Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 1/1/2017 cả nước có 518.000 doanh nghiệp (DN) thực tế đang tồn tại, số lượng DN lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số doanh nghiệp mới, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thành lập tăng cả về số lượng và thu hút số lượng lao động, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh có dấu hiệu cải thiện tốt và thể hiện tinh thần về một Nhà nước kiến tạo.
DNNVV loại hình doanh nghiệp được đánh giá là “nhỏ nhưng không yếu”, chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, các DNNVV cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn lực để phát triển.
Tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP mới đây, Chính phủ đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV. Theo Nghị định trên, các DNNVV được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Cụ thể, DNNVV được miễn phí truy cập thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Để giúp DNNVV phát triển nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Học viên của DNNVVhuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, DNNVV do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.
Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí. DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện về hồ sơ quy định được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như: hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...
Cùng với Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, các chính sách nói trên của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.