Cứ đến mùa thi ĐH, hàng ngàn sĩ tử ngoài nỗi lo ứng thí, còn có muôn vàn những sự bỡ ngỡ lo lắng trên con đường đến với kì thi. Thế nhưng, những nỗi lo ấy được chia sẻ khi có những tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ phía sau cho các thí sinh vững bước .
Vợ chồng giảng viên ở Tây Đô cưu mang hàng ngàn sĩ tử
Như đã thành thông lệ trong suốt 8 năm qua, cứ đến mùa thi ĐH-CĐ là vợ chồng cô Lê Thị Huyền và thầy Phạm Ngọc Long (ĐH Cần Thơ) lại tất bật đón sĩ tử nghèo về ở miễn phí.
Ban đầu, gia đình cô Huyền nhận TS nghèo về ở căn nhà chính của mình. Những năm về sau, nhu cầu ăn ở của sĩ tử nghèo càng nhiều nên vợ chồng cô Huyền giảm bớt chi tiêu, đi dạy thêm và vận động người thân thuê thêm nhà và đến mùa thi dùng vào việc cho sĩ tử ở trọ.
Từ mức vài chục TS ở trọ trong những năm đầu, đến nay gia đình cô Huyền, thầy Long tiếp nhận khoảng 150 thí sinh/đợt thi. Khi các TS và phụ huynh đến trọ, cô Huyền và thầy Long bao hết việc ăn, ở, tiền điện, nước và những khoản lặt vặt khác nhà xà phòng, bánh bao ăn sáng và buổi tối…
Tính đến nay, đã có hàng ngàn sĩ tử ở nhà cô Huyền đi thi ĐH, CĐ. Điều đáng trân trọng là đôi vợ chồng này cùng các bạn tình nguyện viên đều hết lòng giúp đỡ TS”.
Cô Huyền đang chăm sóc 1 thí sinh bị ốm
Bỡ ngỡ khi lên thành phố để tham gia kì thi, rất nhiều những phụ huynh và các thi sinh vô cùng lo lắng, thật may măn vì họ có những tấm lòng đáng quý như vợ chồng cô Huyền, điều đó đã trở thành động lực cho các thí sinh yên tâm vững bức tham gia kì thi quan trọng trong cuộc đời này.
Người phụ nữ giúp đỡ hàng ngàn thí sinh ăn ở miễn phí
Trước mỗi mùa thi tuyển, căn nhà của cô Nguyễn Thị Bích (53 tuổi trú tại số nhà 57A Cửa Đông, Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp, đông vui. 5 năm qua, gia đình cô đã cho hàng trăm sĩ tử ăn ở miễn phí tại căn nhà khang trang, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi.
Cô Bích tâm sự : khi con gái của cô là sinh viên Học viện Ngoại giao và thấy nhiều em học sinh lặn lội từ quê lên Hà Nội đi thi quá vất vả, khó khăn. Đặc biệt có nhiều gia đình phải vay mượn khắp nơi để có 1-2 triệu đồng khăn gói lên dự thi. Do tiền chẳng có nhiều nên các sĩ tử phải chấp nhận thuê những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, cách xa khu vực thi và thiếu thốn đủ thứ. Con gái cô đã trao đổi lại với cô và vợ chồng cô nhanh chóng quyết định nhường toàn bộ tầng 4 cho các sĩ tử.
Cô Bích dọn dẹp phòng cho các sĩ tử.
5 năm nay, với cô Bích, điều hạnh phúc nhất là nhận được nhiều sự sẻ chia của người dân khắp cả nước. Hiện tại, mỗi ngày cô nhận được hàng chục cuộc điện thoại chia sẻ về việc làm vô cùng ý nghĩa đối với các sĩ tử khó khăn.
Rất nhiều những bạn thí sinh ở những vùng quê xa đã, những vùng quê khó khăn, khi họ lên trong túi chỉ vỏn vẹn 1 triệu, số tiền khó có thể đủ cho những chi tiêu đắt đỏ nơi thủ đô, hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh đó, cô Bích càng đồng cảm và tận tình giúp đỡ.
Tiếp sức mùa thi - những màu áo xanh làm ấm lòng sĩ tử
Trong suốt những ngày thi vừa qua,có mặt ở khắp các bến xe, nhà ga, màu áo xanh của sinh viên tình nguyện dưới cái nắng oi bức của mùa hè, họ vẫn nhanh nhẹn hướng dẫn, giúp đỡ những thí sinh đang lo lắng với lần đầu đặt chân đến các thành phố lớn để tham gia kì thi.
Đóng góp cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, màu áo xanh tình nguyện đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của sức trẻ, của nhiệt huyết dâng trào, của những bàn tay chăm sóc, chia sẻ của thế hệ sinh viên đi trước với lớp đàn em sau này.
sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho sĩ tử đường đến cái điểm thi
Giúp đỡ các sĩ tử ngay từ các bến xe
Những "con đường màu xanh" cơ động do các bạn sinh viên tình nguyện tạo ra ngay trước các hội đồng thi vừa dẫn các sĩ tử đến khu vực người nhà đang đợi, vừa giải quyết vấn đề giao thông.
Các sĩ tử không chỉ được đưa đón từ quê ra Hà Nội, được ở trọ miễn phí mà còn được tạo điều kiện ăn uống, sinh hoạt tốt. Dù ở trong những ngôi chùa hay ở nhà người dân, các sĩ tử đều được các sinh viên tình nguyện (SVTN) chuẩn bị cho những bữa ăn chu đáo nhất, đảm bảo sức khỏe cho các em trong mùa thi.
