Bình Giang (Hải Dương): Thế chấp tài sản trên đất, bị chiếm giữ cả quyền sử dụng đất

PV| 04/06/2015 06:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đại Phát (Cty Đại Phát) thế chấp tài sản trên đất để bảo đảm hai khoản vay với Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, ngân hàng lại phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương bán các tài sản thế chấp, trong đó có cả quyền sử dụng đất 7600m2 của doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp…

Thế chấp tài sản trên đất

Cty Đại Phát, có trụ sở tại Cụm công nghiệp Tân Hồng, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương do ông Bùi Văn Lộc làm giám đốc. Cty Đại Phát  có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Giang, Hải Dương vay 4 tỷ đồng vào ngày 4/5/2013 và vay thêm 3,5 tỷ vào ngày 29/4/2014. Tổng số tiền vay là 7,5 tỷ đồng. Ngày 26/4/2013, Cty Đại Phát có ký hợp đồng thế chấp cho Agribank Bình Giang 11 hạng mục là vật kiến trúc nằm trên 7.600m2 đất, tọa lạc tại Cụm Công nghiệp Tân Hồng, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Năm 2014, Cty Đại Phát đã trả cho AgriBank Bình Giang 500 triệu đồng tiền gốc, còn nợ lại 7 tỷ đồng.

Theo hợp đồng thế chấp, tài sản thế chấp là nhà cửa, vật kiến trúc gồm: bồn hoa, cây cảnh, tường bao, cổng sắt, bể xử lý nước, kho thành phẩm, nhà kho, nhà bếp, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh, nhà sản xuất, nhà nồi hơi và nhà sấy. Các tài sản trên được xây dựng trên thửa đất mà Công ty TNHH sản xuất và thương mại, dịch vụ Đại Phát làm chủ sở hữu. Tài sản thế chấp này nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho các hợp đồng tín dụng trị giá 7,5 tỷ đồng.

Bình Giang (Hải Dương): Thế chấp tài sản trên đất, bị chiếm giữ cả quyền sử dụng đất

Trụ sở Cty Đại Phát

Bên thế chấp cũng có nghĩa vụ giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (nếu có); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên Ngân hàng giữ. Quá thời hạn trả nợ, bên Ngân hàng có quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ mà không cần sự đồng ý của bên thế chấp.   

Do quá hạn, bên vay không thanh toán được nên ngày 27/3/2015, Agribank Bình Giang đã đến Cty Đại Phát, chiếm giữ tài sản, đất đai của doanh nghiệp. 

Theo Thông báo ngày 9/5/2015 của Agribank Bình Giang gửi Cty Đại Phát thì Agribank đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương bán các tài sản thế chấp, trong đó có cả quyền sử dụng đất 7600m2. Đồng thời, Agribank Bình Giang cũng đề nghị ông Lộc đến nhận lại tài sản, di chuyển tài sản không thuộc tài sản thế chấp ra khỏi Cty Đại Phát.

Trước đó, ngày 14/4/2015, Cty Đại Phát gửi đơn kiến nghị đến Agribank Bình Giang đề nghị giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật, không chấp nhận việc chiếm giữ tài sản trái phép của Agribank Bình Giang. Bằng Công văn số 01/NHNo-BG ngày 21/4/2015, Agribank Bình Giang đã phúc đáp cho Cty Đại Phát cùng một số cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương viện dẫn Điều 355 Bộ luật Dân sự 2005 xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Điều 355 chỉ áp dụng theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 Bộ luật này chỉ điều chỉnh về việc xử lý với tài sản cầm cố. Theo Điều 326:“Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Ở đây, Cty Đại Phát vẫn đang quản lý, sử dụng các tài sản thế chấp. Do vậy, đây không phải là tài sản cầm cố mà là thế chấp tài sản. Do đó, AgriBank Bình Giang áp dụng Điều 355 để xử lý tài sản thế chấp của Cty Đại Phát là chưa đúng.

Giải quyết bằng Tòa án

Vấn đề cốt lõi là hai bên hiểu khác nhau về nội dung Hợp đồng thế chấp. Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 26/4/2013, ghi rõ tài sản thế chấp là nhà cửa, vật kiến trúc, chứ không phải là quyền sử dụng đất. Do đó, Agribank Bình Giang tự phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương bán các tài sản thế chấp, trong đó có cả quyền sử dụng đất 7600m2 là không đúng với nội dung hai bên đã thỏa thuận. Agribank Bình Giang cũng đề nghị ông Lộc đến nhận lại tài sản, di chuyển tài sản không thuộc tài sản thế chấp ra khỏi Cty Đại Phát là trái ngược với thỏa thuận, lẽ ra  Agribank Bình Giang phải tháo dỡ tài sản trên đất để thu hồi nợ, còn quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên Công ty Đại Phát.

Nghĩa là theo nội dung hợp đồng, quyền sử dụng 7.600m2 đất tại Cty Đại Phát là tài sản của Cty Đại Phát chưa được thế chấp cho Agribank Bình Giang. Có  chuyên gia pháp lý nhận định rằng AgriBank Bình Giang có hành vi tự ý đến chiếm giữ trái phép tài sản của Cty Đại Phát có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 137 BLHS.

Về phía Cty Đại Phát, giám đốc Bùi Văn Lộc cho biết: Trong trường hợp không xoay sở được tiền để trả cho Agribank Bình Giang, Cty Đại Phát sẽ kêu gọi đối tác để chuyển nhượng toàn bộ tài sản, trả nợ cho Agribank Bình Giang và thu hồi phần vốn còn lại. Nhưng Agribank Bình Giang lấy lý do nợ xấu, nợ quá hạn để  đơn phương chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của Cty Đại Phát rồi bán cho người khác với mức giá quá thấp, chỉ không bằng một nửa giá trị thực tế tài sản của Cty Đại Phát gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Điều đáng lưu ý là Điều 5 của Hợp đồng thế chấp tài sản về giải quyết tranh chấp, hai bên đã thỏa thuận: “Trường hợp không giải quyết được thì mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc có liên quan đến hợp đồng này sẽ được yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết”. Đây là một thỏa thuận văn minh, đúng pháp luật. Việc Agribank Bình Giang không khởi kiện tại Tòa án, tự ý giải quyết trên đây là không đúng tinh thần hai bên đã thỏa thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Giang (Hải Dương): Thế chấp tài sản trên đất, bị chiếm giữ cả quyền sử dụng đất