Huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông: Khi hiệu lực bản án chỉ nằm trên giấy

Minh Thịnh| 02/08/2016 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong vòng 9 năm, nhận 214 giấy mời, giấy triệu tập làm việc để giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng; xe chạy quãng đường 100.000km..., nhưng kể từ sau 2 năm bản án có hiệu lực, chính quyền sở tại vẫn chưa thi hành.

Đó là thực trạng diễn ra đối với Công ty TNHH Nam Thuận (Công ty Nam Thuận), đóng tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 26/9/1997 của UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) về thu hút nguồn đầu tư các thành phần kinh tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội nơi vùng sâu vùng xa, Công ty TNHH Nam Thuận đã tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong) với diện tích trên 250 ha.

Sau nhiều năm tập trung đầu tư phát triển, công ty đã trồng 145 ha cà phê, hàng chục ha cây rừng nguyên liệu, luồng, lát hoa cùng với các loại cây ăn quả; chăm sóc phát triển 48 ha rừng tự nhiên. Công ty đã xây dựng nhà cửa, làm trên chục km đường nội bộ, xây dựng 7 công trình thủy lợi nhỏ, hồ đập nhỏ phục vụ sinh hoạt và sản xuất các loại cây trồng.

Ngày 26/9/2007, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định về việc thu hồi 1.196 ha đất của các chủ sử dụng để xây dựng vùng tái định cư công trình thủy điện Đồng Nai 3; trong đó, doanh nghiệp Nam Thuận bị thu hồi 214 ha đất là vùng cây công nghiệp và rừng trồng thuộc tiểu khu 1769, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong.

Năm 2008, doanh nghiệp chỉ được bồi thường 81 ha đất trồng cà phê và rừng nguyên liệu, còn lại 133 ha đất bao gồm đất trồng cà phê, rừng nguyên liệu, đường sá, nhà cửa, hồ đập... đã được doanh nghiệp và các cơ quan chức năng kiểm kê với các biên bản được lập năm 2007 đến năm 2008, nhưng khi ra quyết định đền bù, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (vào thời điểm đó) lại chỉ căn cứ vào biên bản phúc tra hiện trạng rừng và cho rằng đây là rừng lồ ô, tre nứa, UBND huyện không đền bù, mà chỉ hỗ trợ tiền khai hoang cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khiếu nại, việc chưa ngã ngũ nhưng UBND huyện Đắk Glong để Ban quản lý thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) san ủi toàn bộ mặt bằng bất chấp việc không đồng ý của doanh nghiệp.

Huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông: Khi hiệu lực bản án chỉ nằm trên giấy

Một góc Khu tái định cư Đắk Plao của Thủy điện Đồng Nai 3 được xây dựng trên vùng đất giải tỏa của Công ty TNHH Nam Thuận.

Trước tình hình đó, ngày 7/4/2010, TAND huyện Đắk Glong đã ra Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu Ban quản lý thủy điện 6 không thực hiện bất kỳ hành vi nào làm thay đổi hiện trạng đất và tài sản đầu tư trên đất của doanh nghiệp Nam Thuận trong vùng dự án thuộc tiểu khu 1769 "nhằm tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được" (trích Quyết định của Tòa án).

Quyết định trên có hiệu lực ngay và được thi hành bởi Thi hành án dân sự huyện. Nhưng bất chấp các quyết định của pháp luật, Ban quản lý thủy điện 6 và Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong vẫn để cho đơn vị thi công san ủi hủy hoại tài sản trên đất của doanh nghiệp Nam Thuận.

Nhận thấy việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất chỉ căn cứ vào biên bản phúc tra hiện trạng rừng của huyện Đắk Glong không đúng theo quy định tại Điều 55, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ nên trong vụ doanh nghiệp Nam Thuận kiện Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, TAND huyện, rồi sau đó TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử phúc thẩm và tuyên hủy Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong phần đền bù, hỗ trợ cho doanh nghiệp này.

Mặc dù bản án phúc thẩm có hiệu lực, nhưng UBND huyện Đắk Glong tìm đủ mọi lý do để lẩn tránh và gây khó khăn việc bồi thường về giải phóng mặt bằng vùng đất canh tác Công ty TNHH Nam Thuận.

Trong những cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông, Huyện ủy Đắk Glong và các ngành chức năng đã nhiều lần xem xét và có ý kiến chỉ đạo, đốc thúc UBND huyện Đắk Glong thực hiện đúng sự việc trên theo tinh thần Nghị định 84 và Nghị định 69 của Chính Phủ.

Gần đây, HĐND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản số 21/HĐND-VP và công văn số 79/HĐND-VP gửi Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chỉ đạo việc giải quyết sự việc trên. Suốt thời gian dài doanh nghiệp phải rất nhiều lần đến UBND huyện để giải quyết việc đền bù giải phóng mặt bằng nhưng huyện cố né tránh và tìm cách kéo dài không giải quyết.

Một doanh nghiệp đã đầu tư trên trăm tỉ đồng phát triển kinh tế nơi vùng sâu, vùng xa heo hút theo chủ trương của Nhà nước là sự đóng góp đối với địa phương, nhưng lại chịu sự bất công trong bồi thường tài sản bị giải tỏa. Đã hơn 2 năm, doanh nghiệp đòi hỏi tiền bồi thường theo đúng bản án đã tuyên nhưng chưa được giải quyết, trong khi nguồn vốn đầu tư tái sản xuất của doanh nghiêp không có, hàng loạt công nhân không có việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Vụ việc ngày càng thêm phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp trong khi các biên bản kiểm kê, văn bản quan trọng nhất có tính quyết định đến việc đền bù của doanh nghiệp đã nộp cho huyện Đắk Glong đến nay đã "không cánh mà bay".

Đến khi nào bản án có hiệu lực mới được chính quyền sở tại thi hành để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật? Xin chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan giám sát ở tỉnh Đắk Nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông: Khi hiệu lực bản án chỉ nằm trên giấy