Nhộn nhịp nghề đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao

Châu Văn Út| 29/01/2015 13:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào những ngày này, người dân An Giang lại nhộn nhịp mưu sinh với nghề đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao, tuy là nghề phụ, nhưng đem lại nguồn kinh tế khá cao, giúp nhiều hộ dân tại địa phương ổn định cuộc sống.

Cá bông lau, là loài cá da trơn quý hiếm, mỗi năm có duy nhất một mùa đánh bắt từ tháng 11 âm lịch đến tận tháng 4 năm sau. Cá này, có kinh tế cao, được nhiều người chuộng bởi thịt cá trắng, béo, có mùi thơm rất đặt trưng và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Điểm đặc biệt của loài cá này, chỉ tập chung nhiều ở ngã ba sông của ba con sông lớn là: sông Vàm Nao, sông Tiền, sông Hậu, và cá bông lau chỉ sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên, người dân thường chỉ bắt được vào ban đêm.

Nhộn nhịp nghề đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao

Người dân tập chung chuẩn bị chuyến đánh bắt

Hiện nay, đang ngay thời điểm vào mùa nên nhiều người dân sinh sống ven sông Vàm Nao lại rộn ràng chuẩn bị dụng cụ đánh bắt. Mỗi đêm, có đến hàng chục ghe, xuồng ra sông thả lưới, những ánh đèn nhấp nháy kéo dài cả khúc sông.

Anh Phạm Văn Bé (40 tuổi, ngụ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết: “Tôi đã làm nghề này cũng được hơn 6 năm, mỗi đêm, đánh bắt cũng kiếm được vài trăm ngàn, có đêm trúng lưới cũng kiếm vài triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình, anh em tôi ai cũng theo nghề. Vào những tháng này, cá mới nhiều chứ qua tháng giêng thì cá bắt đầu khan hiếm trở lại”.

Dụng cụ đánh bắt cá bông lau cũng khá đơn giản và không tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ cần một chiếc ghe, gia đình nào có kinh tế thấp có thể dùng xuồng con thay thế, đèn, và dụng cụ quan trọng không thể thiếu, chính là lưới giăng. Do vậy, nên nhiều hộ dân nơi đây điều có thể đi đánh bắt cá bông lau để kiếm sống đấp đổi qua ngày, ổn định kinh tế gia đình.

Không phải ai thả lưới là bắt được cá bông lau, theo ông Phạm Văn Sanh cha ruột anh Bé cho biết: “Những người đánh bắt thường là nam trung niên trở lên, bởi đòi hỏi cần có kinh nghiệm đánh bắt dầy dặn, và đây là loài cá không dễ đánh bắt”.

Nghề tuy đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, ông Sanh cho biết thêm: “đi thả lưới một mình vào ban đêm trên sông lớn cũng có nhiều nguy hiểm, khi có sóng lớn mà xuồng nhỏ rất dễ bị lật, đe dọa tới tính mạng chứ chẳng chơi”.

Nhộn nhịp nghề đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao

Thu hoạch sau một đêm thả lưới

Tuy có nguy hiểm nhưng người dân vẫn bám nghề, cứ vào mùa thì lại sắm đồ nghề đi thả lưới, bởi đây là nghề có thể cải thiện kinh tế cho gia đình, nhiều hộ giađình đã vươn lên khá giả.

Sau khi đánh bắt, người dân đem bán cho các thương lái với mức giá dao động từ 180 – 200 nghìn/kg, so với năm ngoái có tăng hơn từ 50 - 90 nghìn/kg. Với giá thành cao như thế thì khó có người dân nào có ý nghĩ sẽ bỏ nghề dù nghề có vất vả, gian lao nguy hiểm.

Được biết, cá của người dân đánh bắt được các thương lái đem tiêu thụ tại chợ Long Xuyên, và một số được cung cấp cho các nhà hàng lớn ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL, và cả ở TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhộn nhịp nghề đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao