Trong 54 dân tộc anh em, Bố Y là “những người anh em nhỏ bé” với số dân xấp xỉ 3.000 người. Dẫu vậy nhưng “những người anh em” ấy cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên miền biên ải.
Nền nếp Bố Y
Vùng biên giới phía Bắc là một bộ phận lãnh thổ trọng yếu của nước ta, với đặc điểm địa hình là sự nối dài của các dòng sông, dải núi tạo nên một dải liền mạch về địa lý. Chính vì địa hình có sự tiếp nối như vậy nên các tỉnh biên giới phía Bắc cũng là nơi giao thoa, tiếp nhận các đoàn người thuộc các dân tộc phương Bắc di cư xuống phía Nam và trở thành một phần trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lịch sử ghi nhận sự có mặt người Bố Y trên đất Việt chỉ mới trên 100 năm, muộn hơn so với nhiều dân tộc khác ở khu vực phía Bắc. Song, với nền nếp chuẩn mực, phong tục truyền thống tiến bộ nên cộng đồng người Bố Y tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc hòa nhập với các dân tộc bản địa đến trước đó và góp thêm nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.
Nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng
Được các nhà ngôn ngữ học xếp vào ngữ hệ Tày - Thái, với nhiều tên gọi như: Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn, Pu Nà... người Bố Y hiện có dân số khoảng trên dưới 3.000 người, 1/3 số đó hiện vẫn sống tại vùng đất Tổ, thuộc địa phận xã Quyết Tiến, phía sau cổng trời Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ngày nay, số còn lại phân bố rải rác tại các xã thuộc hai huyện Mường Khương và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai. Tại các vùng này, họ sống thành từng làng, có từ 10 đến 15 nóc nhà, xen kẽ với các dân tộc khác. Có lẽ cũng do quá trình cộng cư và hòa hợp tộc người diễn ra tự nhiên trong một thời gian dài đã hòa tan nhiều nhóm Bố Y vào các dân tộc khác. Họ tự nguyện trở thành các cá thể trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Giáy...
Theo khảo sát, riêng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, hiện chỉ còn có người Bố Y ở xã Quyết Tiến, xã Thuận Hòa là còn nói tiếng Bố Y, số còn lại đa số chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa, Tày, Nùng, Mông, Dao... Ngay cả vốn văn hoá dân gian của đồng bào như truyện cổ tích, thần thoại, dân ca cũng đang ngày càng bị mai một... Theo ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thì hiện chỉ còn khoảng trên 20% người Bố Y hiểu được nội dung dân ca, chữ viết và tiếng nói cổ của dân tộc mình, còn lớp trẻ hầu như không biết.
"Ruộng người khác chết thành vùng. Ruộng của mình không cho chết thành vùng. Ruộng người ta mọc nhiều cỏ. Ruộng của mình không để cỏ mọc đầy. Ruộng năm ngoái không tốt thì năm nay cho tốt. Ruộng năm ngoái chưa nên thì năm nay cho nên...". Bài cúng thần Ruộng của người Bố Y bao năm nay vẫn lưu truyền trong các thế hệ đã nói lên tinh thần yêu lao động của tộc người này. Có lẽ chính bởi sự cần cù, chịu khó cộng với kỹ thuật canh tác nông nghiệp khá cao nên làng xóm của người Bố Y tương đối trù phú. Ngoài ra, đồng bào còn có nhiều kinh nghiệm về nuôi cá. Cứ đến mùa mưa, họ ra sông vớt trứng cá và bắt cá lớn để thả vào ao hoặc ruộng, nuôi một thời gian rồi đánh bắt dần phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày của gia đình.
