Năm 2015, TAND tròn 70 năm xây dựng, phát triển và là năm đầu tiên thực hiện tổ chức, hoạt động theo Luật Tổ chức TAND năm 2014.
TAND, TAQS các cấp đã đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và phong trào thi đua yêu nước; triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh. Trước thềm năm mới Bính Thân 2016, Báo Công lý điểm lại 10 dấu ấn tiêu biểu của TAND trong năm 2015.
1 - TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ: Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả, hiệu lực cao; trong đó, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm của cải cách tư pháp. Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, một quyền lực trụ cột trong bộ máy Nhà nước.
Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Đồng chí Trương Hòa Bình tặng hoa chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với TANDTC
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp, TAND luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Năm 2015 vừa qua, TAND các cấp tiếp tục được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao, kịp thời trên các mặt công tác; định hướng xây dựng TAND các cấp trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là biểu tượng của công lý, là chỗ dựa của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân, vì dân.
Ngày 20/3/2015, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt TANDTC. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Quá trình 70 xây dựng và phát triển, TAND, TAQS các cấp đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân. Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Tổng Bí thư mong muốn mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực Tòa án phải công minh, chính trực, phải công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.
Trước đó, ngày 19/1/2015, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 của TAND. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương những thành tích, kết quả của TAND các cấp trong những năm qua, đồng thời mong muốn Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC cùng toàn thể cán bộ, công chức và người lao động TAND các cấp, phát huy các thành tích, khắc phục hạn chế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; góp phần xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Ngày 19/3/2015, Đoàn công tác Trung ương do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm Trưởng đoàn đã tới thăm, làm việc với các đồng chí lãnh đạo TANDTC và Học viện Tòa án. Với niềm tin và sự kỳ vọng, Chủ tịch nước tin tưởng Học viện Tòa án thực sự là nơi đào tạo Thẩm phán, đào tạo các chức danh tư pháp khác và đào tạo đại học, sau đại học, là trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý của TAND, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
2 - Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội phê chuẩn 15 vị Thẩm phán TANDTC
Ngày 26/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp đất nước, một chức vụ, chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán TANDTC được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Ngay sau khi Quốc hội ấn nút phê chuẩn các vị Thẩm phán TANDTC, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tich Quốc hội đã phát biểu: “Đây là một trọng trách vô cùng to lớn và Hội đồng Thẩm phán tối cao lại càng phải có vị trị quan trọng. Đây là một cuộc bỏ phiếu, nhưng còn là cuộc phê chuẩn tín nhiệm; đồng thời là một đòi hỏi của Quốc hội và Nhân dân ta đối với các vị Thẩm phán”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng 15 vị Thẩm phán TANDTC
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 31/7/2015, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Chủ tịch nước chúc mừng 15 đồng chí được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, chức danh vô cùng cao quý nhưng cũng đầy trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao cho, đây là niềm vinh dự lớn lao, song kèm theo đó là trách nhiệm hết sức nặng nề. Chủ tịch nước yêu cầu bên cạnh việc thực hiện công tác chuyên môn, các Thẩm phán TANDTC cần quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao".
Với vị thế, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Thẩm phán TANDTC trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Hiến pháp quy định…Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2015/NĐ-CP quy định những người được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TANDTC được kéo dài thời gian làm việc đến 65 tuổi (đối với nam), 60 tuổi (đối với nữ). Việc kéo dài tuổi làm việc sẽ giúp cho Thẩm phán TANDTC - là những chuyên gia hàng đầu, có điều kiện phát huy những kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm xét xử để làm tốt nhiệm vụ giám đốc việc xét xử; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ công lý, hoàn thiện pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
3 - Triển khai Tòa án 4 cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014
Ngày 1/6/2015, Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực thi hành. Theo đó, hệ thống TAND Việt Nam đã có những thay đổi về cơ cấu tổ chức; TAND được chia thành 4 cấp xét xử bao gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 956/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn về tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC và thành lập TAND cấp cao.
TANDTC có 14 đơn vị giúp việc được tổ chức theo hướng tinh gọn, phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để bảo đảm giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của TANDTC. Về thẩm quyền, TANDTC chỉ tập trung vào nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về mặt tổ chức; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác. TANDTC được tổ chức theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TANDTC từ 13 đến 17 Thẩm phán TANDTC.
