LTS: Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, về Thẩm phán Tòa án nhân dân đã được bổ sung, sửa đổi.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Báo Công lý xin trích đăng những định hướng cũng như nội dung quan trọng Dự thảo Luật này, trên cơ sở đó hy vọng nhận được nhiều ý kiến góp ý để Ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo Quốc hội thông qua nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bài 1: Mục tiêu ban hành luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 2/4/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2002; Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 4/10/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011); Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 4/11/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2002. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và hai Pháp lệnh nêu trên đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác Tòa án, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về Tòa án nhân dân, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, về chế định Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Tổ chức Tòa án năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, hệ thống Tòa án đã từng bước được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện nhất định, tạo điều kiện để Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cho thấy, hệ thống Tòa án ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của các Tòa án chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền. Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các Tòa án còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở các Tòa án cấp huyện. Những khiếm khuyết, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, một mặt làm hạn chế vai trò và sự phát triển, tiến bộ của cơ quan Tòa án với tư cách là một thiết chế cơ bản trong việc thực hiện quyền lực tư pháp của quốc gia; mặt khác, gây ra những bức xúc, đòi hỏi của Nhà nước và xã hội trong việc củng cố, kiện toàn cơ quan Tòa án.
Các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2014 (Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm)
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp; việc phân định thẩm quyền của các cấp Toà án còn chồng chéo và bất cập. Đáng lưu ý là việc pháp luật quy định chưa rõ ràng về địa vị pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao dẫn đến hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức như một bộ, ngành mà chưa phải là một thiết chế, hệ thống cơ quan thực hiện một trong những quyền lực Nhà nước, đó là quyền tư pháp. Từ đó, việc xử lý các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án, chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ, công chức Tòa án còn nhiều bất cập, không tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó, Tòa án được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.
Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó đề ra nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Ngày 28/7/2010, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW “về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó xác định phương hướng tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm 4 cấp là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là những định hướng quan trọng, cần được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Quan điểm của Ban soạn thảo, việc ban hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải đạt được các mục tiêu sau:
Một là: Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án;
Hai là: Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
Ba là: Tạo cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân theo hướng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;
Bốn là: Kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong Toà án nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xét xử;
Năm là: Bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong Tòa án nhân dân tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực…
(Kỳ sau: Những vấn đề cơ bản của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi)