Vụ thi hành án hành chính tại Long Biên, Hà Nội cần có biện pháp cưỡng chế và chế tài mạnh

Lê Quang Hòa| 15/10/2015 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành theo qui định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, thực tế thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính hiện nay có rất nhiều bất cập. Vụ thi hành án của ông Lê Phúc Thủy ở 123 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội là một dẫn chứng khá điển hình.

Thua kiện nên không thi hành án

Vụ kiện hành chính giữa vợ chồng ông bà Lê Phúc Thủy, Đặng Xuân Lập ở 123 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của báo chí suốt mấy năm, cuối cùng vụ kiện đã được xét xử tại Tòa án.

Theo đơn thư của ông Thủy, ngày 13/1/2007 Quận Long Biên đã bí mật bán nhà đất của gia đình ông Thủy cho bà Chu Thị Mây trong khi gia đình ông Thủy đang sinh sống trên mảnh đất đó mà không hề hay biết. Để có đất trả bà Mây, quận Long Biên ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 939/QĐ-CTUBND ngày 16/4/2009 yêu cầu gia đình ông Thủy bàn giao mặt bằng. Gia đình ông Thủy phản đối. Ngày 26/6/2009, Quận ban hành tiếp Quyết định cưỡng chế số 49/QĐ-CTUBND. Ông Thủy kiện hai này ra Tòa. Ngày 22/9/2009, Chủ tịch quận Long Biên vội ban hành Quyết định số 71/QĐ-CTUBND thu hồi và hủy bỏ hai Quyết định số 939 và 49.

Ngày 18/11/2009 Quận Long Biên lại ban hành Quyết định số 4433/QĐ-UBND thu hồi 90m2 đất của gia đình ông Thủy “để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất”, nhằm lấy đất trả cho cuộc bán đấu giá 3 năm trước. Tiếp theo là Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 5298/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 và Quyết định cưỡng chế số 02/QĐ-UBND ngày 20/01/2010. Ông Thủy khởi kiện.

Ngày 21/6/2013 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy các Quyết định số 4433, Quyết định số 5298 và Quyết định số 02 trên bằng Bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013.

Bản án nhận định gia đình ông Thủy sinh sống liên tục, ổn định tại 123 Nguyễn Văn Cừ từ trước 15/10/1993 đến nay, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo qui định của pháp luật.

Vụ án tưởng như được khép lại nhưng hóa ra không phải. Gia đình ông Thủy đi nộp thuế sử dụng đất như đã nộp suốt mấy chục năm qua thì bị từ chối, không cho nộp. Gia đình ông Thủy nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cũng bị từ chối.

Vụ thi hành án hành chính tại Long Biên, Hà Nội cần có biện pháp cưỡng chế và chế tài mạnh

Vợ chồng ông Lê Phúc Thủy

Bức xúc bùng nổ khi ông Thủy thấy UBND quận Long Biên đã cấp cho bà Mây tờ Giấy phép xây dựng số 213/GPXD ngày 10/3/2014, xây dựng công trình nhà ở tại địa chỉ 123-125 Nguyễn Văn Cừ. Giấy phép xây dựng được cấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số 396 tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND của UBND quận Long Biên.

Như vậy, UBND quận Long Biên đã cấp GCNQSDĐ số 396 và Giấy phép xây dựng số 213/GPXD ngày 10/03/2014 cho bà Mây đối với nhà đất của gia đình ông Thủy tại địa chỉ 123 Nguyễn Văn Cừ như chưa hề có bản án có hiệu lực pháp luật từ 21/6/2013 của TANDTC.

Hạn chế từ qui định của pháp luật

Vụ án trên đây chỉ là một trong số nhiều vụ án hành chính được đưa ra xét xử trong những năm qua gặp khó khăn trong thi hành án. Thực trạng này đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các qui định mang tính cưỡng chế, các biện pháp chế tài mạnh đối với các đối tượng chây ì, cố tình chống đối pháp luật.

Theo Luật Tố tụng hành chính 2010 thì  trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án bằng văn bản đối với người phải thi hành án. Nếu người được thi hành án đã có văn bản đề nghị nhưng người phải thi hành án không thi hành án thì có quyền làm đơn đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành án.

Cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý cũng chỉ đôn đốc thi hành án. Hết thời hạn 30 ngày đôn đốc mà người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy quả bóng trách nhiệm đá về cho cơ quan hành chính cấp trên của người  phải thi hành án. Do đó việc đôn đốc ít hiệu quả.

Trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã đôn đốc người phải thi hành án, thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án mà người phải thi hành án vẫn không thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hành trình xử lý người bị thi hành án chây ì, coi thường pháp luật rất dài dòng, phức tạp, gây bức xúc cho người dân và giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi cho rằng cần bỏ cơ chế đôn đốc thi hành án, thay bằng cơ chế chủ động thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Nghĩa là, sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án, không cần có đơn yêu cầu đôn đốc thi hành án hành chính.

Tiếp đó, điều rất quan trọng là phải ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu bằng các chế tài phạt tiền hoặc xử lý hành chính. Có thể qui định trong 30 ngày làm việc mà bản án có hiệu lực pháp luật không được thi hành thì người khởi kiện có thể đề nghị Tòa án buộc công chức phải thi hành bản án, nếu không thi hành sẽ bị xử phạt. Khi hội đủ yếu tố có thể xem xét xử lý hình sự về hành vi không chấp hành án.

Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 của BCH TƯ Đảng về cải cách tư pháp đã  xác định: “Các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, các loại khiếu kiện và tranh chấp có yếu tố nước ngoài có chiều hướng tăng về số lượng và phức tạp, đa dạng hơn. Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”.

Trở lại vụ thi hành án tại quận Long Biên, Hà Nội, Tòa án đã thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người thể hiện bằng bản án. Tuy nhiên, nỗ lực này lại có thể bị vô hiệu hóa bằng chính cán bộ, công chức có chức có quyền, những người có trách nhiệm ở quận Long Biên.

Dư luận trông chờ sự chỉ đạo nghiêm minh từ lãnh đạo Tp. Hà Nội đối với vụ bê bối kéo dài này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thi hành án hành chính tại Long Biên, Hà Nội cần có biện pháp cưỡng chế và chế tài mạnh