Bức xúc “cục máu đông” kéo dài gần 20 năm của Ngân hàng Bắc Á

Nhóm PV| 03/08/2016 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nợ xấu đang là vấn đề bức xúc trong nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian, điển hình như vụ Ngân hàng TMCP Bắc Á với gia đình bà Nhiễu ở 21/52 Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội mất gần 20 năm nay không giải quyết nổi.

Vụ việc kéo dài gây ra nhiều bức xúc này được bắt đầu từ năm 1997, Ngân hàng TMCP Bắc Á – Chi nhánh Hà Nội cho ông Lê Tân Cương và bà Lê Thị Nhiễu vay vốn theo 02 Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản số 850/NASB và 851/NASB ngày 28/8/1997 với tổng số dư nợ gốc là 5.519.536.000 đồng. Tài sản thế chấp kèm theo để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ là khách sạn ALMAZ xây 8 tầng trên 396m2 đất tại số 16/52 đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và ngôi nhà 03 tầng tại 76 ngõ Đoàn Kết, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế diễn ra sự việc có nhiều dấu hiệu cho thấy, cán bộ tín dụng Ngân hàng Bắc Á vi phạm Luật tín dụng dẫn đến khoản nợ xấu gần 20 năm chưa thể thu hồi.

Vay tiền không có bất kỳ giấy tờ nào về tài sản thế chấp

Cụ thể, trong quá trình thẩm định và phê duyệt khoản vay trên, cán bộ tín dụng Ngân hàng Bắc Á đã không làm tròn trách nhiệm trong việc phê duyệt mục đích sử dụng vốn và phương án trả nợ của khách hàng. Dẫn đến hệ quả là khách hàng mất khả năng chi trả và Ngân hàng phải “ôm” nợ xấu?

Mặt khác, tài sản mà Ngân hàng Bắc Á nhận thế chấp trong 02 Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản số 850/NASB và 851/NASB ngày 28/8/1997 là khách sạn ALMAZ trên diện tích 396m2 đất tại 16 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ và ngôi nhà 3 tầng trên 136,6m2 đất tại 76 ngõ Đoàn Kết, Gia Lâm, Hà Nội lại vi phạm Điều 25 Quyết định số  217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, do tài sản thế chấp thuộc sở hữu chung của nhiều người và tại thời điểm thế chấp cho Ngân hàng Bắc Á và tài sản đang được thế chấp tại Ngân hàng Đông Á.

Tại thời điểm ký kết Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản với ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu thì tài sản và các giấy tờ về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản là nhà đất được nêu trong Hợp đồng đang được thế chấp tại Ngân hàng Đông Á. Cho đến ngày 20/01/1999, khi trả nợ thay cho ông Lê Tân Cương tại Ngân hàng Đông Á và làm thủ tục giải chấp thì Ngân hàng Bắc Á mới cầm giữ các giấy tờ về tài sản thế chấp theo Hợp đồng vay tiền từ Ngân hàng Đông Á. Như vậy, một thời gian dài cho ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu vay tiền mà không cầm giữ bất kỳ một giấy tờ nào về tài sản thế chấp.

Điều đáng nói nữa, do nhận tài sản thế chấp không đủ điều kiện nên Ngân hàng Bắc Á không tiến hành định giá, giá trị của tài sản thế chấp dẫn đến không thể xác định được số tiền cho vay không tuân thủ quy định tại Điều 12 Quyết định số  217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đó là “Số tiền cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo lãnh đã được xác định và ghi trên hợp đồng”.

Bức xúc “cục máu đông” kéo dài gần 20 năm của Ngân hàng Bắc Á

Ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu bên mảnh đất bị bỏ hoang do tranh chấp kéo dài

Nói một cách khác, do không cầm giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản thế chấp của bên vay nên Ngân hàng Bắc Á đã không ký kết Hợp đồng thế chấp theo đúng quy định tại Điều 11.4 và Điều 15 Quyết định số  217/QĐ-NH1 ngày 17 tháng 8 năm 1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn đến không thể áp dụng các biện pháp xử lý tài sản thế chấp theo Quyết định số  217/QĐ-NH1.

Theo quy định tại Điều 11 Quyết định số  217/QĐ-NH1 thì: “Thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản cam kết hoặc hợp đồng thế chấp tài sản (từ đây gọi chung là hợp đồng thế chấp tài sản). Đối với tài sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì khi thế chấp phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bên nhận thế chấp giữ bản gốc giấy tờ về quyền sở hữu tài sản”.

Theo khoản 11.4 Điều 11 Quyết định số  217/QĐ-NH1 thì: “Hợp đồng thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh cần có chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (từ đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) theo quy định”.

Tuy nhiên trên thực tế thì Ngân hàng Bắc Á đã không tuân thủ về hình thức của Hợp đồng thế chấp khi Hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản nêu trên không được chứng nhận bởi Cơ quan công chứng hoặc UBND huyện, do không tuân thủ hình thức của Hợp đồng, nên Ngân hàng Bắc Á không thể đăng ký thế chấp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Từ đó dẫn đến hàng loạt những sai phạm tiếp nối sau đó theo kiểu “lỗi chồng lỗi”.

Hợp pháp hóa bằng hợp đồng mua bán nhà - lỗi chồng lỗi

Chính vì có những vi phạm nghiêm trọng nêu trên nên khi có quyết định thanh kiểm tra hoạt động cho vay của Ngân hàng Bắc Á – chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bắc Á đã “vội vã” thúc ép khách hàng vay tiền là ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu phải ký vào Hợp đồng mua bán nhà để hợp pháp hóa những sai phạm của Ngân hàng và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức cho phép.

Do vi phạm luật tín dụng nên không thể xử lý tài sản đúng quy trình, do đó, Ngân hàng Bắc Á đã có giấy ủy quyền số 315/NHBA ngày 4/12/1998 cho ông Nguyễn Trọng Dũng (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Hà Nội) đã ký kết Hợp đồng mua bán nhà là toàn bộ khách sạn ALMAZ với số tiền là 7.400.000.000 đồng với ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu vào ngày 19/01/1999.

Bức xúc “cục máu đông” kéo dài gần 20 năm của Ngân hàng Bắc Á

Hồ sơ, đơn thư ông Lê Tân Cương gửi tới Báo Công lý

Việc Ngân hàng Bắc Á mua lại khách sạn ALMAZ để trừ nợ, việc này lại tiếp tục vi phạm quy định tại Điều 73 Luật các tổ chức tín dụng 1997 là: “Tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản”. Đồng thời, Ngân hàng Bắc Á cũng vi phạm hàng loạt những quy định khác của pháp luật tại thời điểm đó khi xử lý nợ khi xác lập Hợp đồng mua bán nhà để hợp pháp hóa những sai phạm của Ngân hàng. Hệ quả sâu xa đã khiến cho cả đại gia đình với nhiều thế hệ suốt gần 20 năm trời không thể thực hiện được các quyền chủ sở hữu đối với tài sản của mình, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cả về tinh thần lẫn vật chất cho gia đình của ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu.

Những sai phạm của Ngân hàng Bắc Á trong việc mua lại khách sạn ALMAZ ra sao, câu chuyện về một gia đình đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình trong gần 20 năm ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong kỳ tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức xúc “cục máu đông” kéo dài gần 20 năm của Ngân hàng Bắc Á