Vụ "cục máu đông" 20 năm tại Ngân hàng Bắc Á: “Vòng xoáy” xử lý nợ không có hồi kết

Nhóm PV| 04/08/2016 16:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin tại kỳ trước, Báo Công lý đã đề cập đến một số dấu hiệu sai phạm trong hoạt động cho vay của Ngân hàng Bắc Á khiến một gia đình có công với cách mạng lâm vào cảnh nợ nần trong gần 20 năm không lối thoát. Vậy nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ đâu?

Vạn sự khởi đầu... sai!

Như chúng tôi đã đề cập, năm 1997, Ngân hàng TMCP Bắc Á – Chi nhánh Hà Nội cho ông Lê Tân Cương và bà Lê Thị Nhiễu vay vốn theo 2 hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản với tổng số dư nợ gốc là 5.519.536.000 đồng. Tuy nhiên, vì có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng quy định về thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng dẫn đến không thể xử lý tài sản thế chấp theo quy định, Ngân hàng Bắc Á đã “o ép” khách hàng phải ký vào Hợp đồng mua bán nhà ngày 19/01/1999 nhằm hợp thức hóa những sai phạm trong hoạt động cho vay đó. Ông Nguyễn Trọng Dũng là người được Ngân hàng Bắc Á ủy quyền đã đứng ra mua đứt toàn bộ khách sạn ALMAZ tại số 16 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội với giá 7.400.000.000 (Bảy tỷ bốn trăm triệu đồng).

Vụ

Giấy ủy quyền của Ngân hàng Bắc Á cho ông Nguyễn Trọng Dũng  đứng ra mua toàn bộ khách sạn ALMAZ

Tuy nhiên, Hợp đồng mua bán nhà đất này thực chất chỉ là biện pháp đối phó tình thế của Ngân hàng Bắc Á khi đối diện với cuộc thanh tra toàn diện của thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ qua việc “ông Nguyễn Trọng Dũng vẫn đồng ý cho ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu sử dụng các phòng ở tầng hầm, tầng 1, 2 khách sạn ALMAZ trong thời gian 36 tháng và việc ông Dũng đồng ý trong thời gian 04 năm kể từ ngày 16/11/1998, nếu ông Lê Tân Cương trả lại đủ số tiền 7.400.000.000 đồng cho ông Dũng thì ông Dũng sẽ trả lại khách sạn ALMAZ cho ông Cương”.

Chính bởi Hợp đồng mua bán nhà ngày 19/01/1999 được lập ra theo kiểu hình thức, đối phó nên đã bộc lộ hàng loạt những sai sót nghiêm trọng dẫn đến những tranh chấp pháp lý dai dẳng về sau cho ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu và các đồng sở hữu khách sạn ALMAZ với Ngân hàng Bắc Á.

Gần 20 năm tranh chấp từ “giải pháp tình thế” của Ngân hàng Bắc Á

Hợp đồng mua bán nhà ngày 19/01/1999 được ký kết giữa ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu và ông Nguyễn Trọng Dũng vốn được Ngân hàng Bắc Á coi là một phương thức xử lý tài sản bảo đảm lại chứa đựng quá nhiều điều bất ổn và rủi ro dẫn đến tranh chấp:

- Về chủ thể của Hợp đồng: Ông Nguyễn Trọng Dũng tham gia giao kết Hợp đồng với tư cách cá nhân, không có bất kỳ một cụm từ nào nhắc đến trong Hợp đồng là đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Bắc Á hay đề cập đến Giấy ủy quyền số 315/NHBA ngày 4/12/1998 của Ngân hàng Bắc Á cho ông Nguyễn Trọng Dũng. Chính điều này đã đặt ra dấu hỏi lớn về chủ thể là bên mua trong Hợp đồng khi xác định tranh chấp: ông Nguyễn Trọng Dũng hay Ngân hàng Bắc Á? Chính vì sự mập mờ, không rõ ràng tư cách của bên mua nên đã dẫn đến những tranh chấp giữa các bên khi thực hiện các nghĩa vụ ghi trong Hợp đồng.

