Những thay đổi đáng chú ý về cơ cấu cổ đông FPT trong năm qua

25/03/2014 19:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2013, cơ cấu cổ đông của CTCP FPT (HOSE: FPT) đánh dấu sự ra đi của cổ đông ngoại lớn nhất Orchid Capital Investment Pte, Ltd và chào đón 2 cổ đông ngoại khác cùng thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.

Cụ thể, vào đầu tháng 9, các nhà đầu tư vào FPT khá bất ngờ với sự ra đi của cổ đông ngoại lớn nhất Orchid Capital Investment Pte, Ltd nắm giữ 29.1 triệu cp (ứng 10.66% vốn FPT). Hoạt động thoái vốn của cổ đông này xảy ra nhanh gọn chỉ trong vòng 3 ngày từ ngày 4-6 tháng 9/2013.

Thay vào đó, trong danh sách cổ đông lớn tính đến đầu năm 2014, chúng ta thấy sự xuất hiện của hai cổ đông ngoại mới là Government of Singapore và Cashew Investments Pte.Ltd sỡ hữu lần lượt 3.58% và 3.04% vốn.

Cả hai cổ đông ngoại mới đều thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore. Trong đó, Government of Singapore là một quỹ đầu tư quốc gia, thuộc 100% sở hữu của Chính phủ Singapore, được thành lập năm 1981 theo Luật Doanh nghiệp Singapore nhằm quản lý dự trữ ngoại hối của nước này. Cashew Investments Pte.Ltd là công ty con của Temasek Holdings (viết tắt là Temasek), quỹ đầu tư lớn nhất Singapore thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.

Bên cạnh sự xuất hiện của hai cổ đông ngoại mới thì Norges Bank và nhóm liên quan cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại FPT lên đáng kể từ 4.99% lên 6.28%; Vietnam Equity Holding nâng tỷ lệ nắm giữ lên 2.23%; The Caravel Fund nắm giữ 2.65%.

Ngoài ra, một nhân vật quan trọng khác, ông Trương Đình Anh, Ủy viên HĐQT cũng bán gần hết số lượng cổ phần đang nắm giữ hơn 1 triệu đơn vị để giảm sở hữu xuống 0.01%.

 

 

Danh sách 10 cổ đông lớn nhất tính đến đầu năm 2014

Những thay đổi đáng chú ý về cơ cấu cổ đông FPT trong năm qua

Ngày chốt số liệu: 27/02/2014

 

 

Đôi nét về hai cổ đông ngoại mới đến từ Singapore của FPT

1.  Government of Singapore

Government of Singapore là một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất trên thế giới với hơn 1,200 nhân viên, đầu tư hơn 100 tỷ USD vào hơn 40 quốc gia, GIC có mạng lưới gồm 9 văn phòng tại các thủ đô tài chính lớn trên toàn thế giới.

GIC đã có hơn 30 năm đầu tư vào các tài sản được niêm yết tại hơn 45 sàn giao dịch và thị trường OTC, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn, tài sản cố định, tài nguyên thiên nhiên, ngoại hối, tiền mặt và các tài sản phái sinh.

Danh mục bất động sản của GIC là một trong số ít nhận được sự tín nhiệm trên toàn cầu và được xếp vào top 10 công ty bất động sản lớn nhất thế giới xét theo tiêu chí tài sản đang quản lý (AUM).

Bên cạnh đó, danh mục đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng giúp GIC trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu trên toàn thế giới trong lĩnh vực này với mạng lưới hơn 100 công ty quản lý quỹ năng động nằm trong số tốt nhất trên thế giới.

2. Temasek

Temasek bắt đầu hoạt động vào năm 1974 theo Luật Doanh nghiệp Singapore với danh mục có giá trị 354 triệu SGD. Trong vòng một thập kỷ qua, giá trị danh mục ròng của Temasek đã tăng gấp 3 từ mức đáy 61 tỷ SGD vào tháng 3/2003 lên kỷ lục 215 tỷ SGD (tương đương 173 tỷ USD) vào ngày 31/03/2013, chủ yếu bao gồm cổ phiếu tại Singapore và châu Á. Trong đó, 73% danh mục của Temasek là các tài sản niêm yết và có thanh khoản cao trong khi 27% còn lại dưới dạng các tài sản chưa niêm yết.

Xét về khu vực đầu tư, Temasek đầu tư 58% vào các nền kinh tế phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và các nền kinh tế thuộc Bắc Mỹ, châu Âu; 42% còn lại được rót vào các khu vực đang phát triển như châu Á (trừ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc), Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Á và Trung Đông.

Xét về nhóm ngành trong danh mục của Temasek, lĩnh vực dịch vụ tài chính chiếm 31%; viễn thông, truyền thông và công nghệ 24%; vận tải và công nghiệp 20%; khoa học đời sống, tiêu dùng và bất động sản 12%; năng lượng và tài nguyên 6%; các ngành khác 7%.

Phước Phạm

Mỹ Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thay đổi đáng chú ý về cơ cấu cổ đông FPT trong năm qua