Vụ trộm cắp ở khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh): Một hành vi bị xử lý 2 lần và những nghi vấn cần được làm rõ

Huy Anh| 07/10/2015 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một sỹ quan Biên phòng đã bị cơ quan quản lý trong quân đội xử lý về hành chính nhưng lại tiếp tục bị VKSND truy tố về cùng một hành vi.

Đã có những nghi vấn về việc CQĐT của Công an sử dụng tài liệu xử lý hành chính của quân đội để làm chứng cứ buộc tội cũng như về thẩm quyền xử lý đối với sỹ quan quân đội...

Vụ trộm cắp tài sản giá trị lớn

Theo xác định của Hội đồng định giá thì trị giá tài sản bị trộm cắp lên đến hơn 765 triệu đồng và vì vậy, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố các bị can theo khoản 4 Điều 138 BLHS về tội “Trộm cắp tài sản”. Theo cáo trạng, nội dung vụ án có thể tóm tắt như sau: Cuối tháng 12/2014, Nguyễn Hữu Tần được thuê dọn vệ sinh cho Công ty Viện Tam Hàng đang thi công trong khu công nghiệp Formosa (Vũng Áng- Hà Tĩnh). Qua công việc, Tần có quen biết Đặng Đình Hồng - quyền Trạm trưởng Trạm biên phòng cảng Sơn Dương (thuộc Đồn biên phòng Vũng Áng - Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh). Quá trình làm việc, Tần và Hồng có gặp, trao đổi số điện thoại cho nhau để nếu có việc gì liên quan đến an ninh, trật tự khu vực này thì Tần điện báo cho Hồng biết. Thực tế, nhiều lần Tần đã gọi điện cho Hồng báo một số tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Vụ trộm cắp ở khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh): Một hành vi bị xử lý 2 lần và những nghi vấn cần được làm rõ

Khu công nghiệp Formosa

CQĐT xác định rằng giữa tháng 1/2015, Hồng gọi cho Tần báo có 1 số dây cáp điện để ở sân đơn vị và hỏi Tần có mang ra ngoài được không thì Tần báo lại là mang được. Hồng còn cho Tần biết sẽ lo việc qua bảo vệ. Sau đó Tần bàn bạc với một số người cùng phòng trọ và nhất trí việc lấy trộm dây cáp mang ra ngoài bán. Tần gọi cho Hồng thống nhất thời gian rồi thuê xe, cẩu vào khu vực  công trường Formosa trộm cắp 3 cuộn dây cáp lõi đồng nhưng đã bị bắt ngay lúc đang vận chuyển đi cất giấu… CQĐT xác định Nguyễn Hữu Tần là kẻ cầm đầu đã đầu thú và khai báo thành khẩn tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Tuy nhiên “do bị mua chuộc về vật chất” nên tại CQĐT- Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thay đổi lời khai, không nhận Hồng có liên quan. Quá trình điều tra thể hiện Hồng khai nhận tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh nhưng tại CQĐT thì Hồng không nhận tội.

Những nghi vấn cần làm rõ

Nguyễn Hữu Tần và đồng bọn sẽ bị xử lý trước pháp luật về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, riêng việc truy tố quyền Trạm trưởng Trạm biên phòng cảng Sơn Dương Đặng Đình Hồng đang có những nghi ngại cần được làm rõ. Cụ thể là:

Cả KLĐT và Cáo trạng đều mô tả rất chi tiết và tỉ mỉ sự bàn bạc giữa Đặng Đình Hồng và Nguyễn Hữu Tần qua điện thoại dựa trên cơ sở lấy lại các list điện thoại. Vấn đề này đã gây ra nghi vấn có hay không việc tạo dựng căn cứ để cố tình buộc tội cho Hồng tham gia vào vụ trộm cắp. Bởi lẽ, các list điện thoại đó không thể hiện được điều gì vì không có nội dung. Cho nên, việc suy diễn cho rằng đó là sự bàn bạc liệu có căn cứ một cách khách quan và khoa học?

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, lời khai của Nguyễn Hữu Tần là không thống nhất và mâu thuẫn. Trong KLĐT và Cáo trạng không thể hiện quan hệ của Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Thông (đồng bọn trộm cắp) và Đặng Đình Hồng như thế nào, đồng nghĩa với việc không thể hiện được sự liên hệ giữa Hồng với các đối tượng này. Vậy lời khai của các bị can Nguyễn Văn Dũng và Trần Văn Thông có là cơ sở pháp lý để cáo buộc Đặng Đình Hồng tham gia vào vụ trộm cắp này không? Việc quy kết “do bị mua chuộc về vật chất” mà Tần đã thay đổi lời khai phản bác việc Hồng có tham gia cũng cần được làm rõ ai đã mua chuộc, vật chất để mua chuộc cụ thể là gì, số lượng? Trong khi đó, Hồng kiên quyết phản bác những cáo buộc cho rằng mình tham gia vụ trộm cắp này.

Đáng chú ý là những tài liệu mà CQĐT của Công an lấy từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng liên quan đến Đặng Đình Hồng có thể sử dụng làm căn cứ để cáo buộc Đặng Đình Hồng phạm tội hình sự không? Những tài liệu này đã được sử dụng cho việc xử lý kỷ luật nội bộ trong Bộ đội biên phòng theo quy định trong quân đội. Trong khi đó, quy trình thu thập chứng cứ về hình sự do tiến hành CQĐT phải tuân theo quy định của Bộ luật TTHS. Tài sản của công ty nằm trong tường rào, có bảo vệ và Trạm biên phòng chỉ đồn trú nhờ trong khu vực đó và việc kiểm tra, giám sát hàng hóa không thuộc chức trách của Bộ đội biên phòng. Cho nên Hồng không thể biết hàng hóa được xuất, nhập thế nào và đây là yếu tố cần được đánh giá khách quan về sự tham gia của Hồng trong vụ án này.

Đặng Đình Hồng đang là sĩ quan trẻ, có năng lực trong QĐNDVN thì  động cơ phạm tội cũng cần được xem xét một cách khách quan, khoa học và toàn diện. Mặt khác hành vi phạm tội (nếu có)  thì cần được xử lý theo đúng thẩm quyền đã được pháp luật quy định. Cụ thể, khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”. Theo Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 thì các Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ. Như vậy, việc CQĐT - Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố bị can và điều tra Đặng Đình Hồng liệu có đúng thẩm quyền?

Bên cạnh đó, những tài liệu này đã sử dụng làm căn cứ xử lý hành chính đối với Đặng Đình Hồng nên không thể sử dụng trong xử lý hình sự. Bởi lẽ về nguyên tắc, một hành vi vi phạm không thể bị xử lý cả về hành chính và hình sự. Mặt khác, trong quá trình Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thu thập chứng cứ để xử lý hành chính đã có những nghi vấn dấu hiệu vi phạm thể hiện tại mẫu hướng dẫn khai (bản copy) và file âm thanh cũng cần được làm rõ, kể cả việc trưng cầu giám định.

Thiết nghĩ, với những gì thể hiện trong KLĐT, Cáo trạng đối với Đặng Đình Hồng rất cần được xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và khoa học để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ trộm cắp ở khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh): Một hành vi bị xử lý 2 lần và những nghi vấn cần được làm rõ