Có rất nhiều phong tục đón năm mới đặc sắc trên thế giới. Mời các bạn cùng báo điện tử Công lý ghé thăm và tham gia một số phong tục đón năm mới của một số quốc gia trên thế giới.
Phong tục đón năm mới ở một số nước Châu Âu
Nga: Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga.
Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ khi nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp.
Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
Anh: Ngày đầu năm mới, người dân nước Anh tổ chức các cuộc diễu hành dọc đường qua Whitehall, trung tâm mua sắm Pall và dừng chân tại quảng trường Berkley hát vang bài hát chúc mừng năm mới, được nghe tiếng chuông của đồng hồ Big Ben đổ báo hiệu năm mới đến.
Để chào mừng năm mới, mọi nhà sẽ chuẩn bị thật nhiều rượu và thịt dự trữ vì theo quan điểm người Anh, thịt rượu dư dả là tín hiệu một năm mới no đủ, phát tài.
Người Anh cũng có những phong tục lạ và độc đáo cho ngày đầu năm mới như Bước chân đầu tiên (The First Footing) tương tự như tục xông nhà của người Việt nhằm hàm ý mang lại điều may mắn cho gia đình trong năm mới, nhưng người đến xông nhà phải là người Scotand hoặc người Anh.
Vị khách này sẽ lẳng lặng bước vào nhà từ cửa chính, rót một cốc rượu Whiskey hay rượu vang đổ lên đầu chủ nhà, sau đó mới được phép chúc mừng năm mới các thành viên và cũng lẳng lặng ra về bằng cửa sau, tránh gây tiếng ồn càng ít càng tốt.
Người Anh còn có tục lệ, không chọn người tóc vàng hay tóc đỏ để xông nhà vì như thế là không may mắn, tục lệ mừng tuổi bằng cành tầm gửi vì theo người bản xứ, tầm gửi biểu trưng cho thịnh vượng và may mắn.
Người Anh cũng có phong tục không quét dọn nhà cửa trong những ngày đầu năm mới như vài quốc gia Đông Á khác.
Bắn pháo hoa tại đồng hồ Big Ben
Italia: Trong ngày đầu tiên của năm mới, người dân Italia thi nhau nhảy xuống con sông Tiber từ cây cầu Cavour với đức tin hành động này mang lại may mắn và thành công cho mọi người trong năm tới.
Đây là hành động truyền thống và không thể bỏ qua của người dân nước này mỗi dịp đón năm mới. Tục lệ này có nguồn gốc từ năm 1946.
Rượu vang không thể thiếu trong đêm giao thừa, đón chào năm mới của người Pháp
Pháp: Đối với người dân Pháp, rượu vang là thức uống không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Người Pháp đón năm mới bằng rượu từ đêm giao thừa đến hết ngày 3/1.
Và vào ngày đầu năm, mọi người đều có phong tục xem hướng gió, gió Nam mang lại điềm lành về một năm mưa thuận gió hoà, bình an; gió Tây tốt cho ngành ngư nghiệp và vắt sữa bò; gió Đông mang lại vụ mùa hoa quả tốt tươi; không may, gió Bắc sẽ là điềm xấu về một năm mất mùa.
Người Pháp đón năm mới bắt đầu từ ngày 01/01, song ở mỗi miền của nước Pháp, phong tục đón giao thừa có chút khác biệt. Ở miền Đông, lúc giao thừa, người ta sẽ ngậm đồng tiền vàng cầu mong phát đạt, giàu sang. Ở miền Tây, nam thanh nữ tú dắt nhau vào rừng tìm cây tầm gửi từ chiều cuối năm, anh chàng nào tìm thấy và mang về đầu tiên sẽ được phong ''Vua tầm gửi'', có quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi ngang nhà mình trong suốt ngày mùng 01.
Tại thủ đô Paris, nếu trong lần xuất hành đầu tiên của năm mới, ai gặp một hoặc ba anh lính thuỷ thì may mắn theo suốt năm.
