Nhà đã mua nhưng bị “niêm phong” ở Đồng Nai: Có dấu hiệu công nhiên chiếm đoạt tài sản

Huy Anh| 02/01/2015 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mua nhà, đã thanh toán xong, nhận nhà xây thô, bỏ thêm tiền tỷ vào hoàn thiện và sắm đồ dùng, vật dụng sinh hoạt… Nhưng giờ đây, người mua đã phải trình báo Công an về việc bị “cưỡng chế” niêm phong nhà và mất tài sản.

Bị hại cho rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy, tài sản của mình bị “công nhiên chiếm đoạt”.

Ngày 30/9/2011, ông Hàn Anh Tuấn ký hợp đồng với Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc  - Xây dựng Toàn Thịnh Phát tại Đồng Nai (Công ty Toàn Thịnh Phát) mua căn biệt thự số K08-03/HDMBN (diện tích đất 130m2, diện tích đất xây dựng 69m2, diện tích sàn xây dựng 128,58m2) tại dự án The Pegasus Residence (Đồng Nai) do chính Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Theo quy định về điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng này thì Công ty Toàn Thịnh Phát nhất trí việc ông Tuấn ủy quyền cho Công ty TNHH Nhật Linh thanh toán tiền mua nhà.

Tính đến thời điểm cuối năm 2012, chủ đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát đã nhận được số tiền thanh toán 1.907.600.000 đồng (tương đương với 95% tổng giá trị hợp đồng như thoả thuận) và tháng 3/2012, chủ đầu tư đã bàn giao nhà (xây thô) cho ông Tuấn. Ông Tuấn nhận nhà, đầu tư thêm 800.000.000 đồng để hoàn thiện và khoảng 300.000.000 đồng mua sắm trang thiết bị đầy đủ cho gia đình sinh hoạt.

Như vậy, về pháp lý, đến cuối năm 2012, hai bên thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong hợp đồng mua bán nhà kể trên, không có tranh chấp gì với nhau. Bên bán đã nhận được khoản tiền thanh toán đầy đủ và đã thực hiện nghĩa vụ giao nhà; bên mua cũng đã nhận căn nhà và đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, đến năm 2013, giữa Công ty TNHH Kim Lân do ông Hàn Anh Tuấn làm Giám đốc với Công ty TNHH Nhật Linh xảy ra tranh chấp công nợ. Công ty TNHH Nhật Linh có công văn gửi Công ty Toàn Thịnh Phát với nội dung thay đổi số tiền 1.907.600.000 đồng không còn là tiền thanh toán mua nhà cho ông Tuấn nữa. Không hiểu sao, Công ty Toàn Thịnh Phát đã chấp nhận ý kiến này của Công ty TNHH Nhật Linh và ban hành công văn gửi ông Tuấn có nội dung coi như ông Tuấn chưa thanh toán tiền nhà (!?).

Nhà đã mua nhưng bị “niêm phong” ở Đồng Nai: Có dấu hiệu công nhiên chiếm đoạt tài sản

Khối bê tông lớn chặn cổng ra vào ngôi nhà đã bị hàn

Dĩ nhiên, trước việc làm nêu trên của Công ty Toàn Thịnh Phát, ông Tuấn không thể đồng ý và đã có văn bản thông báo ý kiến về vi phạm này. Trong khi vụ việc chưa được các bên giải quyết hoặc cơ quan nào giải quyết và lúc gia đình ông Tuấn vắng mặt, ngôi nhà này bị phá khoá, niêm phong lại. Người đại diện của ông Tuấn đã trình báo toàn bộ sự việc này tại Công an phường Long Tân Bình và cho biết, ông Tuấn sẽ tố cáo đến cơ quan bảo vệ pháp luật hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở, niêm phong, khóa nhà không cho ai ra vào và công nhiên chiếm đoạt nhiều tài sản có giá trị lớn của gia đình ông Tuấn.

Theo Luật sư Chu Minh Đức thì ông Tuấn chỉ ủy quyền cho Công ty TNHH Nhật Linh thay mình thanh toán tiền mua nhà và trên thực tế, Công ty TNHH Nhật Linh đã thực hiện xong, đúng với ủy quyền rồi. Việc này thể hiện rõ tại văn bản ngày 15/10/2013, ông Võ Thanh Lâm là Giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát đã ký tên, đóng dấu công ty xác nhận việc Công ty TNHH Nhật Linh đã thanh toán đủ số tiền theo thỏa thuận tại khoản 2 Điều 4 của hợp đồng mua bán nhà. Ngoài ra, ông Tuấn không ủy quyền cho Công ty TNHH Nhật Linh ký công văn thay đổi gì về nội dung tiền thanh toán. Do đó, việc sau khi đã thực hiện xong ủy quyền, Công ty TNHH Nhật Linh lại có công văn tự ý thay đổi nội dung tiền đã thanh toán là làm một việc không được ủy quyền. Mặt khác, Công ty Toàn Thịnh Phát là một bên tham gia ký hợp đồng đã hiểu rõ nội dung phạm vi ủy quyền mà lại chấp nhận theo Công ty TNHH Nhật Linh làm một việc không được ủy quyền là điều đáng tiếc vì vừa thực hiện không đúng pháp luật về hợp đồng mua bán, vừa thiệt hại quyền lợi của mình.

Luật sư Đức khẳng định, hành vi tự ý niêm phong nhà bằng việc hàn cổng, dùng tảng bê tông lớn chặn lối ra vào nhà… của Công ty Toàn Thịnh Phát là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại đến tài sản, chỗ ở của công dân. Nhà đã bán, đã nhận đủ tiền theo hợp đồng, đã bàn giao cho người mua thì chỉ người mua mới có quyền định đoạt từ sửa chữa, đến mua bán...

Việc tranh chấp (nếu có) giữa Công ty TNHH Nhật Linh và Công ty TNHH Kim Lân không hề liên quan gì đến hợp đồng mua bán nhà này và sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác. Kể cả trường hợp, nếu ông Tuấn còn nợ tiền, chưa thanh toán đủ nhưng nhà đã bàn giao cho ông Tuấn thì Công ty Toàn Thịnh Phát cũng phải công nhận, tôn trọng quyền sở hữu này. Nếu ông Tuấn vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì có thể khởi kiện, buộc ông Tuấn thực hiện nghĩa vụ này chứ không thể tự ý tổ chức "cưỡng chế" tước đoạt quyền sở hữu nhà cũng như xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản khác của ông Tuấn.

Chúng tôi sẽ thông tin về diễn biến tiếp theo của vụ việc hy hữu này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đã mua nhưng bị “niêm phong” ở Đồng Nai: Có dấu hiệu công nhiên chiếm đoạt tài sản