Vụ

Ông Lê Tân Cương nhiều năm làm đơn kêu cứu, theo đuổi vụ việc bày tỏ bức xúc trược sự việc kéo dài vô lí

- Về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng khách sạn ALMAZ: Khách sạn ALMAZ tại số 16 (nay là 21/52) Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội là tài sản riêng của ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu hay là tài sản thuộc sở hữu, quản lý, sử dụng chung của gia đình bà Nguyễn Thị Nhiễu? Đó là câu hỏi đã được các cấp Tòa án qua rất nhiều lần xét xử đã đưa ra kết luận trả lời rằng: Nhà đất tại số 16 (nay là 21/52) Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội là tài sản thuộc sở hữu, quản lý, sử dụng chung của gia đình bà Nguyễn Thị Nhiễu. Do đó, Hợp đồng mua bán nhà xác lập ngày 19/01/1999 được ký kết giữa ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu và ông Nguyễn Trọng Dũng đã bị tuyên vô hiệu do vi phạm quy định của pháp luật về quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu, trái với quy định tại Điều 445 Bộ luật dân sự 1995: “Việc mua bán nhà ở thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất của nhiều người phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu”.

- Mục đích của Hợp đồng: Ngân hàng Bắc Á cho rằng việc ký kết Hợp đồng mua bán nhà xác lập ngày 19/01/1999 được ký kết giữa ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu và ông Nguyễn Trọng Dũng là nhằm xử lý tài sản bảo đảm và viện dẫn các quy định tại Nghị định số 165/1999/NĐ-CP và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm để chứng minh cho việc xử lý tài sản của Ngân hàng Bắc Á là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, Ngân hàng Bắc Á đã bỏ qua việc quy định về thế chấp tài sản trong 02 Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản số 850/NASB và 851/NASB ngày 28/8/1997 là không hợp pháp nên cũng chẳng có tài sản bảo đảm nào để Ngân hàng xử lý và tại thời điểm ký kết Hợp đồng mua bán nhà ở thì hai Nghị định trên chưa có hiệu lực hoặc chưa ban hành để Ngân hàng có căn cứ viện dẫn. Do đó, việc Ngân hàng Bắc Á viện dẫn các Nghị định số 165/1999/NĐ-CP và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm để “đổi trắng thay đen” là không hợp pháp.

- Có lẽ những cán bộ Ngân hàng Bắc Á đã ký 02 Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản số 850/NASB và 851/NASB ngày 28/8/1997 đã không thể lường trước được rằng việc cho vay sai quy định đã đẩy họ vào tình thế cực kỳ hiểm nghèo khi vi phạm các quy định về chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước: cho vay tiền sai quy định và không hề có tài sản bảo đảm. Do đó, để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị thanh kiểm tra hoạt động của Ngân hàng Bắc Á thì họ đã “o ép” ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu ký vào Hợp đồng mua bán nhà. Ngân hàng biết rất rõ tài sản nhà đất mua bán không đủ điều kiện để chuyển nhượng nên không trực tiếp giao kết Hợp đồng mà thông qua ông Nguyễn Trọng Dũng để né tránh những vấn đề sai phạm tại thời điểm đó và họ cũng hy vọng rằng ông Lê Tân Cương sẽ sớm trả nợ cho Ngân hàng để hủy bỏ giao dịch mua bán nhà đất nêu trên. Tuy nhiên, chính Ngân hàng Bắc Á cũng không ngờ rằng do vướng phải những rắc rối với pháp luật nên ông Lê Tân Cương đã không thể thực hiện được nghĩa vụ trả nợ như đã cam kết với Ngân hàng Bắc Á trong vòng 4 năm như đã ghi trong Hợp đồng mua bán nhà đất, dẫn đến việc Ngân hàng này phải bám vào Hợp đồng mua bán nhà đất với đầy rẫy những sai phạm đã nêu để thu hồi lại khoản nợ xấu của Ngân hàng theo vòng xoáy tố tụng dai dẳng với gia đình bà Nguyễn Thị Nhiễu mà chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.

Vụ án tranh chấp giữa gia đình ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu với Ngân hàng Bắc Á tiếp diễn ra sao, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc ở kỳ tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ "cục máu đông" 20 năm tại Ngân hàng Bắc Á: “Vòng xoáy” xử lý nợ không có hồi kết