Những điều cấm trong dự thảo Luật Báo chí còn quá rộng, mông lung

Xuân Lan| 22/03/2016 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 21/3, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Trong đó, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí được nhiều đại biểu quan tâm.

Một số quy định chưa bảo đảm tính khả thi

Tại phiên thảo luận, cho ý kiến về cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và các hành vi bị cấm…, một số đại biểu đề nghị Luật cần phải bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn đối với các hành vi lợi dụng báo chí để chống phá chính quyền nhân dân.

Cho ý kiến về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cơ bản đồng tình với nội dung này. Điểm cấm tại điểm e khoản 1 Điều 9 có quy định xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân... Theo đại biểu Tám, hiện nay có hiện tượng dù không xuyên tạc, không phỉ bảng chính quyền nhân dân nhưng lại phủ nhận sự tồn tại của chính quyền nhân dân hiện tại... Những hành vi đó còn nguy hiểm hơn hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân cần cấm trong Điều 9. Vì vậy, cần bổ sung vào khoản a điểm 1 Điều 9 hành vi phủ nhận chính quyền nhân dân đó là xuyên tạc phỉ báng phủ nhận chính quyền nhân dân…

Những điều cấm trong dự thảo Luật Báo chí còn quá rộng, mông lung

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chọ rằng các hành vi bị cấm trong dự luật quá mông lung, quá rộng. Ảnh TTXVN

Trong khi đó, dưới góc độ một luật gia, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định các hành vi bị cấm trong dự luật quá mông lung, quá rộng gây khó khăn cho hoạt động báo chí. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra ví dụ như quy định cấm “xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc”, nhưng qua công tác khảo cổ, các nhà khoa học tìm thấy những thông tin khác với lịch sử đã nêu. Nếu báo chí đăng tải thông tin khảo cổ đó có bị coi là xuyên tạc lịch sử hay không?.

Nguyên Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đề nghị bổ sung một số quy định vào Điều 25 về nghĩa vụ của phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí. Ông Huệ lý giải hiện nay nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin khác với thông tin chính thống của cơ quan báo chí.

“Anh không thể hai mặt, anh nói ở cơ quan chính thống thế này nhưng đưa lên mạng xã hội lại khác. Theo tôi phải cấm luôn việc này, không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin Nhà nước hay của cơ quan báo chí”, ông Hà Minh Huệ nói.

Về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, Điều 12 của dự thảo luật quy định, “đăng phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp. Trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, quy định này không có tính khả thi. Đại biểu Thúy lý giải, báo chí không thể đăng toàn bộ các kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng đơn thư của công dân. Mặt khác chỉ đăng đơn thư, kiến nghị, tin ảnh của công dân gửi đến cũng rất lớn. Một vụ việc, có thể phô tô gửi nhiều báo đài, nếu không chọn lọc mà đăng phát toàn bộ thì vừa gây trùng lặp thông tin, vừa tăng lượng đăng phát không hợp lý.

Bên cạnh đó, báo chí cũng không đăng phát khiếu nại tố cáo mà chưa qua xác minh, trong khi đó, cơ quan báo chí không đủ người để xác minh mà thường có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tâm lý người dân khi chuyển đơn thư đến cơ quan báo chí thì muốn được đăng phát sóng để gây sức ép đối với cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu không đăng phát thì người dân rất muốn biết lý do vì sao, yêu cầu trả lời. Vậy, cơ quan báo chí có bảo đảm để thực hiện điều này hay không? - đại biểu Thúy đặt câu hỏi. Trên cơ sở đó, cần quy định lại Điều 12 này để bảo đảm sát với thực tế để bảo đảm quyền công dân được thực hiện, đại biểu Thúy đề nghị.

Tiếp cận thông tin với người phát ngôn còn khó

Việc cung cấp thông tin cho báo chí, Điều 38 dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Đây là nguồn thông tin chính thống và nội dung này đã được thực hiện 9 năm theo quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Những điều cấm trong dự thảo Luật Báo chí còn quá rộng, mông lung

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho ý kiến tại phiên họp Quốc hội chiều 21/3. Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, từ thực tế thời gian qua, một số đại biểu đề nghị Luật cũng quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của người phát ngôn bởi nhiều nơi đang xảy ra tình trạng né tránh, cung cấp thông tin thiếu trung thực hoặc có sự phân biệt đối xử trong việc cung cấp thông tin.

Đại biểu Thúy chỉ ra thực tế, việc tiếp cận thông tin với người phát ngôn thường gặp khó khăn. Điều này có thể thấy, một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cử người không đủ quyền cung cấp thông tin hoặc chậm đưa thông tin chính thống, hoặc có tâm lý né tránh không muốn đưa thông tin liên quan đến cơ quan, địa phương mình, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hoặc người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đòi hỏi phóng viên xuất trình giấy tờ vượt quá quy định.

Từ phân tích này, đại biểu đề nghị, cần đưa nội dung này vào luật sẽ có tính pháp lý cao hơn để khi luật có hiệu lực thì thực hiện được luôn nhằm tạo điều kiện để báo chí đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Về trả lời trên báo chí, thực tế người có thẩm quyền trả lời trên báo chí thường bận họp hành nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Không ít người đứng đầu, người phát ngôn trả lời nắm thông tin chung chung không làm sáng tỏ sự việc. Trong khi người am hiểu tường tận lại không có thẩm quyền trả lời. Thực tế đó đặt ra câu hỏi là, việc vi phạm trả lời trên báo chí thì bị xử lý như thế nào, dự thảo luật cũng chưa quy định. Do đó cần bổ sung chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí về những vấn đề báo chí nêu, trả lời đơn thư của công dân do báo chí chuyển đến tránh để nhiều vụ việc rơi vào im lặng, đại biểu Thúy đề nghị. 

Dự Luật quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí:

1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

a) Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Gây chiến tranh tâm lý.

2. Đăng, phát thông tin có nội dung:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng tôn giáo;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

5. Tiết lộ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan. Thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

10. In, phát hành và truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy; nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính.

11. Cản trở việc phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới người đọc, người xem.

12. Đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin vi phạm các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cấm trong dự thảo Luật Báo chí còn quá rộng, mông lung