Bữa cơm ấm nồng tình cảm dành cho sĩ tử mùa thi
CSGT - đồng hành cùng các sĩ tử
Trong đợt 1 của kỳ thi đại học năm 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều thí sinh, phụ huynh lạc đường, hỏng xe được cán bộ, chiến sĩ CSGT Hà Nội hướng dẫn và đưa tới điểm thi an toàn.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kể: Trên địa bàn Đội quản lý có 12 điểm thi. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an Hà Nội và Phòng CSGT, chúng tôi đã quán triệt tới 100% cán bộ, chiến sỹ CSGT trong khi làm nhiệm vụ nếu được người nhà hoặc thí sinh đi thi đề nghị giúp đỡ thì phải chỉ dẫn tận tình, hoặc đưa thí sinh tới các điểm thi kịp thời.
Nhiều thí sinh gặp sự cố đã được CSGT đưa tới tận phòng thi đúng giờ
Sáng ngày 4/7, khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ, đến phố Kim Mã thì tôi trông thấy hai mẹ con đang hỏi đường một bác xe ôm. Nhìn vẻ ngoài lo lắng của họ, tôi biết ngay đó là phụ huynh đưa con đi thi bị lạc đường. Sau khi hỏi lại cho chính xác, tôi đã cử hai chiến sĩ đến chở mẹ con chị Nguyễn Thị Tú Ngà, ở thị trấn Bần, tỉnh Hưng Yên đến điểm thi vào Trường Đại học Tài chính ở Giảng Võ để kịp giờ thi.
Tiếp đó, buổi trưa ngày 5/7, cũng là thời điểm kết thúc kỳ thi ĐH năm 2014, khi đang đi kiểm tra đảm bảo ATGT trên địa bàn quận Tây Hồ, Thiếu tá Hải thấy 2 mẹ con Lưu Thị Hương ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bị lạc đường. Chị Hương trình bày, hôm lên Hà Nội mẹ con chị được chồng đưa đi. Nay con thi xong, muốn về quê mà không biết ra bến xe bằng đường nào? Thiếu tá Hải lập tức gọi bộ đàm điều 2 CSGT đang làm nhiệm vụ ở gần đó đưa 2 mẹ con chị Hương xuống bến xe Giáp Bát.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải tâm sự, việc giúp đỡ phụ huynh và thí sinh bên cạnh tinh thần trách nhiệm, còn thể hiện sự tận tâm, mẫn cán của người công an nhân dân. Vì thế không chỉ mình anh mà tất cả cán bộ, chiến sỹ CSGT Công an Hà Nội đều vui vẻ mỗi khi nhận được đề nghị trợ giúp.
Gieo mầm lương thiện
Còn có rất, rất nhiều người tuy nhà nhỏ, nhưng cũng sẵn lòng cho 4 – 5 thí sinh ở trọ miễn phí. Họ còn đi chợ, nấu ăn để phụ cho các em bữa cơm. Không phải họ giàu có dư ăn thừa để, mà chỉ là người có thu nhập trung bình, nhưng có tấm lòng. Chưa chắc người giàu có đã nghĩ đến giúp đỡ người khác.
Xúc động hơn, có một số bác xe ôm tâm nguyện bỏ ra một ngày làm từ thiện bằng cách chở thí sinh từ bến xe về địa chỉ ở không lấy tiền. Nhiều người cho rằng, mỗi năm làm được một việc đóng góp cho xã hội đối với họ là niềm vui.
Học sinh ở vùng nông thôn, có được nơi ở miễn phí để đi thi, có bữa cơm ăn đàng hoàng tươm tất không mất tiền thì còn gì mừng hơn. Đối với người nghèo, bớt đi được vài chục ngàn đồng chi phí là rất quý, cho nên sự chia sẻ của những người có lòng tốt trong lúc này rất có ý nghĩa.
Ngoài vật chất, ý nghĩa lâu bền chính là gieo một mầm lương thiện vào trong lòng các em học sinh. Rời nhà lên thành phố đi thi, các em học được bài học của lòng nhân ái. Các em được giúp đỡ một nơi ở, những bữa cơm, thì mai sau các em cũng sẽ biết đối xử với bạn bè, tha nhân như vậy.
Thử nhìn ngược lại, cũng mùa thi đại học, nhiều hàng quán, nhà trọ tận dụng mọi cơ hội chặt chém thí sinh và phụ huynh. Nhiều người bòn mót được vài triệu đồng, lên TP.HCM lơ ngơ vô tiệm ăn bữa cơm đã bị “chém đẹp” mất một góc, toát mồ hôi không biết kiếm đâu ra tiền để bù vào những ngày còn lại. Ấn tượng đó sẽ rất không tốt với tâm hồn trong sáng của các em, chưa học được gì hơn thì đã học những trò lưu manh, lừa đảo, gian dối.
Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm, những con người hào hiệp, không chỉ với miếng ăn giấc ngủ cho các em thí sinh, mà còn tạo ra niềm tin vào sự tốt đẹp, tình yêu thương con người cho các bạn trẻ.
Những việc làm rất có ý nghĩa này cần được tuyên truyền, nhân thành phong trào lan rộng. Hy vọng từng năm sau sẽ có thêm nhiều gia đình tham gia, để đến một lúc, những học sinh nghèo vùng nông thôn lên thành phố thi đại học chắc chắn có chỗ trọ miễn phí..