Vào đêm giao thừa, khi ăn xong mọi người ở nước Đức sẽ chừa lại một ít thức ăn trên đĩa và để đến sau nửa đêm. Đây là một cách cầu chúc cho sự ấm no trong năm mới.
Đức: Người Đức đón mừng Năm Mới từ chiều 31/12 của năm trước, mọi người tụ tập ăn uống và vui chơi đến giao thừa. Trước giao thừa 15 phút, mọi người ngồi yên trên ghế, đến khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy ra khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt rủi ro, khó khăn ở năm cũ, bước qua năm mới.
Trong thời khắc giao thừa, người Đức ôm nhau và trao nhau những nụ hôn thắm thiết, chúc nhau năm mới. Người Đức có thói quen nấu chì trong nước và dự đoán tương lai qua hình dạng miếng chì, nếu hình miếng chì có dạng trái tim là trong năm sẽ có đám cưới, hình chiếc thuyền có nghĩa là chuyến du lịch.
Người Đức rất quan trọng lễ đón năm mới và kéo dài trong một tuần. Người Đức có tập tục mặc quần áo mới đầu năm cầu mong mọi sự như ý trong năm mới, phong tục kẹp vảy cá trong tập tiền vì họ tin vảy cá là những thứ mang lại may mắn.
Các bữa ăn trong dịp đón mừng năm mới của người Đức sẽ không thể thiếu cà rốt và bắp cải – hai thức ăn mang lại sự ổn định về tài chính theo quan điểm của người dân Đức, và các loại bánh mì tự làm hình tròn, bát giác, trái tim, hình chóp cầu mong những điều không tốt sẽ được loại bỏ, một năm mới với nhiều điều tốt lành sẽ đến.
Bắn pháo hoa trên Cầu Cảng Syney, Australia
Australia: Năm mới ở Australia bắt đầu vào ngày 1/1 dương lịch. Vì Tết ở Nam bán cầu thời tiết thường ấm nóng nên người dân hay đi picnic hoặc ra biển.
Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa, đi săn, lướt ván... rất được ưa thích trong dịp năm mới.
Cộng hòa Séc: Tết ở quốc gia này cũng như ở các nước châu Âu khác, thường diễn ra vào dịp Giáng sinh và được kéo dài đến ngày đầu năm mới dương lịch.
Ngay đầu tháng 12, người dân Séc đã đi mua sắm cây thông về trang trí nhà đón năm mới. Theo phong tục của người Séc, chiều ngày 24/12 hầu hết mọi gia đình đều có món súp cá, cá rán tẩm bột ăn với xà lách. Từ 5-7h tối đêm Giáng sinh, các gia đình sum họp quây quần ngồi ăn tiệc xung quanh cây thông, đồng thời hát những bài dân ca bên ánh đèn nhiều màu sắc rực rỡ, trong phút đầm ấm đó, những người thân trong gia đình tặng nhau món quà nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.
Đêm 31/12, gia đình lại đoàn tụ bên nhau, kể chuyện vui cùng bữa ăn tất niên. Giao thừa, mọi người đi thăm chúc tụng hàng xóm láng giềng.
Đặc biệt, ngày đầu năm mới, người dân Séc kiêng ăn thịt bò, thịt vịt, thịt gà, thịt ngỗng vì họ tin rằng nếu ăn phải thịt những con thú và gia cầm biết bay, biết chạy thì may mắn và hạnh phúc của họ trong năm mới sẽ bị tan biến mất.
Hy Lạp: Ngày đón năm mới, mọi người ôm đá qua cửa nhà mình cầu cho sang năm mới được mùa, cầu cho cuộc sống năm mới hạnh phúc.
Ba Lan: Ngày đầu năm còn là ngày hội hoá trang. Đàn ông ăn mặc như đàn bà đeo mặt nạ trùm kín đầu, trẻ con vẽ thêm râu, thêm tai dài... để cho mọi người không thể nhận ra.
