Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Phải đưa người lao động Pác Nặm ở Ả-rập Xê-út về nước trong thời gian sớm nhất

Nguyễn Trình - Đức Hiếu| 10/10/2014 17:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại của 55 công dân Pác Nặm đi lao động ở Ả-rập Xê-út hiện không có việc làm và đang đình công đòi thực hiện đúng hợp đồng đã ký giữa người lao động và Công ty Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Phải đưa người lao động Pác Nặm ở Ả-rập Xê-út về nước trong thời gian sớm nhất

Lao động xếp hàng làm thủ tục ở sân bay quốc tế Nội Bài.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải đã khẳng định như vậy trong buổi tiếp công dân là thân nhân của những công nhân thuộc diện hộ nghèo ở huyện nghèo Pác Nặm đang làm việc tại Ả-rập Xê-út sáng nay 10/10.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan chức năng và Công an trực tiếp xuống Hà Nội làm việc với Công ty Thăng Long để sớm đưa 17 công nhân đưa sang từ tháng 4/2014 đến nay không có việc làm về nước; 38 công nhân đình công cũng được xem xét để đưa về nước theo nguyện vọng của bản thân và gia đình.

Trước đó, ngày 9/10,  Báo Công lý đã có bài “Công ty Thăng Long "bỏ rơi" người lao động ởTrung Đông?", với nội dung  phản ánh thực trạng đời sống của công dân Việt Nam khi được đưa đi lao động ở Ả-rập Xê-út. Trong khi hợp đồng ký ở trong nước là làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, với mức lương  tháng 1.400 SR (tiền Ả-rập Xê-út), tương đương  8-9 triệu đồng. Hợp đồng đó chỉ được thực hiện nghiêm túc trong 6 tháng đầu, sau đó họ bắt buộc phải ký một hợp đồng khác, theo đó công nhân Việt Nam phải làm việc 10 giờ/ngày và thu nhập chỉ còn 1.200 SR. Trước tình hình đó, công nhân đã đình công, từ tháng 4/2014 đến nay, số 38 công nhân này không có tiền ăn, tiền công công ty nợ cũng không được thanh toán, những người này và cả thân nhân đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp chính quyền mong được giải quyết.

Mặc dù Huyện ủy, UBND huyện Pác Nặm cùng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Kạn đã nhiều lần làm việc với Công ty Thăng Long nhưng đã hơn 6 tháng nay vẫn không giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, công dân Việt Nam ở Ả-rập Xê-út để tồn tại nhiều người đã phải đi nhặt sắt vụn, phế liệu bán để sống qua ngày.

Ông Cà Xuân Hương, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) bức xúc: Các báo cáo của Công ty Thăng Long hoàn toàn không đúng với thực tế công nhân đang ở Ả-rập Xê-út, họ nói vẫn ứng tiến ăn nhưng thực tế không hề có, tiền lương còn nợ của công nhân những tháng trước đó cũng không được thanh toán, nên nhiều người phải đi vay những người làm ở các công ty khác, một số phải đi nhặt phế liệu bán để sống qua ngày.

Chị Hoàng Thị Loan, có chồng là Ma Văn Quân, người thôn Vi Lạp, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) cho biết: Chồng tôi và cả 38 anh em đi cùng đợt đều làm việc chăm chỉ từ đầu, nên 6 tháng đầu cả làm thêm giờ đều gửi tiền về cho gia đình. Từ tháng 4/2014, khi công ty phía Ả-rập Xê-út bắt ký lại hợp đồng, thấy bất hợp lý, mọi người yêu cầu phải làm đúng hợp đồng đã ký tại Việt Nam nhưng phía công ty Ả-rập Xê-út không đồng ý còn vu cho mọi người tội chống đối, làm loạn.

Chị Cà Thị Quyết, Ma Thị Hường, Hà Thị Thu đều có chồng đang làm việc ở Ả-rập Xê-út mong muốn chồng mình được về nước sớm vì ở bên đó bị đối xử bất công, không có tiền ăn, cuộc sống khó khăn. Theo Chị Ma Thị Hương, để biết tin chồng, các chị đều phải mua thẻ để nhắn tin gửi tiền điện thoại cho chồng. Chị Hà Thị Thu còn cho biết thêm, hôm qua chồng chị và 4 người nữa bị đưa đi đâu không biết, hiện không liên lạc được.

Ông Giàng Á Dân, ở Cao Tân (Pác Nặm) có con trai đi sang Ả-rập Xê-út từ tháng 4/2014 đến nay không có việc làm, Công ty Thăng Long bảo ứng tiền ăn cho nhưng thực tế họ ứng cho rất ít, không đủ ăn. Cách làm của Công ty Thăng Long không trung thực, dân chúng tôi không thể tin được nữa.

Ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã gọi điện trực tiếp cho Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long Ngô Bá Quyết phản ánh ý kiến người dân Pác Nặm, ông Quyết nói sẽ cho người chuyển tiền đến cho công nhân ngay sáng nay. Tuy nhiên, những lời hứa của ông Quyết không làm người dân yên tâm, bởi ông này đã hứa quá nhiều, nhưng người thân của họ vẫn đang phải sống vật vã ở Ả-rập Xê-út.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Phải đưa người lao động Pác Nặm ở Ả-rập Xê-út về nước trong thời gian sớm nhất