Những phiên tòa tại phòng xử án Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP. Hồ Chí Minh không có vành móng ngựa, các bị cáo được bố trí ngồi gần vị trí của luật sư bào chữa, không còn tâm lý hoang mang, ánh mắt sợ hãi như những phiên tòa hình sự.
Tham dự một số vụ án, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện cũng như phán quyết đầy tính nhân văn của các Thẩm phán, giúp những người chưa thành niên phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời…
Trong số 95 vụ án hình sự được Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử trong 6 tháng qua, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với vụ án Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân bị xét xử về tội “Cướp giật tài sản”.
Khác với những phiên tòa hình sự thông thường, khi bị cáo luôn bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp theo sát và cách ly với gia đình, Tân và Tuấn lại được ngồi cạnh cha mẹ. Các bị cáo là những người chưa thành niên phạm tội nên được bố trí ngồi gần người thân nhằm được hỗ trợ, tạo cho các em tâm lý tự tin trong quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa,
Phiên tòa hôm đó do ông Trần Thanh Minh, Thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh làm chủ tọa. Tuấn và Tâm khai tối 17/10/2015, hai em gặp nhau để chơi điện tử. Sáng hôm sau, do không có tiền nên Tuấn cùng Tân đến một nhà hàng ở quận Thủ Đức xin việc làm. Khi đi đường, Tuấn và Tân bụng đói nhưng không có tiền nên bàn nhau giả vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy.
Các bị cáo trong phòng xử của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên
Khoảng 12 giờ cùng ngày, Tuấn đến một tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức), em đứng ngoài hỏi mua 2 bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Chủ quán cầm chiếc túi đựng các đồ ăn trên mang ra, Tuấn liền giật lấy đồ ăn, Tân tăng ga bỏ chạy. Những người dân nghe tiếng chủ quán tri hô đã đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao Công an phường. Kết quả định giá số bánh bị cướp giật là 45.000 đồng. TAND quận Thủ Đức xét xử sơ thẩm tuyên phạt Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), phạt Tuấn 10 tháng tù cùng về tội "Cướp giật tài sản".
Sau đó, người bào chữa cho Tuấn và người đại diện hợp pháp của Tân đã kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tân khai "Bị cáo đã thấy được hành vi của mình. Bị cáo thấy có lỗi, đã ăn năn hối cải và hứa sẽ không tái phạm". Tân cho biết đã học lớp 12, đang học năm thứ 2 tại một trường trung cấp nghề thì bị bắt khi xảy ra vụ án. Bị cáo từng được tặng Huy chương Bạc về thể thao cấp thành phố.
Vị Thẩm phán đã phân tích những sai phạm của bị cáo và nhắc nhở Tân nếu có cơ hội cần cố gắng học tập tốt để trở thành người có ích. Bị cáo Tuấn cũng xin Tòa được "miễn trách nhiệm hình sự", Tuấn khai đang học lớp 5 thì nghỉ học, Tuấn phải sống lang thang. Vị Thẩm phán chủ tọa nhẹ nhàng phân tích, khuyên Tuấn nên cố gắng học tập để có kiến thức, có nghề nghiệp.
Ngoài ra, Thẩm phán cũng giải thích để Tuấn hiểu rõ hơn về khái niệm “miễn trách nhiệm hình sự” cũng như điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự. HĐXX cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh về trách nhiệm nuôi dạy con cái, gia đình Tuấn và Tân cam kết sẽ quan tâm, giáo dục con mình để tránh vấp phải những lỗi lầm tương tự. Sau đó, HĐXX nghị án và tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho Tân và Tuấn về tội "Cướp giật tài sản".
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Lãnh đạo TAND hai cấp thành phố luôn đảm bảo việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng để trở thành công dân có ích cho xã hội”. Vì lẽ đó, trong nhiều phiên tòa, HĐXX đã đưa ra những phán quyết rất giàu tính nhân văn, giúp các em có cơ hội sửa sai.
Vụ án Lai Tấn Phát cùng đồng phạm bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”, Tòa đã sửa án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Tấn Đạt từ 2 năm 6 tháng tù giảm còn 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tạo điều kiện cho bị cáo trị bệnh lao phổi, thận và gan. Tương tự, trong vụ án Phan Viết Thịnh và đồng phạm bị xét xử về tội “Cướp giật tài sản”, Tòa sửa bản án sơ thẩm, giảm án cho Thịnh từ 1 năm tù xuống còn 9 tháng 16 ngày tù và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Thịnh tiếp tục tham gia học tập, hoàn thành khóa học trung cấp nghề theo đúng thời hạn nhà trường thông báo.
Chính việc xử lý người chưa thành niên phạm tội dựa trên nguyên tắc phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm… như Chánh án Ung Thị Xuân Hương tâm sự đã giúp các em chưa thành niên phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm bằng những bản án “thấu tình đạt lý”.
Trong những phiên tòa thân thiện đó, các bậc phụ huynh ngồi bên những đứa trẻ cũng có những khoảng lặng để nhìn lại trách nhiệm của gia đình, từ đó thay đổi nhận thức, giúp con em mình hướng thiện, phát triển lành mạnh trở thành những công dân có ích cho xã hội.