Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 5)

Tống Toàn| 05/06/2014 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như chúng tôi đã thông tin về những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 hiện hành. Tuy nhiên, những hạn chế đó còn bộc lộ ở chế định Thẩm phán…

KỲ 5: HẠN CHẾ, BẤT CẬP Ở CHẾ ĐỊNH THẨM PHÁN

Những hạn chế về chế định thẩm phán

Theo quy định hiện hành thì chức danh Thẩm phán gắn với thẩm quyền xét xử của tòa án từng cấp (trước đây là Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAND cấp tỉnh, Thẩm phán TAND cấp huyện; nay là Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp) và theo mô hình chức danh công chức thẩm phán ở các vị trí công việc khác chưa thể thực hiện được theo nhu cầu công tác của từng cấp tòa án. Ví dụ, TANDTC cần một số thẩm phán giỏi của cấp dưới để điều động biệt phái về TANDTC để bổ sung cho các đơn vị giúp việc và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành thì phải chuyển đổi từ chức danh thẩm phán sang chức danh thẩm tra viên...

Một trong nhưng tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán quy định tại khoản 1, Điều 5 của Pháp lệnh về thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 là “Có năng lực làm công tác xét xử”. Quy định này còn chung chung, mang nhiều tính định tính và chưa hợp lý; bởi lẽ một cán bộ, công chức khi đã có trình độ cử nhân luật, có thời gian thực tiễn nhất định làm công tác pháp luật và được đào tạo nghiệp vụ xét xử thì tất nhiên người đó đã có khả năng xét xử. Mặt khác, đây là quy định để tuyển chọn thẩm phán, vậy khi chưa được làm công tác xét xử thì chưa thể có cơ sở để đánh giá một người là có hoặc không có năng lực xét xử như quy định của pháp lệnh yêu cầu.

Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 5)

Ảnh minh hoạ

Hiện nay, người có thời gian công tác pháp luật từ 4 năm trở lên và có đủ các tiêu chuẩn khác thì có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp (Điều 20); người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên và có đủ các tiêu chuẩn khác thì được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp (Điều 21); người có thời gian công tác pháp luật từ 15 năm trở lên và có đủ các tiêu chuẩn khác thì được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC (Điều 22). Có ý kiến cho rằng, quy định này còn mang tính tình thế, thực tiễn áp dụng không thống nhất và chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức, yêu cầu nâng cao chất lượng thẩm phán. Cũng có ý kiến cho rằng, với các quy định hiện hành, đối với những người có thâm niên công tác như nhau, có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị như nhau thì người được bổ nhiệm làm thẩm phán công tác ở tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh sẽ có những thiệt thòi về chính sách, chế độ so với người được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC.

Bên cạnh đó, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán hiện nay phải thực hiện qua nhiều thủ tục, rườm rà; phải có ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, trong khi đó hướng dẫn về các vấn đề cụ thể có lúc lại chưa kịp thời, rõ ràng dẫn đến việc bổ nhiệm còn chậm trễ (trên thực tế đã có những trường hợp giữa Cấp ủy địa phương và Hội đồng tuyển chọn thẩm phán chờ đợi ý kiến của nhau). Cũng có ý kiến cho rằng, do việc tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán chưa được công bố công khai và không qua thi tuyển; do đó, chưa bảo đảm yêu cầu về việc tuyển chọn được những người có tài, có phẩm chất chính trị tốt để bổ nhiệm làm thẩm phán.

Hơn nữa, chất lượng của đội ngũ thẩm phán phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của Hội đồng tuyển chọn và từng thành viên của Hội đồng tuyển chọn. Theo quy định của Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm TAND năm 2002, thì hiện nay có Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAQS trung ương, 63 hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, sơ cấp và các hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TAQS; chất lượng hoạt động của các hội đồng có sự khác nhau, cách thức, quy trình làm việc của các hội đồng có sự khác nhau, trình độ, năng lực của thành viên các hội đồng cũng khác nhau.

Do đó, công tác tuyển chọn nhân sự để bổ nhiệm thẩm phán, đặc biệt là các Thẩm phán TAND địa phương chưa bảo đảm chất lượng đồng đều, ảnh hưởng đến yêu cầu luân chuyển, điều động thẩm phán giữa các địa phương. Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng của thẩm phán cũng như công tác điều động, luân chuyển thẩm phán và việc bảo đảm chế độ, chính sách cho thẩm phán thì nên thành lập một Hội đồng tuyển chọn để tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán cho các tòa án trong cả nước.

Nhiều vướng mắc khác với chế định thẩm phán

Thực tế, chế độ, chính sách đối với thẩm phán được quy định như đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; mức lương thấp, chưa có chính sách đãi ngộ đặc biệt tương xứng với lao động của Thẩm phán, đã làm mất đi tính đặc thù của hoạt động tòa án. Hơn nữa, nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại.

Một trong những vấn đề bất cập khác có liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán, đó là: đối với Chánh án, Phó Chánh án tòa án, khi đã hết nhiệm kỳ thẩm phán (có thể đang được xem xét bổ nhiệm lại hoặc phải tạm dừng một thời gian) mà vẫn còn nhiệm kỳ Chánh án, Phó chánh án thì cách giải quyết đối với trường hợp này như thế nào (có được tiếp tục điều hành tòa án? có được tiếp tục xét xử? có được ký những văn bản về tố tụng hoặc chỉ được ký những văn bản hành chính?). Do chưa có quy định cụ thể và còn có các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định của pháp luật nên việc xử lý trong những trường hợp này vẫn là những vấn đề khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ.

Tiếp đó, theo quy định, hiện nay tại TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện đều có Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều động, luân chuyển thẩm phán. Tuy nhiên, đối với thẩm phán sơ cấp công tác tại TAND cấp tỉnh thì có được làm công tác xét xử như đối với thẩm phán trung cấp hay không, trong khi tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp là khác nhau. Đây là vấn đề vướng mắc, chưa được quy định rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 5)