Cần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư

Tổ PVĐT| 28/11/2014 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý nhận được đơn kèm tài liệu phản ánh việc ông Thân Đức Hòa tham gia hợp đồng phân phối ngày 11/3/2011 với Công ty TNHH BHIP (BHIP Việt Nam).

Sau khi được cấp mã số ID 132479, ông trở thành nhà phân phối hay còn gọi là đại lý của Công ty Bán hàng đa cấp (Công ty BHIP). Ngoài khoản tiền thù lao chênh lệch giữa mua và bán, ông Thân Đức Hòa còn có 5 loại hoa hồng: Thưởng trực tiếp, thưởng tạo sao, thu nhập nhóm, thưởng cộng hưởng và thưởng lãnh đạo.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian 3 năm, hệ thống bán hàng (mạng) ổn định do ông Thân Đức Hòa xây dựng và quản lý hiện nay đang gặp khó khăn và có khả năng bị Công ty BHIP thay đổi, điều chuyển sang hệ thống khác nhằm giảm thu nhập từ hệ thống này. Mục đích của BHIP đưa ra là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà phân phối khác.

Từ tháng 1/2014 đến nay, Công ty BHIP đã khóa mã ID của ông Thân Đức Hòa nhằm hạn chế quyền kinh doanh của ông và không thanh toán tiền hoa hồng từ tháng 3/2014. Công ty TNHH BHIP cho rằng đã tất toán các khoản phát sinh từ mã số ID 132479 của ông Thân Đức Hòa. Cụ thể, họ đã chuyển ngày 18/3/2014: 40.657.350 đồng; ngày 20/3/2014: 9.631.024 đồng; ngày 27/3/2014: 20.501.472 đồng, tổng cộng: 70.789.846 đồng. Tiếp đó, ông Hòa có nhận khoản tiền 10 triệu đồng theo số liệu trên tài khoản cá nhân của ông tại Ngân hàng Techcombank vào ngày 27/1/2014 với nội dung tạm ứng hoa hồng nhưng ông không đề nghị với Công ty TNHH BHIP. Như vậy, tổng số tiền ông Thân Đức Hòa đã nhận từ Công ty TNHH BHIP là 80.789.846 đồng.

Cần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư

Hàng loạt đơn thư khiếu nại của ông Thân Đức Hòa

Theo quy định của pháp luật về lao động, các văn bản hướng dẫn về hoạt động bán hàng đa cấp đều không cấm nhà phân phối, người lao động làm việc cho nhiều công ty, tổ chức khác nhau nhằm có thêm thu nhập. Việc ông Thân Đức Hòa tìm cách khắc phục khó khăn, giảm áp lực tài chính cho gia đình bằng việc tham gia các công việc hoàn toàn hợp pháp (thực hiện các công việc đào tạo và/hoặc công việc mang tính chất đào tạo) cho một công ty khác nhằm kiếm thêm thu nhập là điều bình thường. Việc ông Thân Đức Hòa ký hợp đồng tư vấn và xây dựng đội ngũ phát triển hệ thống NPP ngày 20/2/2014 giữa Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Sóng Đại Dương (gọi tắt là Công ty OCEWA) và Công ty TNHH ETERNAL LIFE ENERGY do ông Thân Đức Hòa làm Giám đốc là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.

Cũng theo ông Hòa, Nghị định số 110/2005/NĐ-CP và Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 về việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì người bán hàng (nhà phân phối/thành viên) tiếp thị, bán lẻ hàng hóa tại nơi ở và nơi làm việc của người tiêu dùng. Không có quy định bắt buộc nhà phân phối phải lên Công ty. Nhà phân phối bán được hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp, có doanh thu, đúng chính sách trả thưởng thì sẽ được nhận hoa hồng. Trong trường hợp việc mua hàng của ông Thân Đức Phượng không có giấy ủy quyền của ông Thân Đức Hòa thì Công ty TNHH BHIP có quyền từ chối. Tuy nhiên, Công ty TNHH BHIP đã đồng ý bán và ông Thân Đức Hòa đã đồng ý mua thông qua em trai của ông Thân Đức Hòa (ông Thân Đức Phượng), do đó, giao dịch giữa Công ty TNHH BHIP và ông Thân Đức Phượng là hợp pháp.

Luật sư Bùi Quốc Đạt, Công ty Luật TNHH Thế Lực Mới, làm đại diện người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Thân Đức Hòa cho biết, các yêu cầu Công ty BHIP phải thực hiện, ông Đạt đã gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của ông Thân Đức Hòa. “Nếu con đường hành chính không xong, ông Hòa sẽ khởi kiện vụ việc ra Tòa án”, ông Đạt khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư