Dưới cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, những nữ cửu vạn chợ Đông Ba vẫn gồng mình mưu sinh đầy cơ cực. Số tiền làm ra trong ngày chỉ đủ các chị lo cho bữa cơm gia đình chứ không dám nghĩ đến chuyện dư dả.
Dù đã nhiều năm sống với nghề, nhưng hàng chục nữ cửu vạn chợ Đông Ba (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn không biết nghề này có từ lúc nào. Người có thâm niên nhất cũng chỉ nhớ từ lúc còn nhỏ đã thấy mẹ cùng các dì trong xóm gọi nhau í ới ra chợ khuân vác thuê.
Cứ như thế, những đứa trẻ năm xưa lớn lên không có việc làm, cùng với gánh nặng của gia đình đành tiếp tục nối nghề của mẹ mình trước kia.
Dù ngày mưa tầm tã hay nắng cháy “da đầu” những nữ cửu vạn vẫn nai lưng đi làm
Ngồi tụm nhau dưới tán cây bàn bên góc chợ nổi tiếng nhất miền Trung, những nữ cửu vạn luôn đưa mắt nhìn về phía cổng chợ. Khi một xe hàng vừa đi vào thì các chị lại tất tả chạy đến đợi sẵn. Người đàn ông từ phía sau xe đẩy hàng xuống cũng là lúc các chị kê vai vào “đón nhận” rồi vác đi đến từng ngóc ngách trong chợ.
Một lần vác hàng như thế, chủ xe chỉ trả cho mỗi người từ 2 đến 5 ngàn tùy vào từng mặt hàng. Số tiền tuy ít ỏi, không mua nổi ổ bánh mì nhưng ai cũng phải chấp nhận. Mỗi ngày, nếu làm việc quần quật không nghỉ thì chỉ kiếm được trên dưới 100 ngàn.
Đối với cuộc sống hiện tại thì số tiền này cũng chỉ để lo cho một gia đình sống qua ngày chứ chưa ai nghĩ tới chuyện dư dả. Thế nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ vẫn quyết gắn bó với nghề.
Các chị tâm sự, nghề nào cũng có sự khốc liệt của nó và nghề cửu vạn này cũng vậy. Ở đây các chị cũng phải tập quen với những câu mắng chửi hay những lời nói thiếu văn hóa của các chủ xe hàng.
Mỗi lần khuân vác chậm đi một chút, không kịp giờ xe chạy thì họ lại hứng chịu lời nói khó nghe. Đó là chưa kể đến việc nếu sơ ý làm hỏng món hàng nào thì tiền công ngày đó xem như công cốc thậm chí phải làm việc cả tuần liền mới trả đủ. Đã có không ít người gặp phải những trường hợp như thế nên khi vừa mới làm được một thời gian, không chịu được khó nhọc, tủi nhục nên đành phải bỏ giữa chừng.
Số tiền làm ra chỉ đủ các nữ cửu vạn lo cho gia đình sống qua ngày
“Nếu may mắn gặp được chủ hàng nào vui vẻ thì còn đỡ chứ gặp phải người khó chịu thì mệt lắm. Lúc đó mình phải biết cam chịu số phận làm thuê chứ cứ nổi lòng tự ái lên là không làm được đâu. Đa phần những chị em chúng tôi đều hiểu được như thế nên lặng lẽ mà làm, xem như không nghe thấy những lời mắng chửi đó của họ. Vì kiếm tiền mà phải chấp nhận nhiều thiệt thòi như thế cũng buồn lắm chứ nhưng biết làm gì khác được”, chị Nhung (một nữ cửu vạn) chia sẻ.
