Cơi nới tại 93 Hàng Chiếu, Hà Nội: Phớt lờ quy định về bảo tồn phố cổ

06/11/2014 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một ngôi nhà gạch hai tầng lợp ngói có tuổi thọ gần 100 năm tuổi tại số 93 Hàng Chiếu, trong lòng khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 của Khu phố cổ Hà Nội đang bị sụt lún, nứt toác do nhà cổ đã không “cõng” được hai tầng người ta xây thêm trên nó...

Ngang nhiên “chồng tầng” giữa phố cổ

Trao đổi với PV, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà cho biết: Ngôi nhà cổ ở số 93 phố Hàng Chiếu gồm hai tầng, mái ngói, tường gạch, được xây từ thời Pháp thuộc, đã có gần 100 năm tuổi. Gia đình chị Hà sở hữu tầng 1 với 26,6m2. Gia đình bà Vũ Thị Lan ở tầng 2. Năm 2001 bà Lan đã tự ý cơi nới, dỡ mái ngói cổ để đổ trần bê tông rồi xây chồng tầng 3 lợp mái tôn. Khi đó bà Lan đã bị khiếu nại, nhưng không hiểu sao công trình xây trái phép vẫn được giữ nguyên.

Đến tháng 9/2014, nhà bà Lan lấy lý do trần và tường tầng 2+3 bị ẩm mốc để làm đơn xin UBND phường Đồng Xuân cho phép thay mái tôn cũ hỏng bằng mái tôn mới, nhưng không nói gì với gia đình chị Hà. Sau đó, bà Lan dỡ mái tôn tầng 3, đổ trần bê tông để xây tiếp lên tầng 4 và lợp mái tôn. Chị Hà khẳng định, việc xây “chồng tầng” này hoàn toàn sai với đơn xin sửa chữa ban đầu, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị và quy định về bảo tồn phố cổ Hà Nội. Vì nhà cổ móng cũ chỉ đủ chịu tải hai tầng như thiết kế, nên khi phải “cõng” thêm hai tầng nữa, nhà bắt đầu lún sụt.

Cơi nới tại 93 Hàng Chiếu, Hà Nội: Phớt lờ quy định về bảo tồn phố cổ

Nhà 93 Hàng Chiếu đang xây dựng trái phép tầng 4

Theo quan sát của chúng tôi, tại tầng 1, nơi gia đình chị Hà đang sinh sống xuất hiện nhiều vết nứt lớn và dài. Có một vết nứt dài 2,5 m phía tường sau nhà và một vết dài 1m song song, cắt chéo bức tường tầng 1 của gia đình chị. Theo chị Hà, hiện tượng lún, nứt này vẫn đang diễn ra, uy hiếp tính mạng và tài sản của gia đình chị. Được biết, ngay khi gia đình bà Lan khởi công xây dựng trái phép tầng 4, ngày 15/10/2014 gia đình chị Hà đã có đơn thư tố cáo gửi UBND phường Đồng Xuân, đề nghị đình chỉ thi công. Sau đó, có cán bộ Thanh tra xây dựng xuống nhà bà Lan kiểm tra hiện trạng.

Ngày 22/10/2014, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, đã chủ trì một cuộc đối thoại với hai gia đình. Biên bản cuộc họp ghi nhận việc gia đình bà Lan tự ý nâng cao mái mới và làm sàn ở vị trí mái cũ là sai phạm, không được UBND phường đồng ý cho xây dựng. Yêu cầu bà Lan phải cho gia đình chị Hà và cán bộ của phường lên kiểm tra hiện trạng xây dựng trái phép, đồng thời phải khắc phục nguyên trạng cũ, bằng cách hạ mái tôn mới xuống sát mặt sàn ở vị trí mái tầng 3 cũ. Ngoài ra, gia đình bà Lan phải mời các cơ quan giám định chuyên môn kiểm tra chất lượng móng nhà 93 Hàng Chiếu. Tuy nhiên, sau cuộc họp này, bà Lan vẫn tiếp tục công việc “chồng tầng”, còn phường thì phản ứng chậm chạp đến mức “khó hiểu”, dù sai phạm đã rõ.

Cần chế tài đủ mạnh

Để có ý kiến nhiều chiều về sự việc, chúng tôi đã tìm gặp bà Vũ Thị Lan đề nghị cho tiếp cận công trình đang thi công trái phép, bà này thẳng thừng từ chối và nói: “Muốn tìm hiểu gì thì lên phường mà hỏi!”. Chúng tôi mang theo bức xúc của người dân đến UBND phường Đồng Xuân đề nghị làm việc, nhưng cả hai lần đều bị lãnh đạo cơ quan này kiên quyết khước từ, với lý do bận việc chưa có thời gian để tiếp báo chí.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Theo khoản 1, Điều 5, Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội thì ngôi nhà số 93 Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân nằm hoàn toàn trong khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I. Do đó, việc gia đình bà Vũ Thị Lan tự ý cơi nới, xây chồng tầng là vi phạm quy định về chiều cao tối đa của công trình nhà ở phố cổ, vi phạm kiểu dáng kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của phố cổ cần phải phá dỡ để phục hồi nguyên trạng”.

Về trách nhiệm của UBND phường Đồng Xuân trong việc để xảy ra sai phạm nêu trên, Luật sư Lê Hồng Hiển phân tích: Trách nhiệm của Thanh tra xây dựng cấp xã, phường phải thường xuyên giám sát việc thi công, bảo đảm tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng đô thị. Theo Điều 16, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ, thì ngay khi phát hiện có sai phạm phải lập biên bản ngừng thi công xây dựng công trình, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình vi phạm. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND cấp xã (phường) quyết định đình chỉ thi công xây dựng hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền.

Hiện nay, việc thi công xây dựng tại công trình này vẫn diễn ra và đang đi vào hoàn thiện. Được biết, gia đình chị Hà đã có đơn gửi nhiều cơ quan, đề nghị cưỡng chế phá dỡ toàn bộ các hạng mục tầng 3, 4 đã xây dựng trái phép đồng thời yêu cầu bà Lan phải bồi thường thiệt hại cho gia đình chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơi nới tại 93 Hàng Chiếu, Hà Nội: Phớt lờ quy định về bảo tồn phố cổ