5, sân tòa bỗng nhiên chộn rộn bởi những tiếng thét gào của hai bà mẹ đòi con vì vừa mới bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM tuyên y án tù về tội giết người. Hai bà mẹ vừa gào khóc, vừa lăn mình giữa sân tòa. Trong khi đó, hai đứa con của họ mặc hai chiếc áo trắng theo chân công an dẫn giải lên xe mà không thôi ngoái đầu nhìn mẹ rơi nước mắt. Cảnh tượng quá đau lòng khiến những người có mặt cũng không kìm được nỗi xúc động. Hai đứa con mới bị tuyên y án là Đặng Tùng Lâm, 22 tuổi và Nguyễn Lý Hùng, 19 tuổi (cả hai cùng sống tại Bình Định). Điều mọi người xót lòng hơn, cả hai là anh em con dì ruột.

Gia đình cả hai đều nghèo khó giống nhau, mới tốt nghiệp phổ thông, chúng lần lượt mang ba lô theo chân những người lớn tuổi trong xã vào Sài Gòn với mong ước ở thành phố đô hội sẽ bắt gặp thần may mắn và có cơ hội đổi đời. Theo những người quen biết, cả hai đều là những đứa trẻ hiền lành, hay lam hay làm, hiếm khi tụ tập bù khú, được lòng bạn bè cũng như đồng nghiệp. Trong quá trình sống xa nhà, lại đang độ tuổi mới lớn, sau một vài lần trò chuyện, Lâm mắc bệnh tương tư với chị Nguyễn Thị Hạnh. Con người đang yêu dễ khiến mọi người nhận biết, do đó, chị Hạnh cũng nhanh chóng phát hiện anh chàng đang tương tư mình. Bằng tấm thịnh tình, Lâm đã khiến người con gái mình yêu xiêu lòng. Cùng là công nhân, Tùng và Hạnh nuôi mộng yêu đương bằng những buổi đêm ngồi tình tứ, trò chuyện ở trước xóm trọ. Đêm nào cũng thế, Lâm đến phòng trọ đưa Hạnh dạo quanh và luôn trở về trước 10 giờ để “sáng mai còn đi làm”.

Tình cảm của đôi bạn trẻ mãi đẹp và có thể sẽ là một kết thúc có hậu bằng đám cưới hạnh phúc nếu không có sự chọc ghẹo của “bộ ba sàm sỡ” trong cùng dãy trọ với Hạnh. Cũng như bao đêm bình thường khác, tối 23/12/2011, Lâm đến nhà người yêu chơi. Hai người ríu rít dẫn nhau ra phía trước dãy trọ vừa ngồi uống nước vừa trò chuyện. Đêm đó, cả hai cùng hứa hẹn sẽ gom góp tiền để trong thời gian ngắn tới sẽ đưa nhau về nhà ra mắt người thân. Thời gian trôi quá nhanh khi đôi bạn trẻ ngồi bên nhau. Đêm về khuya, giờ giới nghiêm đã đến, đứng trước cổng, Hạnh vẫy tay chào người yêu ra về.

Khi dáng Lâm đã khuất xa, Hạnh vội bước vào. Lúc này, đứng cửa phòng số 2 của dãy trọ, ba thanh niên là Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Quang và Lê Thanh Hiển đang đứng trò chuyện, thấy cô bạn cùng xóm trọ đi ngang vội níu lại chọc ghẹo. Hiển mở lời: “Nếu muốn đi qua phòng anh thì phải cho anh hôn một cái”. Thấy bạn cười tươi, Quang cũng hùa theo: “Phải hôn anh nữa thì mới được qua”. Người con gái bực mình: “Mấy anh xê ra cho tôi đi vào. Tôi không muốn phải lớn tiếng chỉ vì những chuyện như thế này”. Thấy cô gái bực tức, ba thanh niên lại càng thích thú, xởi lởi hơn, đòi “hối lộ” một chiếc hôn thì mới cho vào. Cuộc giằng co kéo dài khiến Hạnh rất khó chịu.

