Bất cập khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3

Anh Dũng| 29/11/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 có công suất 180MW do Tập đoàn Điện lực VN làm chủ đầu tư, đã đi vào hoạt động được gần 5 năm nay. Thế nhưng, công tác tái định cư vùng lòng hồ của công trình vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc cấp đất sản xuất cho bà con.

Đắk P’Lao là xã tái định cư của công trình Thủy điện Đồng Nai 3. Toàn xã có 5 thôn, bon, với 616 hộ, gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Mạ, H’Mông, Tày, Nùng. Năm 2010, những ngày đầu khi chuyển về nơi ở mới, đồng bào các dân tộc ở Đắk P’Lao rất vui mừng, phấn khởi vì được chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, trường, trạm khá hoàn thiện. Ngoài ra, họ còn được cấp một ngôi nhà trị giá 120 triệu đồng và hơn 1ha đất để sản xuất. Những năm sau, Nhà nước cũng dồn lực đầu tư để xã phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xóa đói giảm nghèo và các dự án của các tổ chức phi Chính phủ như: Dự án 3EM, FLITCH, WB…

Nhìn từ xa, khu tái định cư xuất hiện với những dãy nhà được xây kiên cố, nối liền dọc theo triền đồi trông như một thị trấn sầm uất giữa đại ngàn Tây Nguyên. Thế nhưng, bên trong cái vẻ trù phú, hào hoa của những khối bê tông cốt thép ấy là một cuộc sống nghèo đói của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có hơn 120 hộ dân bán nhà, bỏ hoang hóa nhà cửa, đi làm thuê ở địa phương khác hoặc quay về nơi ở cũ. Già K’Bông (60 tuổi), ở thôn 3 - một trong những người đi tiên phong trong việc vận động bà con dân tộc Mạ từ lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 về khu tái định cư nói: “Về đây, được ở trong nhà kiên cố, khang trang, các cháu được học hành, đau ốm được khám bệnh, sử dụng nước hợp vệ sinh, được học cách sản xuất mới ai cũng vui mừng. Nhưng gần 5 năm rồi mà bà con vẫn chưa được cấp đủ đất để sản xuất. Sản xuất mà thiếu đất khác gì nấu cơm không có gạo nên nhiều đứa nó bỏ đi rồi”.

Ông Lê Khắc Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đắk P’Lao vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiến trên 52%. Nguyên nhân là những vấn đề “hậu thủy điện” vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, nhất là vấn đề cấp đất sản xuất cho bà con. Nhiều hộ tái định cư vẫn chưa nhận được đất sản xuất, nhiều diện tích đất cấp cho bà con rất xấu nên sản xuất không hiệu quả. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao giúp đồng bào có điều kiện xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, thật sự “an cư lạc nghiệp”. Vì vậy, đơn vị chủ đầu tư phải vào cuộc, có chính sách hỗ trợ đặc biệt thì mới giải quyết được.

Việc quy hoạch, khai hoang, cấp đất cho bà con do Ban quản lý dự án Thủy điện 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, đơn vị này làm không đến nơi, đến chốn; bất cập trong quy hoạch ngay từ đầu và thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương. Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết: Theo quy hoạch ban đầu, chủ đầu tư khai hoang 620 ha cấp cho 420 hộ đủ điều kiện tái định cư, định canh, mỗi hộ 1ha và hơn 120 hộ không đủ điều kiện, mỗi hộ 5 sào. Trong số diện tích này, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn chỉ có 164 ha đủ điều kiện sản xuất, còn lại đất đai rất xấu, đồi dốc.    Đáng lẽ, diện tích đất đủ điều kiện sản xuất chỉ được cấp cho 164 hộ nhưng chủ đầu tư lại cho bốc thăm, chia cho tất cả các hộ. Vì vậy, có hộ nhận 3 sào, hộ 4 sào… nhiều hộ bốc thăm nhưng không có đất.

Sau đó, Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 tiếp tục khai hoang ở một khu khác với diện tích 206ha và chia tiếp cho các hộ dân với định mức 0,4ha/hộ. Nhưng ở khu vực này, trước đó đã có các hộ xâm canh nên xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa các hộ dân làm cho tình hình rất phức tạp. Hiện nay, diện tích đất sản xuất còn thiếu để cấp cho bà con khoảng 300ha.

Cũng theo ông Long, để giải quyết tình hình này, huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt giao cho UBND xã Đắk P’Lao chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành đo đạc lại diện tích đất đang sản xuất ổn định để cấp sổ đỏ cho dân. Rà soát lại số hộ thiếu đất sản xuất để đề xuất quy hoạch, thu hồi và cấp đất sản xuất cho dân đảm bảo mỗi hộ được cấp 1ha. Bên cạnh đó, huyện Đắk G’Long cũng đang phối hợp với Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 tiến hành khảo sát, lập quy hoạch, thỏa thuận với nhân dân về vị trí khu vực đất sản xuất khoảng 300ha để tiếp tục khai hoang, cấp đất cho dân.

Thủy điện Đồng Nai 3 đã hoàn thành nhưng khu tái định cư chưa hoàn thiện. Hơn 800 tỷ đồng đã đổ xuống sườn đồi bát úp khu tái định cư xã Đắk P’Lao, bình quân mỗi hộ dân được đầu tư gần 1,5 tỷ đồng nhưng hiện nay, người dân vẫn phải đối mặt với đói nghèo triền miên. Nguyên nhân là do họ thiếu tư liệu sản xuất. Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Nông cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm cấp đủ đất sản xuất để đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3