Năm 2017, Tòa án các cấp đã thực hiện xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng tâm mà Quốc hội giao cho.
Trong hai kỳ họp Quốc hội năm 2017, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đã thảo luận, đánh giá về Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo của TAND…Kết quả từ sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của Tòa án được các đại biểu ghi nhận, cử tri đánh giá cao.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TANDTC
Các phiên tòa tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2017, lãnh đạo TANDTC đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, vậy nên kết quả công tác đã có những chuyển tích cực.
Theo đó, Tòa án các cấp đã giải quyết được 457.024/499.918 vụ việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 91,4%; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong hạn luật định. Chất lượng công tác xét xử được nâng lên rõ rệt, hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định. Các bản án hình sự được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án cũng đã tăng cường tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Tại phiên tòa xét xử không hạn chế thời gian tranh tụng của các luật sư, đại diện VKS…; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi vụ án thiếu chứng cứ; Khởi tố, bắt tạm giam bị cáo khi đủ điều kiện hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, Tòa án cũng kiến nghị để khắc phục các sai sót cả về tố tụng và cả trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ...
Cùng với đó, việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, khâu hòa giải, đối thoại được tiến hành thường xuyên nên tỷ lệ hòa giải thành trong năm qua đạt 50,6%, tăng hơn 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chánh án TANDTC cũng cho biết, trước tình hình đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng đột biến và tập trung chủ yếu tại các Tòa án cấp cao, lãnh đạo TANDTC đã đề ra và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: sửa đổi quy trình xử lý đơn; biệt phái gần 200 cán bộ tăng cường cho các Tòa án cấp cao và phân công chéo cán bộ tỉnh này giải quyết đơn của tỉnh khác để đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, công tác này đã có những tiến bộ, số lượng đơn được giải quyết tăng lên, chất lượng đảm bảo.
Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ có nhiều đổi mới. Nhiều Thông tư, Nghị quyết được ban hành góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo tính thống nhất về áp dụng pháp luật trong công tác xét xử.
Thông qua Chánh án TANDTC, các ĐB đã nắm được sự quyết tâm của Ban cán sự Đảng TANDTC trong công tác chỉ đạo điều hành. Đó là việc quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; không để xảy ra xét xử oan và phấn đấu không bỏ lọt tội phạm. Cùng với đó là việc nâng cao tỷ lệ và chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; rà soát tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm của TAND…và 14 giải pháp đột phá.
Cùng với đó là việc tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án; tăng cường công tác xây đựng Đảng. Đề cao kỷ cương, kỷ luật nội bộ theo phương châm “chất lượng, kỷ cương, vì công lý”… Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh…
Kiến nghị tăng biên chế và đầu tư cơ sở vật chất cho Tòa án
Đáng chú ý, các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. TANDTC đã xây dựng kế hoạch về việc thực hiện nhiệm vụ công tác CCTP giai đoạn 2016-2021 của các TAND. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xét xử nghiêm minh các loại vụ án hình sự, nhất là vụ án tham nhũng. Năm 2017, Tòa án các cấp đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn, như: vụ án Phạm Công Danh, Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm... và nhiều vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ Trần Đức Duy, Nguyễn Văn Hùng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép vũ khí, quân dụng” ở Hòa Bình; vụ Vàng A Cáng và đồng phạm mua bán trái phép 300 bánh heroin ở Phú Thọ; vụ Giàng A Giơ, Chu Văn Viện mua bán trái phép 854 bánh heroin ở Lạng Sơn.
Về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 8 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 2 vụ. Lãnh đạo TANDTC cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có một số vụ việc oan sai được xét xử từ nhiều năm trước nhưng trong thời gian gần đây mới phát hiện bị oan và dư luận rất quan tâm, như vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận hay vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh. Các Tòa án cũng đã thụ lý giải quyết 22/32 vụ án dân sự khởi kiện các cơ quan nhà nước bồi thường yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Cùng với những nhiệm vụ công tác mà Tòa án đã thực hiện trong năm 2017, tại Kỳ họp thứ 4 các ĐB cũng đã chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về một số nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm như xét xử vụ án Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh, hay tiến độ xử lý vụ án oan ở Điện Biên; Việc ban hành các nghị quyết, văn bản hướng dẫn về công tác chuyên môn đối với các Tòa án; việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất cho 35 Tòa cấp huyện đang phải đi thuê…
Quá trình thẩm tra, Ủy ban Tư pháp (UBTP) và phát biểu của các ĐB tại nghị trường cũng đã có những đánh giá xác đáng về công tác của Chánh án TANDTC và của các TAND. Đó là, năm 2017 công tác xét xử của TAND các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án các cấp áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc kiểm tra các trường hợp bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ tiếp tục được tăng cường.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Số hồ sơ Tòa án trả điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận chiếm tỷ lệ cao (93,8%). Việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác giám đốc thẩm, tái thẩm được chú trọng, kịp thời nên mặc dù số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng TANDTC đã có nhiều giải pháp, tăng cường biệt phái cán bộ của TAND cấp tỉnh đến các TAND cấp cao để giải quyết đơn, nên kết quả cải thiện rõ rệt.
UBTP cũng đánh giá: năm 2017, số lượng các vụ án hành chính được TAND các cấp thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước (22,38%); số lượng các vụ án đã xét xử đạt tỷ lệ 70,2%, tăng 406 vụ. Quá trình giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án các cấp đã tích cực, chủ động tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, nên đã có nhiều trường hợp các bên tự thỏa thuận, rút quyết định hành chính hoặc rút đơn khởi kiện.
Các ĐB cũng cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, lượng án giải quyết năm 2017 tăng rất nhiều… nhưng các Tòa án đều xét xử đạt chỉ tiêu rất cao, thể hiện sự nỗ lực của Tòa án các cấp trong điều kiện có sự thay đổi lớn về tổ chức bộ máy, số vụ việc phải giải quyết tăng nhiều trong khi biên chế cán bộ không tăng.
Trước tình hình số lượng vụ án phải giải quyết tăng rất nhiều so với năm trước, nhưng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán không tăng nên các ĐB cũng đã đề nghị Chánh án TANDTC báo cáo UBTVQH xem xét, có thể tăng thêm chỉ tiêu biên chế Thẩm phán trong tổng số chỉ tiêu biên chế được. Nhiều ĐB cũng đề nghị khẩn trương kiện toàn cơ sở vật chất cho 35 Tòa cấp huyện chưa có trụ sở làm việc, đồng thời nên đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ của mình.