Người giữ “lề” cho bản
Đến với thôn Nặm Lương (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), một thôn chủ yếu là cư dân Bố Y, điều dễ dàng nhận thấy là cảnh sắc của mỗi căn nhà, mỗi vùng ruộng đều được quy hoạch khá văn minh và đẹp mắt. Người Bố Y chủ yếu ở nhà trình tường bằng đất, lợp ngói và có kiến trúc khá tương đồng với kiểu nhà của các dân tộc anh em trong vùng như Hoa, Nùng, Tày… gọi theo tiếng Bố Y là “pai đần ngóa”.
Nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng và Dương Đức Khoan, những người được bà con Nặm Lương và các cán bộ văn hóa đặt cho cái tên trìu mến là "người giữ lề cho bản", kể: Việc quay hướng nhà có quy định chặt chẽ: “Đông phương giáp ất mộc. Nam phương bính đinh hỏa. Tây phương canh tân kim. Bắc phương nhâm quý thủy. Trung ương mậu kỷ thổ.” Căn cứ vào tuổi của chủ nhà để chọn hướng mở cửa chính cho phù hợp, giúp cho gia đình bình an, cát vận. Nhà của họ phía trước là ruộng, nương, vườn tược, phía sau là rừng cây tươi tốt quanh năm. Nhà nào cũng có một vài con trâu, con bò làm sức kéo, vài cái ao để cải thiện đời sống và tăng thu nhập.
Từ nhiều năm qua, cụ Phượng cùng với cụ Khoan luôn đau đáu ước mơ làm sao biên soạn được cuốn "Từ điển Bố Y" để lưu truyền lại chữ viết của dân tộc mình cho con cháu mai sau. Cụ Khoan tâm sự: "Tiếng Bố Y bây giờ chỉ có lớp người già chúng tôi nói thôi, mà người già cũng không còn nhiều. Con cháu ra ngoài nói tiếng Kinh, về nhà nói chuyện với nhau bằng tiếng Nùng, tiếng Dao. Chúng nó quên tiếng Bố Y rồi. Chúng tôi muốn nói chuyện với các con thì phải nói theo chúng nó". Còn cụ Phượng thì tâm đắc với những bài dân ca, điệu nhị, điệu trống đồng mang khát vọng no ấm, bình yên của dân tộc mình.
Lo ngại rằng tiếng nói, chữ viết và những nét đẹp văn hóa của tổ tiên rồi đây sẽ chỉ còn trong hoài niệm, cụ Khoan và cụ Phượng bàn nhau tìm cách dạy con cháu tiếng nói của dân tộc mình. Tranh thủ những buổi tối rảnh rỗi, hai ông lại tổ chức một lớp học, vừa dạy tiếng, vừa dạy hát dân ca cho bọn trẻ trong thôn. Ngoài ra, thông qua đám trẻ, hai ông vận động gia đình chúng cùng nói tiếng Bố Y trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, cuốn "Từ điển Bố Y" đã được cụ Phượng, cụ Khoan biên soạn hơn 1.000 từ với một trật tự sắp xếp rất khoa học theo vần Alphabet với một sự dụng tâm rất lớn, thể hiện ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mạnh mẽ và nhiệt thành.
Anh Làn Mậu Thành bên vườn quýt của gia đình
Bên cạnh đời sống vật chất tương đối ổn định, người Bố Y còn có những nét văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp. Bộ nữ phục Bố Y có một nét đẹp riêng ở gam màu lạnh, lối tạo hoa văn bằng sáp ong trên váy và chiếc yếm dài trước ngực. Song, sự đồng hóa cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ. Điều dễ nhận thấy là dường như trang phục của người Bố Y sử dụng trong các lễ hội đã thay đổi theo thời gian. Nếu như trước đây, người phụ nữ Bố Y mặc váy xòe như váy của phụ nữ người Mông thì ngày nay, họ ăn mặc như người Nùng cùng địa phương. Riêng phụ nữ nhóm Tu Dí ăn mặc theo kiểu người Hán, nhưng áo có ống tay rời. Cụ Phượng thở dài nói rằng, kiếm được bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình bây giờ không dễ. Việc dệt vải, vẽ sáp ong và thêu chỉ màu quá công phu và mất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc nên các phụ nữ trẻ không mấy mặn mà.
