Nhiều nội dung cần được Quốc hội giám sát trong năm 2018

Mai Thoa| 24/05/2017 20:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu đề xuất lựa chọn giám sát.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong bốn nội dung để giám sát là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều nội dung cần được Quốc hội giám sát trong năm 2018

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018

Giải bài toán kiểm soát nợ công

Về chuyên đề “thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội”, UBTVQH đánh giá: bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay giai đoạn 2011-2015 còn nổi lên một số bất cập, hạn chế. Cụ thể là, nợ công có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ; tốc độ tăng nợ công nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP. Nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%). Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Hơn nữa, cơ cấu vay, sử dụng nợ công chưa thực sự hợp lý, nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hàng năm tăng nhanh.

Số liệu tổng hợp cho thấy, vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án có đầu tư và thu hồi vốn dài. Tỷ lệ nghĩa vụ nợ gồm cả đảo nợ đã vượt giới hạn cho phép. Theo đó, nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu NSNN vào năm 2015. Nếu tính cả các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay về cho vay lại đang tiềm ẩn nguy cơ không có khả năng trả nợ, chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ thì tỷ lệ nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng. Trong khi đó, khả năng cân đối nguồn để trả nợ khó khăn, vay đảo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước.

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí lựa chọn chuyên đề này và cho rằng, việc Quốc hội giám sát là cần thiết để khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế nêu trên, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số nợ công đang tiệm cận với mức trần như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cho rằng, Quốc hội là cơ quan biểu quyết quyết định các dự án lớn, nếu không kiểm soát thì dẫn đến thừa hoặc thiếu. Kết qủa kiểm toán cho thấy còn tình trạng phân bổ vốn dự án đầu tư, chỗ cần thì không có, chỗ không cần lại được phân bổ, dùng không hết. Nên cần phải giám sát xem nguồn lực rất thiếu nhưng đã được đặt vào đúng chỗ hay chưa và có hiệu quả hay không. Theo đại biểu, hiện nay phân bổ nguồn lực (vốn) có sự không công bằng khi mà những nơi đã có nhiều cơ hội phát triển lại được đầu tư nhiều.

Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) - Trưởng Ban đối ngoại Trung ương nhận xét: về lĩnh vực kinh tế, việc giám sát chuyên đề trên là rất cần thiết. Việc vay nợ hiện nay cũng là do đất nước ta còn nghèo, còn khó khăn nhưng sử dụng tiền vay sao cho hiệu quả là vấn đề chúng ta phải bàn đến.

Đưa ra dẫn chứng từ giả thiết là “gia đình khó bố mẹ phải đi vay về nuôi con nhưng con cái trong nhà lại ăn hết thì nguy lắm”, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương nhận định, nếu chúng ta vô tư vay nợ mà không kiểm tra giám sát được việc sử dụng vốn thì không chỉ con phải trả mà đời cháu chắc chắn vẫn phải trả nợ.

Một số doanh nghiệp lớn không muốn cổ phần hóa

Một nội dung nữa được nhiều đại biểu quan tâm và lựa chọn giám sát là việc sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo nhận định của UBTVQH, thời gian qua, việc triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đạt được những kết quả khả quan. Trong giai đoạn năm 2011-2015 cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp (năm 2011 là 14 doanh nghiệp; năm 2012 là 26 doanh nghiệp; năm 2013 là 73 doanh nghiệp; năm 2014 là 175 doanh nghiệp; năm 2015 là 220 doanh nghiệp).

Việc thoái vốn nhà nước cũng cơ bản đạt kết quả nhất định. Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt trong năm 2015 là Tập đoàn viễn thông quân đội, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số hạn chế, bất cập như số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011-2015; số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối. Đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu… Tiến độ thoái vốn, việc thực hiện còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa có hiệu quả công tác thoái vốn do một số cơ chế chính sách để giải quyết những khúc mắc trong việc thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính chưa được ban hành kịp thời, chưa giải quyết dứt điểm, ví dụ như cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá.

Một số đại biểu nhận định, nhiều lý do khiến cho quá trình cổ phần hoá hiện nay chậm là do các bộ không muốn “thả”, mà các chủ doanh nghiệp lớn thì không muốn cổ phần hoá. Doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm tới 70% đất, 70% vốn đầu tư xã hội mà hiệu quả không cao… nên lựa chọn chuyên đề này để giám sát là cần thiết.

Ngoài hai nội dung trên, một số đại biểu lựa chọn chuyên đề 3 về an toàn giao thông vì hiện nay cứ mỗi ngày có khoảng 30 người “sáng ra khỏi nhà tối đã không thể trở về” vì tai nạn giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, vấn đề tai nạn giao thông hiện đã đến “ngưỡng”. Thời gian qua, nỗ lực của ngành đã giúp kéo giảm nhiều tỷ lệ tai nạn nhưng để giảm sâu hơn nữa thì rất khó. Mấu chốt vấn đề là cơ cấu đầu tư cho giao thông mất cân đối, nguồn vốn dành cho phát triển đường sắt giảm chưa được 1%, đường thuỷ chỉ 1%, mà đây đáng ra là những loại hình vận tải chủ chốt. Điều đó không chỉ làm tai nạn tăng cao vì áp lực dồn lên đường bộ mà còn tác động tới hiệu quả của cả nền kinh tế vì chi phí vận tải hiện chiếm tới 60% trong logicstic trong khi logicstic chiếm tới 20% GDP của Việt Nam, ông Nghĩa nhận định.

Việc chọn hai chuyên đề nào trong số 4 chuyên đề nói trên sẽ được quyết định sau phiên thảo luận toàn thể và có thể qua cả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nội dung cần được Quốc hội giám sát trong năm 2018