Vụ án tiêu cực ở Sở Y tế Gia Lai: Vì sao Tòa yêu cầu điều tra bổ sung?

Tống Toàn| 15/11/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND tỉnh Gia Lai vừa đưa ra xét xử sơ thẩm lại vụ án tiêu cực ở Sở Y tế tỉnh này và đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung những chứng cứ quan trọng mà không thể bổ sung tại phiên tòa.

Cụ thể, HĐXX sơ thẩm cho rằng, tài liệu có tại hồ sơ vụ án không thể hiện các bị can và người tham gia tố tụng khác đã được thông báo cụ thể các kết luận giám định theo quy định tại Điều 158 BLTTHS. Các bị cáo Đặng Đức Châu, Nguyễn Thị Kim Liên, Đoàn Cường đã yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại đối với thiệt hại đã xảy ra nhưng chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 158 BLTTHS.

Vụ án tiêu cực ở Sở Y tế Gia Lai: Vì sao Tòa yêu cầu điều tra bổ sung?

Một phiên xét xử vụ án

Tiếp đó, tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm lại, các bị cáo khai rằng: Mặt hàng thuốc Bifuroxim 500mg dự thầu ở danh mục 72, gói 2, năm 2008 bị tổ xét thầu loại ra là đúng. Vì thuốc này không được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), loại thuốc này không thuộc phạm vi chứng nhận của giấy chứng nhận số 214/CN-QLD ngày 8/12/2006 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Hơn nữa, chứng nhận đạt GMP là một trong những tiêu chuẩn để trúng thầu, không có chứng nhận này thì mặt hàng đó về mặt kỹ thuật không đạt, nên sẽ bị loại ra.

Chưa hết, tại phiên tòa, luật sư cung cấp Công văn số 15698/QLD-CL ngày 21/8/2015 của Cục QLD và Công văn 1090 CV-CTCPD ngày 10/8/2015 của Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định trả lời về phạm vi chứng nhận của Giấy chứng nhận số 214/CN-QLD ngày 8/12/2006 của Cục QLD trả lời đơn vị này. Cụ thể là: “Viên nén bao phim Bifuroxim 500 là dạng thành phẩm viên nén bao phim chứa kháng sinh Cefuroxim thuộc nhóm Cephalosporin nên không thuộc phạm vi thuốc/dạng bào chế đã được chứng nhận trong Giấy chứng nhận GMP-WHO, GLP và GSP số 214/CN-QLD ngày 8/12/2006”.

Đồng thời, tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị TAND tỉnh Gia Lai hoãn phiên tòa xét xử vụ án để VKSND tỉnh yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh làm việc với Hội đồng Giám định Bộ Y tế. Mục đích là để làm rõ lại kết luận Giám định số 89/KL-TTrB ngày 28/9/2011 của Thanh tra Bộ Y tế về việc giám định hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế tỉnh Gia Lai về mặt hàng thuốc Bifuroxim 500, nhằm làm rõ tài liệu chứng cứ mới mà bị cáo và luật sư cung cấp.

Trước đó, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 26/4/2013,  TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt các bị cáo với tội danh và mức án cụ thể. Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên buộc Công ty cổ phần Dược - Vật tư - Y tế Gia Lai phải bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng và buộc các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trên 7,4 tỷ đồng để sung quỹ Nhà nước.

Bản án hình sự phúc thẩm số 292 ngày 23/8/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng quyết định sửa bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai đối với Đặng Đức Châu, Nguyễn Thị Kim Liên, mỗi bị cáo 36 tháng tù treo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Giữ nguyên các quyết định còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm số 26 của TAND tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, ngày 23/4/2014, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã ký Kháng nghị số 23 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy hai bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm nói trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 05 ngày 17/4/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy án và giao hồ sơ cho TAND tỉnh Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án tiêu cực ở Sở Y tế Gia Lai: Vì sao Tòa yêu cầu điều tra bổ sung?