Nhiều nội dung của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án đã cụ thể được tinh thần của Hiến pháp mới

10/07/2014 08:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã nghe báo cáo về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Đây là buổi làm việc nhằm chuẩn bị cho việc góp ý vào 2 Dự thảo Luật này do Ủy ban Tư pháp QH chủ trì trong những ngày tới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, đây là hai Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu và nếu không có gì thay đổi sẽ cho ý kiến lần hai và thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Do đó, việc đóng góp ý kiến vào những nội dung hiện đang còn ý kiến khác nhau là rất quan trọng, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật.

Làm rõ quyền tư pháp

Báo cáo của Đoàn Thư ký Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vừa qua cho thấy, quá trình thảo luận của các ĐB tại hội trường đều đề cập đến nội dung khá sát với thực tiễn.

Cụ thể, về quyền tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, quyền tư pháp là quyền xét xử, quyền tài phán của Nhà nước về một loại vụ việc nên đề nghị làm rõ hơn nội hàm khái niệm “quyền tư pháp” trong Dự thảo Luật. Một số ý kiến tán thành quan điểm cần thiết quy định cụ thể hóa quyền tư pháp trong Luật. Đây là nội dung rất mới, rất quan trọng. Và, các nội dung cần nghiên cứu là phạm vi thực hiện quyền tư pháp như thế nào, có phải quyền tư pháp trải rộng từ đầu quá trình tố tụng cho đến khi thi hành xong bản án hay không? Ngoài cơ quan Tòa án thì có cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp nữa hay không và vị trí, vai trò của Tòa án thực hiện quyền tư pháp như thế nào? Tòa án thực hiện kiểm sát quyền lực (theo khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp 2013) như thế nào cũng cần phải làm rõ?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh quyền xét xử của Tòa án, quyền tư pháp trong Luật còn bao gồm cả quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Những vấn đề liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản phải do Tòa án quyết định; cần phải tiếp tục mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính. Thông qua hoạt động xét xử, nếu Tòa án phát hiện văn bản hành chính trái với Hiến pháp và pháp luật thì Tòa án có quyền quyết định không áp dụng và có trách nhiệm tuyên bố về tính hợp pháp của văn bản đó.

Về việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, đề nghị quy định rõ việc thành lập, giải thể TAND sơ thẩm; bố trí TAND sơ thẩm khu vực linh hoạt, phù hợp với từng địa phương cụ thể, ở đồng bằng bố trí cho tổ chức Tòa án theo khu vực, ở miền núi theo đơn vị hành chính; bổ sung tiêu chí để thành lập TAND sơ thẩm khu vực; xây dựng mô hình TAND sơ thẩm khu vực; thống kê về số lượng Tòa án đã được giảm khi thành lập TAND sơ thẩm khu vực; thí điểm về việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực để xem xét đến việc đi lại của người dân; cấp nào sẽ bầu Hội thẩm nhân dân? Đề nghị quy định rõ, Chánh án TAND sơ thẩm khu vực phải báo cáo công tác với cơ quan dân cử cấp nào để đảm bảo hoạt động của TAND sơ thẩm khu vực chịu sự giám sát của cơ quan dân cử; sử dụng cụm từ “địa hạt tư pháp khu vực” để phù hợp với TAND sơ thẩm khu vực cho thống nhất với Tòa án cấp cao sau này.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu thành lập TAND sơ thẩm khu vực cần cân nhắc việc đảm bảo tính thuận tiện và tính hệ thống phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng với nhau; việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực có làm tăng thêm biên chế, bộ máy hay không?

Nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC

Liên quan đến nội dung về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC, hiệu lực quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí với quy định về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC và TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật để góp phần phục vụ tốt cho hoạt động xét xử, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục lỗ hổng pháp luật, đảm bảo công lý và quyền con người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu làm rõ nội hàm của án lệ; giá trị pháp lý của án lệ. Cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, thủ tục lựa chọn, công bố án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ, việc thay đổi án lệ sẽ được quy định trong pháp luật về tố tụng khi sửa các luật về tố tụng. Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành hay phát triển án lệ? Các bản án mẫu mực được lựa chọn làm án lệ không có giá trị pháp lý như nguồn của pháp luật, chỉ có giá trị tham khảo. TANDTC có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng án lệ; quy định cụ thể quy trình, tiêu chí lựa chọn quyết định có tính chuẩn mực để trở thành án lệ; việc phát triển án lệ để giải quyết các vụ việc đơn giản như án hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho rằng, việc xem xét phát triển án lệ là phù hợp với tinh thần và chủ trương của Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nghị quyết số 49 và Kết luận số 79 về Chiến lược cải cách tư pháp. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ của án lệ với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Thông tư của Chánh án TANDTC cũng như nguyên tắc, hiệu lực áp dụng án lệ đối với các Tòa án trong hoạt động xét xử.

Khi thảo luận về ngạch Thẩm phán, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán… các ĐBQH vẫn còn các ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với phương án có hai ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán và đề nghị quy định chặt chẽ tiêu chuẩn Thẩm phán để người dân tin tưởng vào trình độ của Thẩm phán. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án có bốn ngạch Thẩm phán là Thẩm  phán TANDTC, Thẩm phán cấp cao, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

Từ những nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và những ý kiến đã góp ý của Chính phủ tại kỳ họp, Trưởng các bộ  phận chuyên môn của Bộ cho ý kiến một số vấn đề đã nêu; rà soát Hiến pháp để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của Dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ cho ý kiến tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật này trong vài ngày tới.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, qua nghiên cứu hồ sơ Dự án Luật thấy rằng, Dự thảo được xây dựng khá khẩn trương và công phu; đã cụ thể hóa được các quy định mới của Hiến pháp 2013 cũng như một số chủ trương về cải cách tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị về TAND. Tuy nhiên, đây là Dự án Luật quan trọng, bởi Tòa án là cơ quan thực hiện một trong ba nhánh quyền lực của Nhà nước (quyền tư pháp) cùng với một số chức năng, nhiệm vụ của Tòa án sẵn có từ trước. Do vậy, Luật này cần được nghiên cứu thật kỹ để tạo ra những chuyển biến cơ bản và toàn diện về một số nội dung lớn như: Quyền tư pháp; tổ chức TAND; án lệ, ngạch Thẩm phán; cơ cấu tổ chức của Tòa án…

Mai Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nội dung của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án đã cụ thể được tinh thần của Hiến pháp mới