Nỗ lực thoát nghèo
Từ Quản Bạ, vượt dãy Tây Côn Lĩnh mất gần một ngày đường, chúng tôi tìm đến với cộng đồng người Bố Y ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Hôm đó là ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, ngồi chưa nóng chỗ đã thấy bà con mỗi người một cây chổi ra quét bản. Tục lệ này đã có gần trăm năm, phát tích từ câu chuyện về vị thần Tống Sỏng Chu đã hướng dẫn dân bản làm lễ xua đuổi bệnh tật ra khỏi bản, đồng thời, trừ khử xú khí để con ma bệnh không có nơi trú ngụ. Đến ngày mồng 2 tháng 2 năm ấy, cả làng khỏi hết dịch bệnh, mọi người khỏe mạnh trở lại và vật nuôi cũng khỏi ốm, lại ăn uống bình thường. Từ đó, cứ đến ngày này, người dân lại tổ chức lễ quét làng vâng theo lời truyền dạy và hướng dẫn của thần Tống Sỏng Chu.
Không giỏi làm ruộng nước như những anh em đồng tộc nơi cổng trời Quản Bạ, những bản Bố Y thuộc nhóm Tu Dí trên địa bàn Mường Khương chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và một số loại cây cao sản khác phục vụ chế biến thức ăn gia súc. Thượng tá Trần Quốc Khải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Khương cho biết, dân tộc này làm ăn, sinh sống khá thuần hậu và ít xảy ra các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Đặc biệt, văn hóa truyền thống của bà con Bố Y cũng là một trong những niềm tự hào về bản sắc văn hóa của Mường Khương.
Lưng chiều, từ sân Đồn Biên phòng Mường Khương, nhìn về phía thung lũng Sà Hồ sau dáng núi nhấp nhô, thấy bản Bố Y đang chìm dần vào sơn lam. Vậy mà đi mất gần một giờ đồng hồ mới đến được vùng đất đang nổi danh với giống quýt ngọt mang thương hiệu Mường Khương ấy. Đang vào vụ thu hoạch, đất trời Sà Hồ thơ dịu và tinh khiết mùi tinh dầu nồng nàn từ những gùi quýt vừa hái. Anh Làn Mậu Thành, một chủ trang trại người Bố Y được ghi công là người đã đưa cây quýt về trồng thành công trên thung lũng vốn chỉ có cỏ tranh và đá hộc, kể lại rằng, những kỹ thuật trồng trọt anh học được từ những ngày đi làm thuê rồi về tự mày mò trồng trên đất núi quê mình.
Giờ đây, cây quýt Sà Hồ của người Bố Y đã lan sang các thôn bên cạnh và cho năng suất cao. Hiện nay ở Mường Khương, ngoài khu vực thị trấn, được sự hỗ trợ của Chương trình 30a, nhân dân ở các xã Thanh Bình, Nậm Chảy ven biên giới cũng phát triển trồng các loại cây ăn quả có múi với diện tích lên tới 60ha quýt ngọt và hơn 50ha chanh trái vụ. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên cây phát triển tốt. Chính quyền huyện đang có kế hoạch hình thành vùng cây ăn quả có múi tập trung với diện tích lên tới 300ha để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân, hứa hẹn biến "đất khát" Mường Khương trở thành miền hoa thơm quả ngọt.
Chia tay cộng đồng Bố Y, Tu Dí trên cổng trời Quản Bạ và xứ sở Mường Khương, nhớ lại những lời tâm huyết bà con, tôi thầm nghĩ, rất cần có một chiến lược lâu dài để giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc dân tộc, để nền nếp Bố Y sẽ mãi là một câu chuyện đẹp về truyền thống, đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế trên những vùng đất biên cương xa xôi quanh năm mây phủ.