Khánh kiệt vì đeo đuổi vụ án dai dẳng

Sơn Tùng| 22/03/2016 17:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

5 năm đeo đuổi một vụ án đã khiến một người đàn ông, là người bị hại trong vụ án mệt mỏi, khánh kiệt, cuộc sống đảo lộn.

Như Báo Công lý đã thông tin trước đó, tại phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 14/3, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Quá bức xúc, ông Nguyễn Khắc Hiếu (SN 1956, ngụ thôn Phương Tân, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính hội trường, đập móp cửa chính của tòa.

Đến sáng ngày 15/3, ông Hiếu tiếp tục đến trụ sở TAND tỉnh Quảng Nam đập vỡ bàn kính phía trước sảnh, gây náo loạn khiến lực lượng chức năng phải có mặt can thiệp.

Có mặt tại nhà ông Hiếu, rất nhiều người dân trong thôn tỏ ra bức xúc. Theo họ, vụ án kéo dài quá lâu khiến những người trong cuộc mỏi mệt, cuộc sống bị đảo lộn, thỉnh thoảng lại phải làm việc với cơ quan điều tra, nhận lên tòa rồi lại hoãn, công ăn việc làm thường xuyên bị gián đoạn.

Khánh kiệt vì đeo đuổi vụ án dai dẳng

Ông Nguyễn Khắc Hiếu tại phiên tòa phúc thẩm

Tội nhất là phía bị hại, sau khi vụ án xảy ra, gia đình ông Hiếu lâm vào cảnh khó khăn. Thời điểm ông Hiếu nằm viện điều trị, người con trai lớn đang học cao đẳng phải bỏ giữa chừng để chăm sóc cha. Ông Hiếu vốn rất khỏe mạnh, làm nghề đi biển để nuôi sống gia đình, sau khi bị thương tích, ông không còn sức lao động, chân tay bị liệt một bên, mọi sinh hoạt phải nhờ vào người thân.

Từ ngày chồng bị nạn, bà Tăng Thị Toàn (vợ ông Hiếu) phải đi làm nghề giúp việc nuôi sống gia đình. Để có tiền chạy chữa sau khi bị đánh, ông Hiếu đã phải bán đất và vay mượn tiền nhiều nơi, số nợ hàng trăm triệu đồng đến nay vẫn chưa trả được.

Chị Tăng Thị Chinh (SN 1975, ngụ thôn Phương Tân) cho biết, khi ông Hiếu bị đánh trọng thương, chị đã cho mượn 50 triệu đồng, đã 5 năm trôi qua, thấy gia cảnh ông Hiếu tội nghiệp, chị cũng không nỡ đòi. Khi hay tin tòa sơ thẩm tuyên án, chị Chinh mừng thầm vì các bên được yên thân, ông Hiếu cũng có tiền để trả lại cho chị, nào ngờ, tòa phúc thẩm lại tuyên trả hồ sơ, chị lại phải tiếp tục chờ trong sốt ruột.

Theo hồ sơ, ông Hiếu là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra cách đây 5 năm. Tối ngày 8/11/2011, ông Hiếu và ông Trịnh Xuân Hiền (SN 1964, trú cùng thôn) có mâu thuẫn với nhau. Đến rạng sáng ngày 9/11/2011, ông Hiền gọi 3 người hàng xóm là Nguyễn Thanh Cường (SN 1991), Hoàng Tấn Quốc (SN 1989) và ông Nguyễn Cân (SN 1962, cha của Cường) dùng đèn pin, tuýp sắt vây đánh khiến ông Hiếu bị chấn thương sọ não, vỡ bàng quan, đứt dây chằng chéo chân trái, tỷ lệ thương tật 41%.

Sau khi Công an huyện Thăng Bình có kết luận điều tra, từ năm 2014, TAND huyện đã nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng các phiên tòa đều tạm hoãn do thiếu nhân chứng hoặc trả hồ sơ vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đến ngày 5/11/2015, TAND huyện Thăng Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên.

