Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 1)

Tống Toàn| 12/05/2014 08:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên trong nhận thức của các ngành, các cấp, TAND cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện...

Đồng thời, cơ cấu tổ chức của TANDTC hiện nay cũng chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò là cơ quan cao nhất của hệ thống cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp - một trong ba quyền lực cơ bản của Nhà nước.

Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 1)

Một buổi Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại TANDTC (Ảnh: Trần Minh Giang)

Kỳ 1: Nhiều hạn chế với TAND địa phương

Theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 và các pháp lệnh hiện hành có liên quan, TAND cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện. Như vậy, số lượng các TAND cấp huyện hiện nay là rất lớn và đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho TAND cấp huyện là một khó khăn, thách thức lớn, trong khi TAND cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của hệ thống TAND. Bên cạnh đó, do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên trong nhận thức của các ngành, các cấp, TAND cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện. Điều này hạ thấp địa vị pháp lý của TAND cấp huyện, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước.

Tiếp đó, do được tổ chức ở đơn vị hành chính cấp huyện nên TAND cấp huyện tổ chức dàn trải, số lượng các vụ việc phải giải quyết của mỗi Tòa án phụ thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, số lượng tội phạm, tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại… xảy ra trên từng địa bàn, có nơi quá nhiều việc, ngược lại có nơi lại quá ít việc. Các TAND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, các TAND quận thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những đơn vị luôn phải giải quyết, xét xử số lượng lớn các vụ việc và còn tiếp tục tăng lên (có đơn vị hàng năm phải giải quyết, xét xử trên dưới 3.000 vụ việc các loại). Trong khi đó, TAND cấp huyện ở khu vực miền núi lại có số lượng vụ việc thấp (có Toà án cấp huyện hàng năm chỉ giải quyết, xét xử trên dưới 100 vụ việc các loại). Thực tế này đang tạo ra những trở ngại, khó khăn trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của các Toà án cấp huyện. Đối với các Toà án cấp huyện có khối lượng lớn về công việc thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất luôn luôn là gánh nặng và là vấn đề bức xúc do xuất phát từ yêu cầu phải giải quyết một khối lượng công việc về chuyên môn quá lớn và ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương đó. Ngược lại, đối với những Toà án cấp huyện có khối lượng công việc giải quyết không đáng kể nhưng vẫn phải bố trí đủ cán bộ theo cơ cấu tổ chức bộ máy của Toà án theo quy định và yêu cầu phải có trụ sở, phương tiện làm việc như các đơn vị khác nên đã gây ra lãng phí không đáng có về nhân lực và vật lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức Toà án.

Không những thế, cơ cấu bộ máy của TAND cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không được tổ chức theo lĩnh vực xét xử, nên khó khăn trong việc đầu tư, đào tạo chuyên ngành cho các Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án, cán bộ, công chức TAND cấp huyện, ảnh hưởng đến chất lượng công tác của Tòa án, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như các vụ việc về đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên...

Đó là với cấp huyện, còn với cấp tỉnh thì sao? Bất cập nổi bật về tổ chức của TAND cấp tỉnh hiện nay là tổ chức và hoạt động của các Toà chuyên trách. Theo quy định hiện hành thì trong cơ cấu tổ chức của các TAND cấp tỉnh đều có 5 Toà chuyên trách, gồm: Tòa Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Lao động và Tòa Hành chính. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc thuộc 5 lĩnh vực này không đồng đều ngay trong một TAND cấp tỉnh và không đồng đều giữa các TAND cấp tỉnh. Trên thực tế, số lượng các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải giải quyết là rất lớn so với số lượng các vụ án lao động, hành chính, kinh doanh thương mại; có TAND cấp tỉnh trong năm không thụ lý vụ tranh chấp lao động nào nhưng vẫn có Tòa Lao động. Việc tổ chức mô hình TAND cấp tỉnh một cách máy móc, cứng nhắc như hiện nay thể hiện sự cồng kềnh và chưa hợp lý trong cơ cấu bộ máy của TAND cấp tỉnh.

(Kỳ sau: Cơ cấu tổ chức của TANDTC chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 1)