Lễ ra mắt TAND cấp cao tại Hà Nội
Các TAND cấp cao được thành lập trên cơ sở 3 Tòa phúc thẩm, 5 Tòa chuyên trách trước đây của TANDTC. Hiện tại, đã thành lập 3 TAND cấp cao gồm: TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Cơ cấu tổ chức của Tòa cấp cao gồm có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài các Tòa chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND, nay thành lập thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, ngày 14/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 929/2015/UBTVQH13 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Nghị quyết quy định hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; trình tự, thủ tục xem xét, tuyển chọn để đề nghị bổ nhiệm; trình tự, thủ tục xem xét để đề nghị miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán; trình tự, thủ tục giám sát Thẩm phán; thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tuyển chọn để đề nghị bổ nhiệm, xem xét để đề nghị miễn nhiệm, cách chức và giám sát Thẩm phán. Hội đồng thực hiện giám sát đối với Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.
4 - Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2015), ngày 7 và 8/8/2015 tại cung Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), TANDTC đã tổ chức Hội diễn văn nghệ toàn quốc TAND lần thứ III. Hội diễn có sự tham dự của 1.580 nghệ sĩ không chuyên là cán bộ TAND, TAQS các cấp trên toàn quốc. Đây là dịp để cán bộ, công chức các TAND, TAQS trong cả nước được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi; góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong các Tòa án ngày càng phát triển; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, công chức, người lao động các TAND trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 24, 25/8/2015, tại TP Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức Đại hội thể thao TAND lần thứ III. Đại hội có sự tham dự của 586 vận động viên đến từ 65 đoàn thể thao TAND, TAQS và các đơn vị thuộc TANDTC. Đại hội thể thao là ngày hội lớn, tạo ra sân chơi lành mạnh để cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp tăng cường giao lưu, học hỏi, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, tinh thần, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm gian triển lãm của TAND
Từ ngày 28/8 đến 3/9/2015, TANDTC đã tổ chức trưng bày Triển lãm 70 năm xây dựng và phát triển của TAND tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, TP Hà Nội. Triển lãm đã trưng bày hàng trăm bức ảnh, tài liệu, ấn phẩm phản ánh một cách khái quát nhất quá trình xây dựng và trưởng thành suốt 70 năm của TAND, TAQS các cấp. Triển lãm 70 năm xây dựng và phát triển của TAND vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương; cán bộ Tòa án các cấp và hàng nghìn lượt nhân dân đến thăm quan.
Tối ngày 8/9/2015, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức đêm công diễn các tiết mục xuất sắc trong hội thi Tiếng hát TAND lần thứ 3 và các tác phẩm đoạt giải trong Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND, được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội (Đài VOV). Nhiều tiết mục tham gia Hội thi Tiếng hát TAND lần thứ 3 đạt chất lượng nghệ thuật và tư tưởng cao, gây được cảm xúc mạnh mẽ trong cán bộ, công chức các TAND và khán giả. Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND đã thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) cùng cán bộ, công chức TAND các cấp trong toàn quốc tham gia. Ban tổ chức đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc, 241 tác phẩm văn học với nhiều thể loại. Nhiều tác phẩm thể hiện tính nghệ thuật cao, đã nêu bật được quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn của TAND, TAQS các cấp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Qua nhiều lần xem xét, thẩm định, Ban giám khảo đã bình chọn ra những tác phẩm dự thi thực sự có chất lượng. Ban tổ chức đã dàn dựng 11 ca khúc về TAND và công diễn trong đêm trao giải.
Ngày 9/9/2015, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ III với sự tham dự của trên 700 đại biểu. Đại hội đã biểu dương và vinh danh các “Thẩm phán mẫu mực”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán giỏi”. Đại hội đã trao phần thưởng cao quý cấp Nhà nước cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu; trao tặng danh hiệu “Cờ thi đua của TANDTC” cho những tập thể, cá nhân lập nhiều thành tích xuất sắc. Đại hội đã lựa chọn 13 đại biểu là những cán bộ, công chức tiêu biểu, xuất sắc, là các gương điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015 của TAND tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
5- Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND và vinh dự đón nhận “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND, TANDTC đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm và đón nhận “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai. Tới dự buổi Lễ có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; cùng toàn thể cán bộ, công chức TANDTC, TAQS Trung ương, lãnh đạo các TAND địa phương...
