Luật công chứng: Quyết định "vênh" với Luật

Quỳnh My – Minh Châu| 04/11/2015 22:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 05/10/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4931/QĐ quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Quyết định này có phần không đồng nhất với Luật Công chứng.

Theo Điều 4, Quy định ban hành kèm theo Quyết định 4931/QĐ-UBND của UBND TP HCM, thì trong giai đoạn công chứng viên lập hồ sơ Đề án trình Hội đồng và Chủ tịch UBND TP HCM xét duyệt để thành lập văn phòng công chứng yêu cầu về Trụ sở của Văn phòng công chứng như sau: “Trụ sở thuộc sở hữu của công chứng viên hợp danh hoặc có hợp đồng thuê, mượn hợp lệ có thời hạn từ 5 (năm) năm trở lên…” . Nhưng điều này khi so sánh với Luật Công chứng 2014 lại không khớp.

Cụ thể, tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Luật Công Chứng 2014 đã tách bạch làm 2 giai đoạn rõ rệt, ở giai đoạn xây dựng Đề án thành lập văn phòng công chứng thì mới chỉ quy định“dự kiến… địa điểm đặt trụ sở…” (khoản 1 Điều 23), nhưng ở giai đoạn đã có giấy phép thành lập văn phòng hợp lệ rồi, làm thủ tục đăng ký hoạt động mới yêu cầu “giấy tờ chứng minh về trụ sở...” (khoản 4 Điều 23).

Việc Quyết định của UBND TP HCM yêu cầu trong giai đoạn nộp hồ sơ công chứng viên phải có trụ sở thuộc sở hữu hoặc phải có hợp đồng thuê, mượn có thời hạn từ 5 năm trở lên thực tế dường như “quá sức” so với đa phần công chứng viên. Vì, xét về mặt bằng chung của xã hội hiện nay cho thấy, có rất ít công chứng viên đã có trụ sở ở mặt tiền đường lớn có diện tích khoảng trên 300m2 tối thiểu để mở văn phòng. Như vậy, chỉ có những công chứng viên có điều kiện kinh tế lớn mới có thể thực hiện được, còn đối với các công chứng viên khác không có trụ sở phải đi thuê và nếu thời gian thuê tối thiểu từ 5 năm trở lên kéo theo kinh phí đặt cọc thuê nhà cũng không hề nhỏ, đây là trở ngại lớn cho những công chứng viên chập chững bước vào nghề.

Mặt khác, việc đã đặt cọc tiền thuê nhà rồi nhưng vẫn chưa chắc công chứng viên đã đảm bảo đủ điều kiện xét duyệt để được thành lập văn phòng dễ dẫn đến trường hợp “mất cọc” vì không thành lập được văn phòng công chứng, gây lãng phí cũng như tâm lý bất an cho công chứng viên khi đầu tư vào nghiệp công chứng.

Quyết định số 4931/QĐ quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng năm 2015 của UBND TP Hồ Chí Minh

Quyết định số 4931/QĐ quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng năm 2015 của UBND TP Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, quy định về tính điểm trong xét duyện hồ sơ ảnh hưởng không nhỏ đến việc công chứng viên có được cơ quan chức năng cho phép thành lập văn phòng công chứng hay không. Khoản 2 Điều 15 Quyết định số 4931/QĐ-UBND của UBND TP HCM quy định về những đối tượng không được tính điểm khi xét duyệt, trong đó có trường hợp “Nhân sự đã tham gia các hồ sơ thành lập văn phòng công chứng được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thành lập năm 2013,...” thì không được tính điểm.

Về thuật ngữ, “nhân sự” của văn phòng công chứng có thể hiểu là bao gồm cả công chứng viên, thư ký, người lao công, văn thư, lưu trữ, kế toán, thủ quỹ… Thực tế, rất nhiều trường hợp nhân sự làm việc tại văn phòng công chứng trong thời gian làm tại văn phòng có thể đi học nghề công chứng với mong muốn mở văn phòng công chứng riêng. Nếu theo như Quyết định của UBND TP HCM thì rõ ràng, những đối tượng này thuộc vào trường hợp không được tính điểm khi xét duyệt hồ sơ, và đương nhiên sẽ bị hạn chế quyền thành lập văn phòng công chứng.

Vậy là văn bản dưới luật được ban hành bới UBND TP HCM đã mâu thuẫn với Luật Công chứng 2014. Tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ: “công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng” hoàn toàn khác với Công chứng viên thôi làm trưởng văn phòng,

Việc cấm Công chứng viên thôi làm trưởng văn phòng không thành lập văn phòng mới trong thời hạn 5 năm là trái với quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí xét duyệt hồ sơ, thiếu tính chính xác, khách quan, công bằng, ảnh hưởng lớn tới sự cạnh tranh giữa các Văn phòng công chứng. Thậm chí, sẽ gây làn sóng phản hồi tiêu cực từ dư luận, gây khó khăn cho quá trình xã hội hóa công chứng của nước ta trong giai đoạn này.

Mục đích của Luật Công chứng 2014 nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng thông qua việc thu hút được nhiều công chứng viên tham gia thành lập văn phòng công chứng, mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động của nghề công chứng nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu giao dịch… của nhân dân. Tuy nhiên, một số quy định tại Quyết định số 4931/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 của UBND TP HCM lại quá “vênh” so với quy định của luật gốc – Luật Công chứng năm 2014, và dường như chưa phù hợp với thực tế, làm hạn chế đi quyền hành nghề của nhiều công chứng viên vì không đủ điều kiện về kinh tế, hạn chế quyền thành lập văn phòng công chứng của các nhân sự trong văn phòng và những điều này vô hình chung đã đi ngược với chủ trương xã hội hóa về hoạt động công chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật công chứng: Quyết định "vênh" với Luật