Nhiều ngân hàng dính nghi vấn “thổi phồng” tài sản

12/11/2013 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liệu các ngân hàng này có đang sử dụng hoạt động liên ngân hàng để vay nợ và “thổi phồng” tổng tài sản tăng cao, khi hạch toán tăng cả nguồn vốn lẫn tài sản.

Thị trường liên ngân hàng (interbank market) là nơi mà các TCTD có thể cho vay lẫn nhau để bù đắp sự thiếu hụt vốn tạm thời. Các khoản vay trên thị trường này phần lớn là các khoản vay có kỳ hạn dưới một tuần, chủ yếu là vay qua đêm. Cũng có các khoản vay có kỳ hạn dài hơn, nhưng chiếm tỷ lệ không lớn.

Mục đích của bên đi vay là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời, cân đối vốn trong ngắn hạn hoặc để đáp ứng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại thời điểm đó. Trong khi đó, bên cho vay có thể kiếm lời từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mình.

Đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế trên thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam cho thấy có nhiều khác biệt. Ngoài “vấn nạn” sở hữu chéo, nhiều chuyên gia đã liên tục lên tiếng cảnh báo về hiện tượng gia tăng tài sản ảo của các ngân hàng thương mại bằng nhiều thủ thuật khác nhau, trong đó có nghiệp vụ liên ngân hàng.

Giai đoạn cuối năm 2011, hầu hết các ngân hàng vừa và nhỏ gặp khó khăn do thiếu hụt thanh khoản. Điều này đã khiến hoạt động trên thị trường liên ngân hàng nở rộ trong giai đoạn này và được thể hiện khá rõ trong báo cáo tài chính những năm 2011 - 2012.

Thống kê bên dưới của Vietstock cho thấy các khoản mục liên ngân hàng gia tăng khá mạnh trong cơ cấu tài sản/nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trong năm 2011.

Có thể thấy, hầu hết các “ông lớn” đều có số dư cho vay liên ngân hàng (tài sản) lớn nhờ dư thừa thanh khoản. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những trường hợp có số dư vay ngược trở lại (nợ) trên thị trường này khá lớn, chẳng hạn như EIB, VCB, ACB, BID hay MBB, LPB (LienVietPostBank)…

Nhiều ngân hàng dính nghi vấn “thổi phồng” tài sản

Năm 2012, tình hình huy động vốn được cải thiện trở lại vào giai đoạn cuối năm và quy mô hoạt động liên ngân hàng đã giảm nhiệt. Bên cạnh đó, việc NHNN ban hành Thông tư 21/2012/TT-NHNN nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường liên ngân hàng càng khiến cho các nghiệp vụ này trở nên trầm lắng hơn.

Do đó, không quá khó hiểu khi khoản mục liên ngân hàng vào cuối năm 2012 đã giảm mạnh về quy mô lẫn tỷ trọng. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, một số ngoại lệ là EIB, MBB, BID, LPB và VCB vẫn còn quy mô hoạt động liên ngân hàng khá lớn.

Nhiều ngân hàng dính nghi vấn “thổi phồng” tài sản

Năm 2013, hoạt động liên ngân hàng trầm lắng khi huy động vốn từ thị trường 1 vẫn được duy trì khá tích cực bất chấp lãi suất huy động sụt giảm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn tiếp tục có hoạt động liên ngân hàng cao đáng chú ý, nổi bật nhất có lẽ là EIB và LPB.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính 6T/2013 (các ngân hàng này chưa công bố BCTC 9T/2013), khoản mục Tiền vàng gửi và cho vay các TCTD khác của EIB và LPB chiếm tỷ lệ khá cao trong Tổng tài sản, lần lượt ở mức 31.1% và 15.1%. Ở chiều ngược lại, khoản mục Tiền gửi và vay các TCTD khác chiếm tỷ lệ tương ứng 32.5% và 18.2% trong Tổng nguồn vốn của các ngân hàng này.

Nhiều ngân hàng dính nghi vấn “thổi phồng” tài sản

Điểm đáng lưu ý trong hoạt động liên ngân hàng của EIB và LPB là: (1) Khoản mục Tiền gửi và cho vay các TCTD khác và khoản mục Tiền gửi và vay các TCTD khác khá cân bằng. Trong khi về mặt lý thuyết, các ngân hàng thường chỉ tìm đến thị trường liên ngân hàng khi có sự thiếu hụt hoặc dư thừa về thanh khoản. (2) Các ngân hàng này luôn duy trì hoạt động liên ngân hàng với tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tài sản/nguồn vốn liên tục qua các năm.

Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng này có đang sử dụng hoạt động liên ngân hàng để vay nợ và cũng qua thị trường này “thổi phồng” tổng tài sản tăng cao khi hạch toán tăng cả nguồn vốn lẫn tài sản? Nếu cấn trừ các hoạt động cho vay và vay nợ trên thị trường liên ngân hàng thì lượng tài sản của EIB và LBB sẽ sụt giảm một cách đáng kể.

Duy Nam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng dính nghi vấn “thổi phồng” tài sản