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đồng chí Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, Chánh án TANDTC Lào; đồng chí Chiv Keng, Phó Chánh án TATC Campuchia; Đại sứ quán Lào, Đại sứ quán Cam-pu-chia tại Việt Nam. Hội nghị vinh dự đón nhận lẵng hoa tươi thắm của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai lên Lá cờ truyền thống của TAND
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND là dịp ôn lại lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của các Tòa án. Tại buổi Lễ, hệ thống các TAND đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu của TAND và khẳng định 70 năm qua, hệ thống Tòa án không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Những thành tích của các TAND đã đạt được trong 70 năm qua là rất to lớn, rất đáng tự hào, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
6- Quốc hội thông qua Bộ luật TTDS và Luật TTHC; TANDTC ban hành nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ
Năm 2015, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, TANDTC được giao chủ trì, phối hợp xây dựng nhiều dự án luật và pháp lệnh theo các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 luôn đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Là đơn vị chủ trì soạn thảo, TANDTC đã tích cực hoàn thiện dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi) và dự án Luật TTHC (sửa đổi). Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, ngày 25/11/2015, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật TTDS (sửa đổi) và dự án Luật TTHC (sửa đổi). Bộ luật TTDS năm 2015 có những nội dung nổi bật đó là: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng - đây là quy định rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Luật TTHC năm 2015 cũng có quy định rất mới đó là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu TAND bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án. Ngoài ra, TANDTC còn tham gia góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự.
Cùng với các quy định mới nêu trên, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều đề xuất mới liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật; các trình tự, thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng đối với người chưa thành niên, như: Các quy định về biện pháp chuyển hướng; các thủ tục áp dụng biện pháp chuyển hướng; sự tham gia tố tụng của người bị hại là trẻ em, người chưa thành niên …Đây là cơ sở để TANDTC tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, tới đây sẽ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai thành lập.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức TAND quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC là “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.
Ngày 29/10/2015, TANDTC đã công bố Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Án lệ chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; Có tính chuẩn mực; Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Án lệ được hình thành theo quy trình sau: Các Tòa án tiến hành rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; sau đó đăng trên Tạp chí Tòa án và Cổng Thông tin điện tử, tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi của các Chuyên gia pháp lý, những người làm công tác pháp luật đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ; Những bản án, quyết định được đánh giá đủ tiêu chí án lệ, sẽ được thông qua Hội đồng tư vấn án lệ; sau đó được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, lựa chọn; Và cuối cùng, Chánh án TANDTC sẽ ban hành Quyết định công bố án lệ.
7 - Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án; kịp thời đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng trọng điểm, tuyên những mức án nghiêm khắc, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật
Năm qua, TAND, TAQS các cấp đã tập trung cao độ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn luật định, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, án tham nhũng; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Cụ thể trong năm 2015, mặc dù số lượng các loại vụ án mà Tòa án các cấp phải thụ lý, giải quyết tăng 11.600 vụ việc so với cùng kỳ năm trước, nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt 93,5% các vụ án thuộc thẩm quyền, tăng hơn cùng kỳ năm trước 0,7% và tỷ lệ giải quyết từng loại vụ án đều vượt chỉ tiêu xét xử đề ra từ đầu năm (Tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự vượt 2,2%; tỷ lệ giải quyết các vụ việc dân sự vượt 2,6% và tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính vượt 3,7%). Các Toà án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà (bao gồm các phiên tòa xét xử án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính), đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ; tăng cường cải cách hành chính tư pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia tố tụng hoặc có công việc tại Tòa án.
Xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội
Những vụ án lớn, trọng điểm đều được xét xử kịp thời, tuyên những mức án nghiêm khắc, như: vụ án xảy ra tại Công ty chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng; vụ án tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); vụ án tại Công ty dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam; vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II); vụ án tại Công ty công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH vận tải biển Đại Phát; vụ án tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 TP. Hồ Chí Minh và Chi nhánh 7 TP. Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, một số Hội đồng xét xử đã ra Quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa vì phát hiện tình tiết, dấu hiệu của tội phạm mới. Điển hình là vụ án làm thất thoát 966 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh 6 TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử TAND TP. HCM thực hiện quyền tư pháp, đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Agribank Việt Nam theo quy định của Bộ luật TTHS. Quyết định khởi tố vụ án được gửi đến VKSNDTC để điều tra làm rõ. Việc khởi tố ngay tại phiên tòa đã thể hiện sự cương quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
8- Đặt tên đường phố Phạm Văn Bạch tại Thủ đô Hà Nội
Ngày 11/8/2015, TANDTC đã long trọng tổ chức Lễ gắn biển phố mang tên danh nhân Phạm Văn Bạch - Chánh án TANDTC đầu tiên của nước ta. Chánh án Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trung học, Phạm Văn Bạch đi du học tại khoa Luật Trường Đại học Lyon (Pháp) và đỗ Cử nhân Luật, Cử nhân Triết học; đỗ Tiến sĩ Luật năm 1936. Trở về Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch làm nghề luật sư, dạy học và tham gia hoạt động cách mạng.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo quận Cầu Giấy thực hiện nghi thức gắn biển phố Phạm Văn Bạch
Trải qua nhiều thời kỳ hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Bạch đã được Đảng, Nhà nước giao cho nhiều trọng trách quan trọng. Tháng 9/1959, đồng chí Phạm Văn Bạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định làm Chánh án TANDTC và giữ chức vụ này từ năm 1959 cho đến năm 1981. Là một trí thức có uy tín trong nước và quốc tế, Chánh án Phạm Văn Bạch đã có sáng kiến lập Tòa án quốc tế lên án quân đội Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam. Nhờ uy tín của mình, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã thu hút được nhiều nhân vật nổi tiếng, các nhà khoa học thế giới, trong đó có nhà văn Jean Paul Sartre, nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein đồng ý tham gia vào Tòa án quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ.