Riêng về phần Lâm, đi được một đoạn thì trong lòng cảm thấy nóng rần rần trong lòng. Lâm không yên lòng liền gọi điện cho Hạnh. Lúc này, cô bấm điện thoại nghe nhưng chưa kịp nói thì ba thanh niên lại thốt lời chọc ghẹo. Biết bạn gái bị ức hiếp, Lâm bực mình quay trở lại và gọi điện cho đứa em của mình là Nguyễn Lý Hùng đến giúp đỡ với lý do giả vờ: “Tao bị mấy đứa trong dãy trọ Hạnh đánh. Mày đến giải vây giúp tao nhanh nha”.

Chỉ trong khoảnh khắc, Hùng đã có mặt, cùng vào dãy trọ của Hạnh với Lâm. Lúc này, Lâm xông vào phòng trọ của “bộ ba sàm sỡ” và chỉ bừa vào Hào: “Thằng này mới đánh tao”. Bình thường, Hùng hiền lành, nhưng hay tin ông anh bị ức hiếp liền xông đến đòi ăn thua. Phía Hào chưa kịp mở một lời phân bua thì Hùng đã vội rút con dao bấm mang theo lao đến đâm một nhát từ trên xuống vào đầu người đối diện. Để bênh vực, cũng là tỏ ra có máu mặt, Lâm xông vào chống đỡ những đòn roi của hai người còn lại. Một lát sau, có người hét lớn: “Trên đầu thằng Hào máu chảy nhiều quá”. Cuộc hỗn chiến tạm ngưng, ai cũng nhìn vào nạn nhân nằm vùng vẫy giữa sàn. Thấy máu chảy quá nhiều, hai anh em Lâm hoảng sợ, vôi chạy trốn khỏi hiện trường.

Được bạn cùng phòng đưa đi cấp cứu kịp thời nên Hào được cứu sống nhưng bị thương tật 48%. Ngay hôm sau, biết khó lòng thoát tội, hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, Lâm dắt tay Hùng đến công an phường 15, quận Tân Bình đầu thú và giao nộp hung khí cho công an.

Nước mắt mặn đắng

Phiên tòa hôm ấy diễn ra khá nhanh. Cả hai đều nhận tội, tỏ ra ăn năn, hối hận và đặt rất nhiều niềm tin mình sẽ được giảm án. Khi nói lời sau cùng Lâm ngại ngùng: “Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, bị cáo không hề hay muốn như thế. Chỉ vì bị cáo suy nghĩ nông cạn nên không chỉ khiến bị cáo mà còn kéo theo em vào vòng lao lý. Bị cáo mong HĐXX cho hai bị cáo cơ hội sớm trở về để làm lại cuộc đời”. Đứng bên cạnh, nghe Lâm khai, Hùng luôn cúi gầm mặt, chân run run, tay cố cầm thật chặt lề áo như tìm một điểm tựa, tha thiết: “Bị cáo đã biết lỗi của mình. Bị cáo còn quá nhỏ, mong HĐXX cho bị cáo sớm trở về. Ở trong tù bị cáo sợ lắm”.

Những tiếng khóc nhói lòng

Hai bị cáo Lâm và Hùng.

Ngồi ngay hàng ghế đầu tiên dành cho gia đình bị cáo, hai bà mẹ là Võ Thị Thơm và Đoàn Thị Xuân lắng nghe từng lời khai của con trẻ mà không ngăn nổi nước mắt. Bà Thơm cho biết, vợ chồng bà sinh được bốn người con, Lâm là con đầu. Gia đình khó khăn, ngay từ nhỏ, Lâm phải chịu đựng rất nhiều gian khó. Mặc dù học giỏi nhưng tốt nghiệp phổ thông, gia đình không có tiền nên Lâm không thi đại học mà vào Sài Gòn mưu sinh với hy vọng sẽ kiếm nhiều tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ.

