Những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án đều phải bị xử phạt

Quốc Huy| 01/10/2014 09:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên toà, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Toà án trong thời gian qua…

Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND được đưa ra tại phiên họp UBTVQH chiều 27/9 đã nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu.

Biện pháp cần thiết để xử lý hành vi cản trở tố tụng

Theo Tờ trình của TANDTC, thực tiễn xét xử của Toà án trong thời gian qua cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều,  gây hậu quả nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên toà, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Toà án. Mặc dù đã có các quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên toà, nhưng các quy định này còn tản mạn ở nhiều văn bản và chưa cụ thể nên Toà án chỉ xử lý một số trường hợp vi phạm nội quy phiên toà, còn hầu hết các trường hợp cản trở hoạt động tố tụng của Toà án không bị xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng giải quyết các vụ việc, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc bị quá hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Từ những lý do trên, TANDTC đã xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Dự thảo Pháp lệnh này quy định cụ thể hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án. Đối với các quy định về nguyên tắc xử phạt, đối tượng bị xử phạt, thời hiệu xử phạt, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt, cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử phạt hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng... sẽ được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các nội dung của pháp lệnh cơ bản được đa số các ý kiến đồng tình, tuy nhiên, nội dung liên quan đến việc xử phạt vi phạm nội quy phiên tòa, thẩm quyền xử phạt và phạm vi điều chỉnh… vẫn còn có nhiều loại ý kiến khác nhau, chẳng hạn như việc xử phạt hành vi vi phạm nội quy phiên toà (Điều 12 dự thảo). Đa số ý kiến cho rằng, theo quy định của các luật tố tụng thì Chánh án TANDTC có thẩm quyền ban hành Nội quy phiên toà cho nên những hành vi nào là vi phạm nội quy phiên toà sẽ do Chánh án TANDTC quy định. Nếu Pháp lệnh này lại quy định cụ thể hành vi nào là hành vi vi phạm nội quy phiên toà thì không phù hợp với thẩm quyền đã được xác định trong các Luật tố tụng.

Những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án đều phải bị xử phạt

Trật tự tại các phiên tòa thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật (Ảnh minh họa)

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định hình thức, mức xử phạt đối với các hành vi cụ thể về vi phạm nội quy phiên toà ngay trong Pháp lệnh này (tức là liệt kê các hành vi nào là vi phạm nội quy phiên toà và mức xử phạt, hình thức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi đó) để phân hoá cụ thể mức độ, trách nhiệm đối với từng hành vi vi phạm nội quy phiên toà, vì mỗi hành vi vi phạm có mức độ khác nhau.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng, trong luật tố tụng đã có các quy định về việc chấp hành nội quy phiên tòa. Đồng thời, Điều 209 của BLTTDS, Điều 127 của Luật TTHC cũng quy định về nội quy phiên tòa, trong đó giao thẩm quyền cho Chánh án TANDTC căn cứ vào quy định của BLTTDS, Luật TTHC và các quy định khác của pháp luật ban hành nội quy phiên tòa. Do đó, việc quy định chi tiết từng hành vi vi phạm nội quy phiên tòa trong Pháp lệnh này là không cần thiết và chồng chéo về thẩm quyền. Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 về việc quy định Nội quy phiên tòa, trong đó đã nêu rõ các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa. Khi xem xét xử phạt hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải căn cứ vào quy định của Pháp lệnh này, Nội quy phiên tòa đã được Chánh án TANDTC ban hành và các quy định khác để quyết định cho phù hợp. Vì vậy, quy định như dự thảo Pháp lệnh là hợp lý.

Cần phân định rõ thẩm quyền xử phạt

Về thẩm quyền xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi thì đề nghị quy định trong Pháp lệnh này về thẩm quyền lập biên bản vi phạm và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án theo hướng: Đối với tất cả các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND thì người có thẩm quyền lập biên bản là người đang thi hành công vụ, nhiệm vụ của Toà án (không phân biệt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án xảy ra trong hay ngoài trụ sở Toà án)…

UBTPQH cho rằng, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND là một trong các hành vi vi phạm hành chính nói chung, bị xử lý theo quy định của Luật XLVPHC. Do đó, Pháp lệnh này không quy định lại trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính… đã được quy định trong Luật XLVPHC. Hoạt động tố tụng của TAND được tiến hành trong phạm vi trụ sở Tòa án và cả ngoài phạm vi trụ sở Tòa án. Do đó, hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND cũng xảy ra trong phạm vi trụ sở và cả ngoài phạm vi trụ sở của Tòa án. Xét về bản chất, có những hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án, nhưng có hành vi lại thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Công an, UBND các cấp… theo Luật XLVPHC và theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, dự thảo Pháp lệnh cần quy định phân định rõ về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản xử lý vi phạm của những người có thẩm quyền xử phạt của TAND, bảo đảm áp dụng thống nhất, tránh chồng chéo, quy định như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị phải làm rõ thẩm quyền, hành vi, mức phạt để quy định cho phù hợp. Bởi lẽ, hoạt động tố tụng của Tòa án không chỉ ở phiên tòa mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác như kiểm sát viên, điều tra viên không làm đúng chức trách, nhiệm vụ mà cản trở hoạt động của Tòa án có bị xử phạt hay không? Hiện nay, các luật về tố tụng cũng đang trong quá trình sửa đổi, phải cân nhắc, quy định sao cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án đều phải bị xử phạt