Đối với trẻ nhỏ, răng sữa cũng giống như những người bạn đồng hành cùng với sự phát triển của hệ tiêu hóa và cấu trúc hàm mặt tổng thể.
Răng sữa bắt đầu mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ, khoảng dưới 30 tháng. Chiếc răng đầu tiên xuất hiện trong đời bé là răng cửa giữa hàm dưới. Lúc đó, bé khỏang 6 – 8 tháng tuổi. Và răng sữa sẽ mọc đủ khi bé được 24 – 30 tháng tuổi.
Hàm răng sữa đầy đủ có 20 cái, mỗi hàm 10 răng, gồm 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 2 răng hàm lớn. Như vậy, chỉ những chiếc răng sữa này mới được thay thể bởi răng vĩnh viễn. Còn lại có một số răng vĩnh viễn trong cùng không thay thế cho răng sữa nào.
Dẫu chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời con người, nhưng răng sữa vẫn có vai trò vô cùng quan trọng
Thời điểm mọc răng sữa ở các vị trí sẽ khác nhau với mỗi trẻ do những nguyên nhân về thể chất và dinh dưỡng. Dẫu chỉ là những chiếc răng tạm thời, tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định của cuộc đời con người, nhưng răng sữa vẫn có vai trò vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng: “răng sữa chỉ là tạm thời, ít chức năng và không quan trọng”. Nhưng các nhà khoa học và nha sĩ hàng đầu thế giới cho rằng, đó là những suy nghĩ sai lầm mà các bậc phụ huynh cần phải thay đổi và nhìn nhận lại.
Thực chất răng sữa không hề kém quan trọng so với răng vĩnh viễn mà nó còn đặc biệt quan trọng với sức khỏe răng miệng thẩm mỹ và đặc biệt là vấn đề phát âm của trẻ trong những năm đầu phát triển.
Dưới đây là một số minh chứng cho biết chức năng chính và tầm quan trọng của răng sữa, mà các bậc phụ huynh cần phải biết để giúp con chăm sóc và bảo vệ tốt hơn hàm răng sữa nhỏ xinh non nớt.
- Răng sữa và sự phát triển của hệ tiêu hóa
Trong những năm đầu đời này, răng sữa cũng chính là vị “lực sỹ” thân thiết trẻ hỗ trợ cho quá trình tập nhai, làm quen với các dạng thức ăn khác nhau. Đặc biệt, khi bé qua 6 tháng tuổi và phải làm quen với thức ăn cứng hơn, khó tiêu hóa trong khi đường ruột của trẻ còn yếu thì răng sữa sẽ giúp trẻ nghiền nhỏ một phần những dạng thức ăn này.
Những trẻ có hàm răng sữa bị khuyết răng ở vị trí phía trước sẽ hay nói ngọng, phát âm không chuẩn và không tròn tiếng
- Giữ khoảng
Chức năng thứ hai được biết đến của răng sữa là giữ khoảng (giữ chỗ) trên cung hàm cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên. Nếu răng sữa bị hỏng và phải nhỗ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên không mọc ngay được, lỗ nhổ răng sẽ bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch.
- Kích thích sự tăng trưởng của xương hàm
Nhờ có các răng sữa, bé có thể cắn xé và nhai nghiền thức ăn – chính những động tác này góp phần vào việc làm cho xương hàm và xương mặt phát triển được tốt nhất, đúng thời điểm. Điều này cũng giúp tránh tình trạng đến tuổi trưởng thành mà cấu trúc hàm mặt của trẻ quá nhỏ, phát triển không đầy đủ và xương hàm không tương xứng với độ lớn của những chiếc răng vĩnh viễn. Khi đó, khả năng trẻ có hàm răng khấp khểnh, chen chúc là rất lớn.
- Phát âm
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm tập nói và nói ngọng là do thiếu răng sữa hoặc răng sữa mọc chậm. Ngay cả khi trẻ mọc răng vĩnh viễn cũng tương tự như thế. Thường thì những trẻ có hàm răng sữa bị khuyết răng ở vị trí phía trước sẽ hay nói ngọng, phát âm không chuẩn và không tròn tiếng.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chăm sóc và giữ gìn răng sữa cho trẻ thật kĩ lưỡng
- Thẩm mỹ
Bộ sữa còn giữ chức năng thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ. Một hàm răng đẹp và khỏe mạnh sẽ làm tăng vẻ đẹp của khuôn mặt, làm trẻ tự tin hơn và nụ cười tươi hơn. Khi trẻ tự nhận ra bộ răng xấu xí của mình, trẻ sẽ không mở miệng đủ to khi nói chuyện, làm cho sự phát âm của trẻ bị ảnh hưởng.
Do bộ răng sữa có vai trò quan trọng như vậy, nên các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chăm sóc và giữ gìn răng sữa cho trẻ thật kĩ lưỡng. Hướng dẫn và giúp trẻ tự vệ sinh răng miệng của mình hàng ngày, đồng thời đưa trẻ đi khám răng định kì 6 tháng một lần.