Ở thành phố đô hội, ban đầu, Lâm đi làm công nhân với mức lương ba cọc ba đồng. Về sau, Lâm nhận thấy, chỉ có một cách duy nhất để thay đổi cuộc sống hiện tại là phải đi học, kiếm tấm bằng rồi xin việc làm ổn định. Từ đó, vừa đi làm, cậu vừa ôn thi. Biết không có tiền học đại học, cao đẳng, vả lại nắm bắt được thông tin hiện nay nước ta đang cần nhiều thợ hơn thầy nên Lâm nộp đơn vào trường trung cấp nghề Lý Tự Trọng (quận Tân Bình). Cứ thế, cậu dồn hết mọi sức lực để vừa có thể kiếm tiền lại vừa thực hiện ước mơ chữ nghĩa của mình.

Với sự vươn lên như thế, Lâm trở thành tấm gương sáng dành cho những bà mẹ ở gần nhà cậu dạy con. Hễ mỗi lần những bạn đồng trang lứa phạm phải sai lầm gì thì các ông bố, bà mẹ lại bảo: “Mày sang nhà thằng Lâm, con bà Thơm mà học hỏi kìa”. Trong đó, bà Xuân cũng mong muốn đứa con của mình học được tính tốt của đứa cháu nên gửi vào Sài Gòn ở chung vừa đi học vừa đi làm. Bà Xuân đã từng hy vọng: “Thằng Hùng gần thằng Lâm mà học được tính siêng năng, cần cù, lo lắng, hiếu thảo”.

Hùng xách ba lô vào Sài Gòn được chừng 20 ngày thì có điện thoại gọi về cho bà Thơm: “Thằng Lâm kéo thằng Hùng đi đâm người ta nằm viện thoi thóp rồi”. Đang làm vườn, nghe điện thoại xong, người mẹ sững sờ. Không tin đứa còn hiền lành của mình lại hành động như thế, bà Thơm cố trấn an chạy sang nhà bà Xuân ở ấp Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước: “Có điện thoại báo về, con chị kéo con em đi giết người”. Hai bà mẹ ôm nhau khóc ròng rã, nhưng một lúc sau lại cố bình tĩnh: “Có lẽ không đúng đâu. Anh em nhà nó không bao giờ dám dùng dao giết người. Có thể ai đó đổ oan cho chúng”. Một thời gian ngắn sau, cơ quan cảnh sát điều tra gửi giấy thông báo về khiến hai bà mẹ chết trân người.

Đây là lần thứ hai hai chị em bà Xuân lặn lội từ tỉnh Bình Định vào TP.HCM tham dự phiên tòa xét xử Lâm và Hùng. Cả hai bà đã gửi gắm rất nhiều hy vọng hai đứa con “hiền lành” của mình được giảm án. Tuy nhiên, trong phiên tòa hôm đó, cả hai bị cáo đều không đưa ra được bất kì tình tiết nào mới, vả lại mức án cũ khá nhẹ so với hành động đã gây ra nên tòa quyết định bác đơn kháng cáo, tuyên Đặng Tùng Lâm 10 năm tù và Nguyễn Lý Hùng 9 năm tù cùng về tội “giết người”.

Hai bị cáo lê đôi chân nặng nề bước theo chân công an viện dẫn ra xe. Hai bà mẹ cố chạy theo khóc lóc thảm thiết: “Con ơi! Con ơi!”. Khi chiếc xe lăn bánh, hai bà mẹ cố chạy theo như hy vọng níu giữ con của mình lại. Chiếc xe khuất hẳn cũng là lúc cả hai bà ngất xỉu, bất tỉnh. Người thân chộn rộn xoa bóp, khuyên nhủ, nhưng nỗi đau quá lớn khiến hai bà vẫn không thôi gào khóc. Chúng tôi tự hỏi, chẳng biết rằng, khi ra tay đâm người, hai bị cáo có nghĩ đến thảm cảnh đang xảy ra hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tiếng khóc nhói lòng