Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2012

Theo PL&XH| 02/10/2012 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xem xét, xử lý kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tăng bậc lương với người tốt nghiệp CĐ, TC nghề làm việc trong DN, bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán, người thân thích của họ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10.

Xem xét, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Đó là nội dung hoàn toàn mới trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2012. Việc quy định trách nhiệm xem xét, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các Bộ, ngành… được kỳ vọng sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tiễn thi hành pháp luật đặt ra.

Nghị định nêu rõ, việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm: Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật; kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Cùng với việc xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, Nghị định cũng quy định trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh khi nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của UBND cấp dưới xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của UBND cấp trên trực tiếp.

Nạn nhân bị mua bán, người thân thích của họ sẽ được bảo vệ an toàn

Đó là nội dung chính được quy định tại Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2012.

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2012

Nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ sẽ được bảo vệ an toàn

Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện thực tế, các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ sau để bảo đảm an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ: Giữ bí mật về cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ; giữ bí mật các thông  tin về đời tư, đặc điểm nhận dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ; bố trí lực lượng bảo vệ tại  nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ; bố trí nơi tạm lánh, nơi làm việc, nơi học tập mới cho người được bảo vệ; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Tăng bậc lương với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề

Theo quy định tại Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 15-10-2012, người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp sẽ được tăng bậc lương. Cụ thể: Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh của nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 4 (quy định cũ là bậc 3) của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.

Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử - tin học; xây dựng cơ bản, luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 4 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Nếu là tốt nghiệp trung cấp nghề thì xếp vào bậc 3 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.

Đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 2 (quy định cũ là bậc 1) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.

Bên cạnh đó, đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử-tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 3 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành còn lại thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng...

L.P (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2012