Năm Ất Mùi qua đi, Bính Thân đã đến, khép lại những vui buồn của Thể Thao Việt Nam trong một năm vốn còn nhiều những ngổn ngang trăn trở.
Những niềm vui
Có lẽ những người quan tâm đến thể thao nước nhà sẽ cảm thấy vui mừng khi năm 2015 là năm được coi là thành công của những gương mặt VĐV trẻ với những tên tuổi như Ánh Viên, Lý Hoàng Nam hay Cẩm Hiền...Đó là những người đã làm rạng danh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
Nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chính là gương mặt sáng giá nhất của thể thao Việt Nam năm qua. Cô gái vàng của làng bơi lội đã được bầu chọn là VĐV tiêu biểu năm 2015 và điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Kình ngư Ánh Viên - gương mặt sáng giá của thể thao VN năm 2015
Tại SEA Games 28 tổ chức ở Singapore, Ánh Viên đã đoạt 8 HCV và phá 8 kỷ lục SEA Games, trở thành VĐV Đông Nam Á giàu thành tích nhất sân chơi khu vực kể từ năm 1977 đến nay. Ngoài ra trong năm 2015, Ánh Viên cũng giành 1 HCB và 1 HCĐ Cúp thế giới; 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ Giải bơi quân sự thế giới; 7 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ các nhóm tuổi Đông Nam Á, 18 HCV giải vô địch quốc gia. Thành tích của Ánh Viên đã đưa bơi lội Việt Nam có mặt trên đường đua xanh thế giới và cá nhân cô được tạp chí Swim Swam (Mỹ) xếp vào Top 5 nữ VĐV bơi châu Á xuất sắc năm 2015.
Cũng tại SEA Games 28, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt 73 HCV, về đích ở vị trí thứ ba toàn đoàn và vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường là 56-65 HCV. Đáng chú ý là trong đó, các môn thể thao Olympic chiếm hơn 85% số HCV mà Đoàn thể thao Việt Nam giành được gồm bơi (10 HCV), điền kinh (11 HCV), TDDC (9 HCV).
Hai điểm sáng của thể thao Việt Nam năm 2015 cũng khiến NHM nở nụ cười khi nhắc đến là việc tay vợt Lý Hoàng Nam lần đầu tiên vô địch tại nội dung đôi nam giải quần vợt trẻ Wimbledon 2015. Cùng với kỳ tích của Hoàng Nam là thành tích đoạt Cúp vô địch thế giới ở hạng tuổi U8 của kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền tại Giải cờ vua trẻ thế giới 2015 tổ chức tại Halkidiki (Hy Lạp).
Và những nỗi buồn
Có lẽ năm 2015, nỗi buồn lớn nhất của thể thao Việt Nam đến từ chính môn thể thao vua, đó là bóng đá.
Tại SEA Games 28, giấc mơ đổi màu huy chương của bóng đá Việt Nam đã không thể trở thành hiện thực. Đó cũng là lý do vì sao không có bất cứ một đại diện nào của bóng đá lọt vào top 10 vận động viên tiêu biểu 2015 dù có tới 7 cầu thủ được đề cử. Trong số này có cả những tên tuổi có sức hút với NHM như Công Phượng, Văn Quyết...
Bóng đá Việt vẫn đang mơ giấc mơ đổi màu huy chương tại SEA Games
Cũng liên quan đến bóng đá, một vấn đề trở thành nỗi đau của bóng đá Việt là vụ việc lùm xùm liên quan đến pha vào bóng thô bạo của cầu thủ Sông Lam Nghệ An, Quế Ngọc Hải với cầu thủ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng. Cách ứng xử giữa các bên và việc Ngọc Hải phải đền bù cho Anh Khoa 830 triệu đồng tiền chữa trị đã chỉ ra những bất cập còn tồn tại của một nền bóng đá đã có 16 năm được gọi là chuyên nghiệp. Tất nhiên những bất cập đó đã được những người làm bóng đá nhìn ra và sửa đổi những quy định cần thiết để không có thêm một vụ Quế Ngọc Hải thứ hai, nhưng nỗi buồn thì vẫn còn đọng lại.
Và một nỗi buồn thực sự trong năm 2015 của thể thao Việt Nam chính là việc mất đi cựu tuyển thủ Taekwondo quốc gia Hoàng Hà Giang khi mới chỉ ở tuổi 24. Là một VĐV trẻ đầy triển vọng, nhưng Hoàng Hà Giang đã mãi mãi ra đi bởi căn bệnh Lupus ban đỏ. Sự ra đi của cô để lại một tấm gương về sự kiên cường của một VĐV nhưng cùng với đó là những day dứt băn khoăn về sự chăm lo đãi ngộ dành cho những VĐV chỉ biết cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể thao...