Theo nội dung bản án số 47/2015/HSST, đêm 8/12/2011 rạng sáng ngày 9/12/2011, khi ông Hiếu cầm rựa trèo rào vào nhà ông Hiền thì ông Hiền điện thoại cho Cường và nói: “Ông Hiếu vào nhà giết chú, con qua cứu chú với”. Cường lúc này đang ngủ nhờ nhà Quốc nên rủ Quốc đi cùng. Quốc đồng ý và cầm đèn pin rồi đi cùng Cường về hướng nhà ông Hiền. Khi gần đến nơi, hai người nhìn thấy ông Hiếu từ hướng nhà ông Hiền chạy ra, tay cầm đá ném về phía họ.

Lúc này, Cường chạy về nhà lấy một đoạn tre dài 1,2m đem đến, cùng Quốc đi đến ngã tư thì gặp ông Hiền tay cầm tuýp sắt hình chữ nhật và một cái đèn pin. Ông Hiền nói: “Đi tìm ông Hiếu đánh, có gì chú lo”. Ông Hiền, Cường cùng Quốc đi tìm ông Hiếu thì phát hiện ông Hiếu đang nấp trong gò mả phía sau nhà ông Đạt ở cùng thôn, sau đó chạy vào nhà vệ sinh tạm của bà Nhi.

Tại đây Quốc rọi đèn pin cho Cường đi sát lại, đạp tấm tôn bao quanh nhà vệ sinh, mục đích là để nhìn thấy ông Hiếu. Ông Hiền ném đá vào nhà vệ sinh nhiều lần, còn ông Hiếu thì ném vỏ chai về phía ông Hiền. Khi Cường đạp tấm tôn trên mái nhà vệ sinh tạm thì ông Hiếu bước ra, cầm rựa giơ lên nhưng chẳng may vướng dây điện nên ngã xuống đất.

Ngay lúc đó, ông Hiền xông đến nhặt rựa vứt đi và cầm tuýp sắt đánh vào đầu ông Hiếu một cái với lực mạnh, Cường cũng xông vào đánh ông Hiếu. Sau khi đánh ông Hiếu lần thứ nhất, ông Hiền tiếp tục đưa tuýp sắt cho Cường và nói: “Đánh cho ổng què cặp giò luôn đi, để ổng khỏe lại thì ổng quậy chịu không nổi”. Ông Hiền còn hứa hẹn với Cường: “Đánh đi, có gì chú lo”.

Khánh kiệt vì đeo đuổi vụ án dai dẳng

 Từ chỗ là trụ cột, ông Nguyễn Khắc Hiếu trở thành gánh nặng cho gia đình

Xét thấy hành vi của ông Hiền và Cường đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 BLHS, HĐXX đã tuyên phạt ông Hiền 5 năm tù và Cường 2 năm tù. Cường và ông Hiền, mỗi người phải bồi thường cho bị hại gần 91 triệu đồng. Ngoài ra, Quốc với vai trò giúp sức (rọi đèn pin cho các bị cáo đánh ông Hiếu) cũng bị Tòa sơ thẩm buộc bồi thường cho bị hại gần 91 triệu đồng. Cho rằng mức án quá nhẹ, bị hại Hiếu kháng cáo. Trong khi đó, ông Hiền và Cường cũng kêu oan và kháng cáo.

Theo nhiều người dân địa phương nhận định, sở dĩ vụ án dai dẳng và bị hoãn nhiều lần là do quá trình tiếp nhận hiện trường, Công an xã Bình Nam lúc bấy giờ đã không lập biên bản ban đầu của sự việc khiến công tác điều tra gặp khó khăn, nhiều vật chứng không thu hồi được. Khi vụ án càng kéo dài, sự việc đi vào quên lãng nên việc điều tra lại mỗi ngày một khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh kiệt vì đeo đuổi vụ án dai dẳng