Với thời gian gần 22 năm liên tục giữ chức vụ Chánh án TANDTC, đồng chí Phạm Văn Bạch đã có công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện nền tư pháp đất nước, sự phát triển của TAND. Để ghi nhận công lao, thành tích của cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch, năm 2005, HĐND TP Hồ Chí Minh đã đặt tên đường Phạm Văn Bạch tại phường 15, quận Tân Bình. Tại Thủ đô Hà Nội, phố Phạm Văn Bạch thuộc địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; đây cũng là con đường dẫn vào trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội.
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đối với cố Chánh án Phạm Văn Bạch.
9- Thành lập Học viện Tòa án - Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của TANDTC
Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1191/2015/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án. Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TANDTC có nhiệm vụ đào tạo nghề xét xử; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo quản lý, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Hội thẩm nhân dân và công chức Tòa án; đào tạo đại học và trên đại học, nhằm tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao. Học viện Tòa án ra đời là kết quả của việc thực hiện quyết liệt Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường cán bộ Tòa án” mà Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo, xây dựng và triển khai trong nhiều năm qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo TANDTC chụp ảnh cùng các cán bộ chủ chốt của Học viện Tòa án
Với chức năng, nhiệm vụ và vị thế mới, Học viện Tòa án phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo uy tín đạt chuẩn về các tiêu chí giáo dục có chất lượng cao trong hệ thống các học viện pháp lý của đất nước; có quy mô, tầm cỡ trong nước và khu vực. Trong thời gian tới, Học viện Tòa án tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế - Quản lý khoa học TANDTC, Tạp chí TAND để xây dựng Học viện Tòa án thành một Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo lớn, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị của TAND, yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
10 - Chủ động hội nhập và tích cực tham gia các diễn đàn tư pháp quốc tế
Năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao đã tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương với Tòa án tối cao các nước trong khu vực và thế giới; tích cực trao đổi các đoàn công tác và tham gia vào các diễn đàn tư pháp lớn của thế giới; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, TAND Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn tư pháp quốc tế. TANDTC Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều TATC các nước. Bên cạnh đó, nhiều TAND cấp tỉnh của Việt Nam đã ký thỏa thuận kết nghĩa, hợp tác với Tòa án cấp tỉnh của Tòa án các nước.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tham luận tại Diễn đàn quốc tế về tư pháp các nước thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương
Năm 2015, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã tham dự Hội nghị Chánh án các nước Đông Nam Á; tham dự Diễn đàn Quốc tế về tư pháp các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Quy định nội luật và quốc tế về quan hệ hải quan”. Đồng thời, Chánh án TANDTC Việt Nam đã tiếp tục ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác tư pháp giai đoạn mới với TATC Slovakia.
Sau thành công của Hội nghị bàn tròn lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội, Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5 với chủ đề “ Hợp tác giữa Tòa án các nước ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề môi trường xuyên quốc gia” đã diễn ra tại Vương quốc Campuchia, đồng chí Phó Chánh án Thường trực TANDTC Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Ngoài ra, các Đoàn đại biểu cấp cao TAND do các Phó Chánh án TANDTC dẫn đầu đã tham dự các diễn đàn pháp luật quốc tế, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm để phục vụ cho công tác hợp tác đào tạo, giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là những tranh chấp quốc tế.
Mở rộng quan hệ hợp tác với Tòa án các nước trên thế giới và tích cực tham gia các diễn tư pháp quốc tế là những điều kiện thuận lợi để TAND Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu đổi mới về kinh tế, văn hóa, chính trị, cải cách tư pháp của Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập. Với các hoạt động hợp tác diễn ra sôi động, năm 2015 là năm đạt được nhiều thành công trong hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp của TAND.