Vụ xóa nợ tại Công ty cổ phần Thủy sản Ngư Long (Đồng Tháp): Liệu có việc tẩu tán tài sản?

Văn Vũ| 24/02/2015 08:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dùng tiền vay của ngân hàng mua bán hàng hóa tại các công ty khác cũng thuộc của mình, rồi ký gửi hàng hóa, chỉ lấy hóa đơn về thế chấp ngân hàng.

Trước khi bán doanh nghiệp, các thành viên của công ty tiến hành “xóa nợ” cho công ty khác của mình lên đến hàng chục tỷ đồng. Liệu việc làm này có chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng?

Công ty cổ phần Thủy sản Ngư Long (gọi tắt Công ty Ngư Long) nguyên trước đây là Công ty cổ phần Dabaco Sông Hậu với vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Sau khi thành lập, Công ty đã vay vốn của VietinBank 92 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản từ 18/1/2010 đến 18/1/2014. Khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay với giá trị tài sản được thẩm định gần 139 tỷ đồng.

Sau một thời gian hoạt động, các cổ đông sáng lập đã chuyển toàn bộ cổ phần cho bà Trần Thị Ánh Nguyệt, ông Lê Minh Trí và Lê Trí Thức. Bà Nguyệt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Ngày 29/4/2011, VietinBank bán khoản nợ vay của Công ty Ngư Long cho LienVietBank với giá 81 tỷ đồng. LienVietBank trở thành chủ nợ mới đối với Công ty Ngư Long.

Sau khi tiếp quản, LienVietBank và bà Nguyệt đã ký hợp đồng hạn mức tín dụng ngắn hạn năm 2011 với hạn mức cấp tín dụng là 90 tỷ đồng cho Công ty Ngư Long. Đây là khoản vay hạn mức cho mục đích bổ sung vốn lưu động đưa vào sản xuất kinh doanh được đảm bảo bởi tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất; hàng hóa tồn kho và hình thành từ vốn vay.

Sau đó bà Nguyệt đã ký các hợp đồng mua hàng hóa với các đối tác. Trong số này, bà Nguyệt ký hợp đồng mua hàng hóa với Công ty cổ phần Dabaco Tiền Giang, tổng số tiền 52,7 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng mua hàng, bà Nguyệt lại ký hợp đồng ký gửi hàng hóa này tại bên bán và đem hóa đơn về thế chấp tại Ngân hàng. Tương tự, bà Nguyệt ký các hợp đồng mua hàng tổng giá trị gần 8,5 tỷ đồng với Công ty TNHH SX TM Tân Bình An. Bà Nguyệt cũng ký gửi hàng hóa chỉ lấy hóa đơn về thế chấp cho ngân hàng. Thậm chí, bà Nguyệt còn lấy 20 tỷ đồng của Công ty Ngư Long ứng trả nợ hộ cho Công ty Dabaco Tiền Giang.

Vụ xóa nợ tại Công ty cổ phần Thủy sản Ngư Long (Đồng Tháp): Liệu có việc tẩu tán tài sản?

Công ty cổ phần Thủy sản Ngư Long 

Trước khi có ý định chuyển nhượng công ty, ngày 15/9/2012, bà Nguyệt cùng các thành viên HĐQT Công ty Ngư Long tiến hành họp HĐQT và xóa toàn bộ số nợ đối với Công ty Dabaco Tiền Giang với tổng số tiền hơn 66 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 4/1/2013, bà Nguyệt, đại diện Công ty Ngư Long chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty cổ phần Địa ốc Bình Tân do ông Huỳnh Văn Ánh là đại diện.

Vào khoảng tháng 6/2013, ông Ánh lấy lý do sức khỏe yếu và khó khăn về tài chính đề nghị ông Ngô Đăng Khoa mua lại cổ phần để thực hiện tái cơ cấu nợ cho Công ty Ngư Long. Do quen biết trong kinh doanh trước đây, ông Khoa đã đồng ý mua lại 70% cổ phần của Công ty Ngư Long.

Khi tiếp quản Công ty Ngư Long, ông Khoa cho kiểm toán tài chính công ty, kiểm tra thống kê và kiểm định lại toàn bộ tài sản (đặc biệt là tài sản thế chấp tại ngân hàng). Qua kiểm toán, ông Khoa mới phát hiện các thành viên cũ của Công ty Ngư Long (gồm bà Nguyệt, ông Trí và ông Thức) có hành vi tẩu tán tài sản của Công ty Ngư Long bằng cách xóa nợ hơn 66 tỷ đồng cho Công ty Dabaco Tiền Giang. Đây cũng là công ty của chính bà Nguyệt, ông Trí và ông Thức.

Trong đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo về hành vi trên, ông Khoa cho rằng, theo Hợp đồng hạn mức tín dụng năm 2011 ký kết giữa LienVietBank và Công ty Ngư Long, tại Điều 10.2 quy định rất rõ nghĩa vụ Công ty Ngư Long “sử dụng số tiền được cấp tín dụng đúng mục đích”. Còn LienVietBank phải “kiểm tra trước, trong và sau khi cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn tín dụng”.

Tuy nhiên, việc các thành viên cũ của Công ty Ngư Long sử dụng vốn vay không đúng mục đích, xóa nợ cho Công ty Dabaco Tiền Giang số tiền lên đến 66 tỷ đồng nhưng không hề bị LienVietBank phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Ông Khoa nghi ngờ: Phải chăng giữa Công ty Ngư Long và một số cán bộ nhân viên LienVietBank được phân công theo dõi về Công ty Ngư Long trước đây có sự thông đồng? Hay là họ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến bà Nguyệt và các thành viên cũ Công ty Ngư Long dễ dàng sử dụng số tiền được cấp tín dụng không đúng mục đích?

Ông Khoa cho rằng, không thể vì sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý  của một số cán bộ, nhân viên của LienVietBank trong quá trình giám sát nguồn tiền cấp tín dụng cho công ty Ngư Long trước đây mà bây giờ buộc các thành viên mới của Công ty Ngư Long phải gánh.

Một lãnh đạo của LienVietBank khẳng định rằng, LienVietBank không đồng tình với cách làm xóa nợ của các thành viên cũ của Công ty Ngư Long. Đây là việc sử dụng số tiền được cấp tín dụng không đúng mục đích như hợp đồng đã ký kết. LienVietBank sẽ có biện pháp để bảo vệ cho đồng vốn cho vay của mình.

Việc dùng tiền vay của LienVietBank mua hàng hóa và ký gửi, rồi sau đó xóa nợ của các thành viên cũ Công ty Ngư Long trước việc buông lỏng quản lý của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng, trước khi bán doanh nghiệp, liệu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của LienVietBank? Câu trả lời này xin nhường lại cho các cơ quan có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ xóa nợ tại Công ty cổ phần Thủy sản Ngư Long (Đồng Tháp): Liệu có việc tẩu tán tài sản?