Địa điểm chính mà các chị tìm đến là bãi đỗ xe nằm ở bên trái chợ. Đó cũng là bến đỗ của những chiếc xe chở hàng đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Những chuyến xe này thường vận chuyển hàng hóa từ chợ Đông Ba về rồi nhập lại cho các ngôi chợ nhỏ khác. Vì mỗi lần nhập hàng về với số lượng không đáng kể nên các chủ xe này thường thuê những người phụ nữ ở đây bốc hàng, vừa tiện lợi lại ít tốn kém. Cứ như thế, có hàng là các chị lại vác đi đến từng ngóc ngách trong chợ, đến khi xong việc cũng là lúc mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm cả chiếc áo bạc màu.
Trên những cánh tay các đường gân xanh xanh chạy ngoằn ngoèn dưới lớp da nhăn nheo là minh chứng cho sự vất vả của nghề. Cái nghề mà nhiều người cứ ngỡ dành cho các cánh mày râu “sức dài vai rộng” lại thuộc về phái được coi là “chân yếu tay mềm”.
Bà Hà Thị Mơ (63 tuổi, quê xã Hương Sơ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tâm sự: “Tôi làm cái nghề này cũng đã gần 30 năm rồi. Bây giờ sức khỏe đã cao nên không còn có thể khuân vác được những kiện hàng to, nặng như trước nữa. Thế nên phải tìm những hàng hóa nào nhẹ để vác thôi. Bởi vậy mà công việc cũng ít hơn những người phụ nữ còn trẻ tuổi khác.
Nhiều người hỏi tôi sao cao tuổi thế rồi mà không nghỉ đi cho khỏe nhưng nghỉ rồi biết lấy gì mà ăn đây. Tôi không có chồng con nên phải làm mà nuôi bản thân. Cũng may là làm ở đây lâu nên quen khách rồi họ thấy thương mà thuê chứ tuổi như tôi đi đâu xin việc ai mà nhận nữa”.
Theo tìm hiểu, đa số các nữ cửu vạn đến từ các huyện khác hay ngoài tỉnh, vì ở quê không có việc gì làm nên phải lặn lội lên thành phố để kiếm kế sinh nhai. Cứ thế từ năm này qua năm khác, khi những phụ nữ cửu hạn hết sức lao động họ nghỉ thì có người khác lại vào. Dù nặng nhọc nhưng ở chợ này chưa bao giờ thiếu bóng dáng của họ, cho dù ngày mưa tầm tã, hay nắng những nữ cửu vạn vẫn nai lưng đi làm.
Công việc của những phụ nữ cửu vạn ở chợ Đông Ba thường bắt đầu từ sáng sớm. Vì đa số đều ở xa nên tầm 5h sáng họ phải bắt xe lên cho kịp giờ làm việc. Chỉ cần lên muộn một chút là các mối hàng bị nhận hết phải ngồi chờ nhưng không biết khi nào mới có việc.
Từ khi bước chân vào nghề này, hầu như các chị chưa bao giờ có một bữa ăn trưa đúng nghĩa, rảnh giờ nào thì ăn giờ đó. Món ăn chủ yếu là bánh mì hoặc sang lắm cũng chỉ có cơm, vài gắp rau, ít dưa và vài 3 miếng thịt 3 chỉ thái mỏng. Khi chúng tôi hỏi rằng cứ ăn uống đơn giản như thế thì lấy sức đâu mà làm nhưng các chị chỉ cười bảo: “Mình làm có được bao nhiêu tiền đâu mà đòi ăn cho ngon hả chú. Tiết kiệm được chừng nào thì tốt chừng đó. Còn có con cái của mình ở nhà nữa chứ phải lo cho bản thân là xong đâu".
Mỗi công việc có một đặc thù riêng và nghề cửu vạn này cũng không ngoại lệ. Những ngày thời tiết đẹp thì còn có nhiều việc để làm chứ mưa xuống, xe hàng ít đi là các chị chỉ biết ngồi nhìn nhau từ sáng đến tối rồi lại thất thểu ra về mà không kiếm được một đồng tiền công nào. Thế nên, dù vất vả, cực nhọc nhưng ước muốn của họ lại thật giản dị. Các chỉ chị chỉ mong ngày nào cũng có người thuê việc để có tiền lo cho gia đình và con cái ăn học.