Đông Anh, Hà Nội: Có hay không việc bao che sai phạm?

Tống Toàn| 27/10/2014 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ năm 2012, TP. Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác này.

Tuy nhiên, ở cánh đồng Dành (thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do người dân cho rằng nhiều vi phạm về đất đai tại đây chưa được giải quyết.

Thuê, mượn ruộng rồi tự ý đào ao thả cá

Tập thể 51 hộ dân do bà Phạm Thị Sáu (trú thôn Châu Phong, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) đứng đơn tố cáo UBND xã Liên Hà buông lỏng quản lý đất đai để ông Nguyễn Hữu Nam, chủ trang trại Việt Cường, đã chuyển mục đích, sử dụng đất bất hợp pháp của các hộ trên tại cánh đồng Dành. Tuy nhiên, suốt thời gian dài phản ánh nhưng cơ quan chức năng đã không giải quyết dứt điểm và có dấu hiệu bao che.

Theo phản ánh của người dân, năm 2002, ông Nguyễn Hữu Nam có mượn và thuê của 51 hộ dân thôn Châu Phong khoảng 17.500m2 đất tại đồng Dành quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng lúa 2 vụ, được chia theo Nghị định số 64-CP và tất cả đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Khi đó, việc cho mượn, thuê này có Trưởng thôn Châu Phong cũ là ông Phạm Văn Đồi (Trưởng thôn Châu Phong thời điểm đó) đi vận động và tất cả ký chung vào một tờ giấy, người dân chỉ biết cho mượn, thuê đất, còn việc sử dụng đất là trách nhiệm của ông Nguyễn Hữu Nam. Nhưng, sau khi mượn, thuê được đất, ông Nguyễn Hữu Nam đã tự ý đào ao thả cả và làm trang trại nuôi gia súc, gia cầm.

Đông Anh, Hà Nội: Có hay không việc bao che sai phạm?

Giữa cánh đồng đất lúa hai vụ có một trang trại như thế này tồn tại (X)

Để bao biện cho việc làm của mình, ông Nguyễn Hữu Nam đã viện vào Thông báo số 33/TB-UB ngày 21/2/2005 của UBND huyện Đông Anh, trong đó có thể hiện UBND huyện đã đồng ý về mặt chủ trương cho ông Nguyễn Hữu Nam sử dụng đất nông nghiệp đã giao cho các gia đình ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà để làm trang trại. Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản đồng ý về mặt chủ trương, nếu muốn sử dụng vào mục đích làm trang trại chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản ông Nguyễn Hữu Nam phải thực hiện đúng quy định tại khoản 3, Điều 82 Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là đất chuyên trồng lúa nước, ông Nguyễn Hữu Nam chưa hề thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Hơn nữa, để có được Thông báo số 33/TB-UB này ông Nguyễn Hữu Nam đã móc nối và thông đồng với ông Phạm Văn Đồi  lập báo cáo trình lên UBND xã Liên Hà sai về loại đất.

Thôn, xã buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho sai phạm?

Ngoài việc tố cáo cá nhân ông Nam, người dân thôn Châu Phong cho rằng, Điều 15 Luật Đất đai 2003 (nay là khoản 8, Điều 12 Luật Đất đai 2013) có nêu: “Nhà nước nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai”. Tuy nhiên, những người đại diện cho thôn Châu Phong và xã Liên Hà khi ấy lại có hành vi lạm dụng chức vụ để làm trái các quy định về quản lý đất đai.

Đó chính là việc ông Phạm Văn Đồi có hành vi lập báo cáo (đất hai vụ thành đất một vụ lúa) trình lên UBND xã Liên Hà sai về loại đất. UBND xã Liên Hà hoàn toàn biết rõ sự việc nhưng không có biện pháp xử lý mà tiếp tục lập Báo cáo trình lên UBND huyện Đông Anh về dự án trang trại của ông Nguyễn Hữu Nam. Điều này thể hiện rất rõ ở thời điểm ngày 25/1/2005, ông Ngô Văn Lệ (khi đó là Chủ tịch UBND xã Liên Hà) tại hội nghị tư vấn thẩm định dự án đầu tư của huyện Đông Anh về đề nghị phê duyệt dự án đầu tư trang trại chăn nuôi, gia súc - gia cầm - thủy sản của ông Nguyễn Hữu Nam báo cáo 17.500m2 đất trên là loại đất trồng lúa 1 vụ/năm, bà Phạm Thị Sáu cho biết.

Để làm rõ vấn đề người dân băn khoăn, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND xã Liên Hà, UBND huyện Đông Anh nhiều tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong trường hợp này, nếu người dân có đất đã được cấp GCNQSDĐ, đất đang trong thời hạn sử dụng và không có tranh chấp thì được thỏa thuận cho mượn, cho thuê; pháp luật không cấm. Tuy nhiên, việc cho mượn, cho thuê phải được công chứng hoặc chứng thực và bên mượn, thuê phải sử dụng đất đúng mục đích. Đối với đất chuyên trồng lúa nước nay muốn chuyển sang đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu chưa làm thủ tục chuyển đổi mà tự ý sử dụng vào mục đích khác thì đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2009/NĐ-CP. Và, đây là hành vi bị cấm cả theo Luật Đất đai 2003 trước đây và Luật Đất đai 2013 hiện nay, ông Thạch khẳng định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh, Hà Nội: Có hay không việc bao che sai phạm?