Hungary: Người dân sẽ đốt một hình nộm hay một vật tế thần được gọi là ''Jack Straw'', đại diện cho những điều không may trong năm cũ. Việc làm này tượng trưng cho sự xua đuổi điều xui xẻo và đón chào năm mới may mắn, hạnh phúc.
Nho và rượu là hai thứ không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Tây Ban Nha
Tây Ban Nha: Tất cả các hoạt động như biểu diễn sân khấu và phim ảnh đều dừng lại vào thời khắc giao thừa. Khi những chiếc đồng hồ điểm 12h đêm là lúc mọi người ăn lần lượt 12 quả nho, cầu mong sự may mắn trong 12 tháng tiếp theo của năm mới.
Người dân Tây Ban Nha còn có tục lệ trước năm mới không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười to đón năm mới để cầu mong sự an khang, thịnh vượng.
Đan Mạch: Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều đĩa bể thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình.
Những chiếc đĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều đĩa bể, có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè.
Pháo hoa mừng năm mới ở Áo
Áo: Người dân Áo gọi đêm giao thừa là Sylverterabend, tức Đêm của Thánh Sylvester. Vào ngày này, tiệc rượu ăn mừng thường được tổ chức.
Đồ trang trí và rượu sâm panh là phần không thể thiếu của buổi tiệc. Khi thời khắc giao thừa đến, tiếng kèn trumpet sẽ vang lên từ các nhà thờ và lúc này mọi người sẽ hôn nhau mừng năm mới đến.
Phong tục đón Tết tại một số nước Châu Phi
Ghana: Người Ghana không đón Tết với cây thông trong nhà mà làm những ngôi nhà nho nhỏ bằng lá dừa, dùng bóng đèn trang trí, rồi dựng khắp nơi trên đường phố, thanh niên nam nữ tới các ngôi nhà đón xuân đó, hát hò vui vẻ.
Trong các căn nhà ấy, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Vào lúc nửa đêm, những ai cãi cọ nhau trong năm cũ đều giải hòa với nhau, xóa đi mọi nỗi bực bội.
Theo tục cũ, đúng vào lúc nửa đêm, vang lên một tiếng thét lớn. Người ta cho rằng, cần thét đuổi những gì của năm cũ. Nếu trong năm trước, gia đình gặp xui xẻo phải la thét và khóc lóc, nếu có nhiều niềm vui - cần thét mừng.
Vào 4 - 5 giờ sáng, người Ghana đi thăm, chúc mừng những người ruột thịt và bạn bè thân quen. Khi tới chúc mừng, họ phải kể về những bất hạnh và niềm vui của bản thân trong năm ngoái. Ngoài đường phố, người ta ca hát…
Người dân Nam Phi đón chào năm mới
Nam Phi: Tại Nam Phi, chuông nhà thờ báo hiệu năm mới trong đêm giao thừa và thường có lễ bắn súng chào mừng. Mọi người ăn mặc sặc sỡ và nhảy múa đón chào một năm mới sắp đến. Người ta cũng đổ ra đường rất đông và cùng nhau cầu nguyện.
Ai Cập: Dù biết từ trước là năm mới sẽ đến nhưng người dân nơi đây vẫn ngóng đợi lúc mặt trăng có hình lưỡi liềm và sự tuyên bố bắt đầu năm mới. Thông điệp năm mới bắt đầu được phát ra từ nhà thờ Muhammed Ali ở Cairo.
Các thủ lĩnh tôn giáo sẽ lan truyền tin này tới dân thường. Những người này trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ sẽ chúc mừng lẫn nhau. Sau đó, họ về nhà kể cho gia đình mình nghe và ăn một bữa đặc biệt mừng năm mới. Ngày hôm ấy, ngay cả gia đình nghèo nhất cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn.
Trên bàn ăn không có rượu (đạo Hồi cấm rượu). Đón năm mới, ai cũng mặc đồ đẹp. Ngay cả những cô gái ngày thường chỉ mặc trang phục đen theo quy định của Hồi giáo thì lúc đón tân niên cũng được phép mặc những bộ quần áo nhiều màu rực rỡ.