Viết tiếp vụ “lùm xùm” tại Bộ KH&CN: Smartdoor kiện Cục Sở hữu trí tuệ đòi hàng trăm triệu đồng

Tống Toàn| 25/11/2014 14:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, Báo Công lý đã có nhiều bài viết về việc ông Hoàng Văn Tân và Lê Ngọc Lâm, lãnh đạo của Cục Sở hữu trí tuệ có nhiều sai phạm trong việc cấp Bằng độc quyền số 14163 cho Austdoor.

Vừa qua, Công ty cổ phần cửa cuốn Úc SMARTDOOR đã làm đơn khởi kiện ra Tòa liên quan đến vụ việc này…

 Lý do khởi kiện

Theo đơn khởi kiện của Công ty cổ phần cửa cuốn Úc SMARTDOOR (gọi tắt là Smartdoor) gửi TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội thì: Ngày 10/11/2008, Smartdoor và Công ty cổ phần XNK và XD Tân Trường Sơn (gọi tắt là Tân Trường Sơn) ký Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đối với “Nhôm thanh định hình” mà doanh nghiệp này đã được cấp bằng độc quyền. Ngày 18/12/2008, Smartdoor được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (gọi tắt là GCNĐK) sản phẩm nêu trên, có hiệu lực đến ngày 18/12/2010. Trong suốt thời gian này, Smartdoor luôn sản xuất sản phẩm theo kiểu dáng đã được chứng nhận li-xăng.

Tuy nhiên, ngày 22/3/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4864/QĐ-SHTT do Cục phó Hoàng Văn Tân ký cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 14163 với 10 phương án cho Công ty cổ phần tập đoàn AUSTDOOR (người thụ lý đơn là ông Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng). Theo Smartdoor, việc cấp bằng cho đơn trên bao gồm cả những phương án tương tự với hình KDCN trong GCNĐK Hợp đồng li-xăng mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho đơn vị này.

 Ngay sau đó, ngày 15/4/2010, Austdoor đã có Công văn số 35/2010/CVKC-ADG gửi Smartdoor với nội dung: KDCN “Nhôm thanh định hình” mà đơn vị này sản xuất và kinh doanh có kiểu dáng giống với KDCN theo Bằng số 14163.  Vì thế, Austdoor yêu cầu Smartdoor phải ngừng sản xuất trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khuyến cáo của Austdoor. Trong tài liệu gửi kèm công văn, Austdoor đã gửi hình ảnh mẫu nan A43. “Qua đối chiếu và xem xét, chúng tôi nhận thấy đây chính là phương án số 4 của Bằng độc quyền số 14163, không khác biệt đáng kể so với “Nhôm thanh định hình” đã được cấp Bằng độc quyền của Smartdoor”, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Smartdoor khẳng định.

Yêu cầu Cục bồi thường và xin lỗi công khai

Ngày 12/5/2010, Smartdoor nộp đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Văn bằng số 14163 của Austdoor với lý do: Kiểu dáng được “bảo hộ”  không khác biệt đáng kể so với kiểu dáng theo GCNĐK mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho Smartdoor trước đó. Tuy nhiên, đề nghị của Smartdoor chưa được giải quyết một cách thấu đáo đúng pháp luật thì sau đó, các ông Lê Ngọc Lâm và Hoàng Văn Tân - đại diện cho Cục Sở hữu trí tuệ đã tuyên bố trên báo chí: Việc cấp Bằng số 14163 cho Austdoor  là đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, cuối tháng 9/2014, Smartdoor tra cứu thông tin tại Cục Sở hữu trí tuệ mới biết rằng việc cấp Bằng 14163 trên có những sai phạm nghiêm trọng, Bằng này được cấp không theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, Quyết định số 2679/QĐ-SHTT ngày 23/10/2012 đã hủy 1 phần nội dung Bằng 14163 (được công bố trên Công báo số 299, tập B tháng 2/2013).

Vẫn theo ông Hải, các sai phạm trong việc cấp Bằng 14163 đã được nêu rõ tại Quyết định 2679/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Cục này đã hủy bỏ 8 phương án (từ phương án 3 đến phương án 10) mà trước đây Cục Sở hữu trí tuệ đã ghép bổ sung trong Bằng 14163. Lý do được đưa ra là: Việc bổ sung 8 phương án là sai trình tự, làm mở rộng phạm vi quyền; việc không công bố trên Công báo là sai quy định, ảnh hưởng đến quyền phản đối của các doanh nghiệp khác.

“Như vậy, với Quyết định 2679/QĐ-SHTT thì Quyết định 4864/QĐ-SHTT ngày 22/3/2010 đã bị hủy hiệu lực một phần liên quan đến kiểu dáng tương tự với kiểu dáng “Nhôm thanh kim loại” đã được bảo hộ của chúng tôi”, Giám đốc Smartdoor khẳng định.

Ông Hải cho biết thêm, từ hai phương án ban đầu của đơn số 3-2009-00148 được Cục Sở hữu trí tuệ ghép thêm 8 phương án nữa thành 10 phương án để cấp Bằng 14163. Tiếp đó, việc ghép/sửa đổi các phương án trong Bằng 14163 đã không được công bố trên Công báo là vi phạm với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Smartdoor.

Từ việc cấp Bằng cho Austdoor nên doanh nghiệp này đã sử dụng Bằng độc quyền để gây khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh của Smartdoor, nguyên nhân chính là từ sai phạm của Quyết định số 4864/QĐ-SHTT mà Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành.

Việc làm đó đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Smartdoor, ông Hải phân tích: Đó là thiệt hại do bị đình trệ sản xuất, dẫn đến không thể giao hàng cho khách hàng, phải bán thanh lý, thuê luật sư tư vấn... Trách nhiệm trong trường hợp này, theo ông Hải, thuộc về ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng và ông Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng (nay là Phó Cục trưởng) Cục Sở hữu trí tuệ.

Vì lý do trên, Công ty Smartdoor đã đề nghị TAND quận Thanh Xuân buộc Cục Sở hữu trí tuệ phải bồi thường thiệt hại cho Smartdoor với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, DN yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ và các ông Lê Ngọc Lâm, Hoàng Văn Tân phải cải chính công khai về những tuyên bố trên báo chí và xin lỗi Smartdoor về việc công bố thông tin trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp vụ “lùm xùm” tại Bộ KH&CN: Smartdoor kiện Cục Sở hữu trí tuệ đòi hàng trăm triệu đồng