Vụ án “Kiện đòi tài sản đối với di sản thừa kế” ở Tam Nông, Phú Thọ: Cần xem xét tính pháp lý của hai bản di chúc

Nhóm PV| 23/08/2014 16:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, TAND huyện Tam Nông, Phú Thọ đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Đòi tài sản đối với di sản thừa kế” mà nguyên đơn và bị đơn đều là anh, chị em trong một gia đình.

Phán quyết của Tòa được đánh giá là thấu tình, đạt lý song một bên vẫn đưa ra những chứng cứ mà cấp sơ thẩm đã xem xét và khẳng định là không hợp pháp, khiến vụ việc trở nên phức tạp.

Di chúc hợp pháp

Năm 2001, ông Phạm Văn Sảo và bà Đỗ Thị Khang, trú tại Khu 3, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ có di chúc cho con gái là Phạm Thị Viện toàn bộ khu nhà đất ông bà đang ở có diện tích 1.213m2 ở địa chỉ trên. Di chúc của ông Sảo, bà Khang hoàn toàn hợp pháp và đã được UBND xã xác nhận. Sở dĩ di chúc cho một mình  bà Viện thừa kế vì ông Sảo, bà Khang có 6 người con, 4 trai, 2 gái, các con lớn lập gia đình đều được ông bà cho nhà, đất. Sau đó, 5 người con của ông bà đều đã chết, chỉ còn lại một mình bà Viện.

Năm 2012 bà Khang mất, 2013 ông Sảo mất. Ngôi nhà trên do bà Đỗ Thị Sáu (là một trong những người con dâu của ông Sảo) chiếm giữ không cho bà Viện vào ở và thắp hương cho bố mẹ mình. Lý do, nhà đất vẫn đứng tên bà Sáu (khu nhà đất đã được ông Sảo đổi cho bà Sáu nhưng chưa chuyển tên) và dù có ký tên trong buổi họp gia đình để lập bản di chúc này, bà Sáu vẫn cho rằng không biết có bản di chúc. Một lý do khác nữa là bà Sáu đã đưa ra bản “ghi lại lời di chúc của ông Sảo trước khi chết đã không đồng ý cho bà Viện thừa kế toàn bộ nhà đất trước đây mà để thờ cúng”.

Bà Viện gửi đơn ra TAND huyện Tam Nông kiện đòi lại ngôi nhà nói trên. Tại Bản án DSST số 05/2014 ngày 28/4/2014, TAND huyện Tam Nông cũng đã nhận định: Ông Sảo, bà Khang sở hữu hợp pháp đối với khối tài sản 1213m2 gồm nhà 4 gian lợp ngói, bếp và vườn… Năm 2001, ông Sảo, bà Khang lập di chúc cho bà Viện được sử dụng toàn bộ khối di sản nói trên. Di chúc có chứng thực của UBND xã Xuân Quang vào ngày 7/11/2001. Bà Viện yêu cầu bà Sáu phải trả lại toàn bộ số tài sản mà bố mẹ bà đã di chúc lại cho bà là có căn cứ.

Bản án cũng nhận định, việc gia đình bà Sáu có xuất trình biên bản ghi lại lời dặn của ông Sảo trước khi chết có nội dung không cho bà Viện hưởng khối di sản của ông Sảo được lập ngày 21/3/2013 là không có căn cứ. Bởi sau khi xảy ra tranh chấp, qua các buổi làm việc tại địa phương, UBND xã đã yêu cầu phía gia đình bà Sáu xuất trình chứng cứ nhưng bà Sáu không xuất trình được, trong khi đó, lời dặn trong bản ghi đều trái ngược hoàn toàn với bản di chúc. Mặt khác, đây chỉ là biên bản ghi lại ý chí của một người, trong thời điểm đó, ông Sảo không còn tỉnh táo, minh mẫn.

Từ những nhận định trên, Tòa án huyện Tam Nông đã tuyên, buộc bà Đỗ Thị Sáu phải trả lại toàn bộ tài sản là phần di sản của vợ chồng ông Phạm Văn Sảo cho bà Phạm Thị Viện quản lý.

Nhiều nghi vấn từ bản di chúc miệng

Bản di chúc miệng ghi lại lời dặn của ông Sảo trước khi qua đời do em họ là ông Phạm Đình Ân chép lại với nội dung: khi ốm đau, bà Viện không chăm sóc, vợ ông Sảo là bà Khang chết, bà Viện cũng không về nên không cho nhà và đất nữa mà để làm nơi thờ cúng... Bà Viện cho rằng, đây là bản di chúc đã được tạo dựng nhằm chiếm đoạt tài sản đã được bố mẹ di chúc cho bà. Bởi trong rất nhiều cuộc họp hòa giải trước đây tại UBND xã, phía gia đình bà Sáu không xuất trình văn bản này. Đặc biệt, những người có mặt làm chứng ký vào biên bản đều là người họ hàng ruột thịt với nhà bà Sáu như anh Phạm Văn Thị là con trai, Phạm Xuân Thu là con rể, ông Phạm Văn Phúc ký làm chứng với vai trò Trưởng họ cũng là người bà con của bà Sáu. Trong hồ sơ chứng thực lưu tại UBND xã Xuân Quang tại thời điểm đó cũng không có lưu số chứng thực văn bản nói trên.

Bà Phạm Thị Hồ, giáo viên Trường Mầm non xã Xuân Quang, cháu nội ông Sảo, là người chăm sóc ông Sảo những ngày cuối đời xác nhận: Ông Ân không hề có mặt để ghi lại lời di chúc của ông Sảo tại thời điểm đó. Những ngày tháng đó, biết bà Viện đang ốm nằm điều trị ung thư tại bệnh viện, ông Sảo đã khóc rất nhiều, không hề oán trách con gái điều gì. Bà Hồ khẳng định, tờ giấy ghi lại lời di chúc của ông Ân là hoàn toàn bịa đặt, giả mạo, không đúng sự thật.

Nhận định về tính pháp lý của hai bản di chúc nói trên, ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Trưởng Ban thanh tra nhân dân, TANDTC cho rằng: Bản di chúc năm 2001 của vợ chồng ông Sảo là đúng theo quy định của pháp luật, bà Viện được thừa kế tài sản là hợp pháp. Còn bản di chúc miệng ghi lại lời dặn của ông Sảo trước khi chết là không hợp pháp. Di chúc được coi là hợp pháp phải đủ các điều kiện: Người lập di chúc phải viết trong khi khỏe mạnh, minh mẫn. Nội dung di chúc không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, không được xâm phạm đến quyền thừa kế hợp pháp của người trong diện thừa kế (các con đẻ của ông Sảo). Di chúc hợp pháp phải tuân theo các nguyên tắc chung là người được hưởng thừa kế phải trong hàng thừa kế theo pháp luật. Pháp luật không quy định con dâu được hưởng thừa kế nên bà Sáu cũng không có tư cách để tranh chấp thừa kế với bà Viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án “Kiện đòi tài sản đối với di sản thừa kế” ở Tam Nông, Phú Thọ: Cần xem xét tính pháp lý của hai bản di chúc