Gia Lai: Lấn rừng làm rẫy, Ban Quản lý làm ngơ?

Nhật Khánh - Trần Sỹ| 14/05/2016 12:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vài năm trở lại đây, rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông-Gia Lai), ngày càng bị thu hẹp. Trong khi người dân vô tư “xẻo rừng” thì Ban Quản lý (BQL) rừng dường như vẫn làm ngơ trước thực trạng này.

Ban Quản lý làm ngơ để người dân chặt phá rừng?

Các tiểu khu: 917; 922; 933; 930 và 935 thuộc BQL rừng phòng hộ Ia Puch – huyện Chư Prông, là một trong những điểm nóng của nạn phá rừng nghiêm trọng trong 5 năm trở lại đây. Những cây to và dài đến hàng chục mét thì số bị xẻ để lấy gỗ, số bị đốn hạ nằm ngổn ngang hai bên đường khiến cho khu rừng tan hoang hơn bao giờ hết. Phía trong, đất đã được chuyển đổi để giao cho các tập đoàn, công ty lớn trồng cao su, xây dựng lán trại…

Gia Lai: Lấn rừng làm rẫy, Ban Quản lý làm ngơ?

Ông Phan Quốc Huy, Phụ trách BQL rừng phòng hộ Ia Puch trao đổi với PV

Ông Phan Quốc Huy, Phụ trách BQL rừng phòng hộ Ia Puch cho biết, hầu hết số diện tích rừng bị phá đều trước năm 2014, thời điểm mà ông chưa làm phụ trách ở đây.

Theo ông, toàn bộ đất rừng hiện tại sẽ theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 do tỉnh phê duyệt. Nói vậy nghĩa là, những khu rừng hàng chục hecta bị đốn hạ từ năm 2014 trở về trước sẽ không được coi là đất rừng nữa. Đơn cử như việc người dân đốn hạ hàng hecta rừng cách trụ sở mới của BQL rừng phòng hộ khoảng 200m, sẽ không được coi là đất rừng nữa mà chuyển qua “đất rẫy giữa rừng”. 

“Ngày xưa là đất rừng, nhưng từ sau 2014 đến nay, không phải đất rừng nữa, đây gọi là nương rẫy của người dân canh tác", ông Huy cho biết đồng thời lý giải, vì xung quanh là đất rừng nên ông gọi đó là “đất rẫy giữa rừng”.

Câu trả lời giống như sự thừa nhận để cho những hộ gia đình đã phá rừng tiếp tục canh tác trên hàng chục hecta đã đốn hạ, bất kể đó là ở rìa hay là nằm giữa rừng. Việc phá rừng từ năm 2014 trở về trước được thừa nhận là đất rẫy và nó thuộc về người dân tự do canh tác dường như là minh chứng cho sự yếu kém và buông lỏng quản lý của những người canh giữ rừng.

Chính do sự buông lỏng đó nên hàng năm ở Gia Lai, hàng chục hecta rừng lại bị đốn hạ. Chỉ tính riêng diện tích đất rừng của BQL rừng phòng hộ Ia Puch quản lý trong ba năm, từ khi ông Huy tiếp nhận quản lý cho đến nay cũng đã mất rất nhiều. 

Ngoài ra, trong cách lý giải của ông Huy đối với vụ phá hoại 2,3 hecta rừng làm nương rẫy của 13 hộ dân thuộc Tiểu khu 933 vào đầu năm 2016 cho thấy thái độ thái độ bàng quan trước những vụ phá rừng vẫn xảy ra. Theo ông Huy: “Người dân chủ yếu phá rừng vào ban đêm, sát với đất rẫy của họ. Tổng diện tích rừng bị phá 2,3 hecta là ít. Chúng tôi đã có mặt kịp thời, lập biên bản và phối hợp với các ban ngành liên quan để yêu cầu dừng ngay việc dùng đất rừng làm nương rẫy…”.

Gia Lai: Lấn rừng làm rẫy, Ban Quản lý làm ngơ?

Một phần của khu “đất rẫy giữa rừng” 

Cần xử lý nghiêm với những người để "mất rừng"

Tại địa điểm mà ông Phan Quốc Huy khẳng định là trong vòng 3 năm trở lại đây, không có tình trạng cây rừng bị đốn hạ dọc theo hai bên đường thuộc Tiểu khu 933, chúng tôi bắt gặp một cây gỗ to, cao khoảng 30m đã bị đốn hạ và được chia làm ba khúc dài, nhựa cây chảy ra vẫn còn rất mới.

Quan sát xung quanh thấy số lượng cây gỗ to chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cách đó khoảng 5km, đi về hướng Quốc lộ 14C, gỗ được đốn hạ nằm ngổn ngang hai bên đường. Phân trần về vấn đề này, ông Huy cho biết: "Đây là số gỗ được chặt hạ để làm đường và nằm trên đường dây điện đi qua, nó cũng được đốn hạ từ trước".

Được biết, sau khi làm đường tỉnh lộ xong, chạy dọc theo con đường mỗi bên có 100m đất rừng do BQL rừng phòng hộ Ia Puch quản lý. Trong lúc đường điện chỉ chạy dọc một bên, còn một bên không bị ảnh hưởng gì nhưng những cây to đều bị đốn hạ không biết từ lúc nào, chỉ biết tới giờ gốc đã trơ trụi giữa những thân cây trải dài xung quanh.

Mới đây, vụ phá rừng tại huyện Krông Pa đã được đưa ra xét xử. Theo cơ quan chức năng cho biết: Từ tháng 3 đến tháng 9/2015, Ka Sor Y Tet sử dụng cưa xăng vào khu vực rừng sản xuất của xã Ia Hdreh, thuộc vị trí lô 7, 21, khoảnh 5, 8, Tiểu khu 1430 chặt phá, đốt cây rừng lấy đất làm rẫy với tổng diện tích rừng bị phá là 6.380 m2, gây thiệt hại tổng số tiền trên 338 triệu đồng.

Còn Ksor Lớ từ tháng 2 đến tháng 5/2015, đã dùng cưa máy và dao quắm chặt hạ 7.690 m2 rừng sản xuất thuộc lô 10, khoảnh 7, Tiểu khu 1430 do UBND xã Ia Hdreh quản lý để lấy đất làm rẫy. Hành vi chặt phá rừng của Ksor Lớ gây thiệt hại về lâm sản trên 54 triệu đồng và gây thiệt hại về môi trường với tổng số tiền trên 163 triệu đồng. Xét thấy hành vi trên của hai đối tượng đe dọa đến môi trường và khu sinh thái nên HĐXX TAND huyện Krông Pa đã tuyên phạt mỗi đối tượng 6 tháng tù giam.

Gia Lai: Lấn rừng làm rẫy, Ban Quản lý làm ngơ?

Gốc và thân cây gỗ vừa bị đốn hạ

Vấn đề đặt ra ở đây, bất kể là người phá rừng hay người trông giữ đất rừng để tình trạng “rừng mất trắng” cũng cần phải được xử lý nghiêm minh.

Thiết nghĩ, để rừng không còn “chảy máu”, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần phải kiểm kê diện tích đất rừng thường xuyên và nâng mức xử phạt thích đáng cho những đối tượng phá rừng, cũng như những cán bộ tham gia quản lý và bảo vệ rừng nhưng không làm hết trách nhiệm để mất rừng, nhằm tăng tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó mới mong công tác bảo vệ rừng được thực thi tốt hơn. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Lấn rừng làm rẫy, Ban Quản lý làm ngơ?