Ngày 2/6, Nhật Bản đã phản bác những bình luận của Trung Quốc đối với bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 tại Singapore.
Thủ tướng Abe phát biểu khai mạc hội nghị tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á .
Trả lời báo giới tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố Nhật Bản tin rằng quan chức cấp cao Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố dựa trên thực tế sai lầm và nhằm bôi nhọ đất nước Nhật Bản. Ông cho biết phái đoàn Nhật Bản tại Singapore đã lập tức "phản đối mạnh mẽ" những bình luận của phía Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị trên, Thủ tướng Abe đã nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Thủ tướng Abe nêu rõ: “Chính phủ (Nhật Bản) ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc đó” và “Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại”. Ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những hành động làm khu vực Biển Đông thêm căng thẳng, như tiến hành hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngăn cản Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Ông nêu rõ trong những tháng vừa qua,Trung Quốc đã có những hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình ở Biển Đông. Ông cho biết Mỹ không đứng về phía nào, nhưng phản đối việc bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngay lập tức, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Vương Quán Trung tuyên bố những bình luận của giới chức Nhật Bản và Mỹ là "không thể chấp nhận được".
Cùng ngày, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết Washington hy vọng Tokyo sẽ có những biện pháp tức thời nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Theo ông, môi trường an ninh hiện nay cho thấy các biện pháp tức này là nhằm phục vụ lợi ích chiến lược tốt nhất của khu vực. Ngoài ra, cựu quan chức này cũng cho rằng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cần tăng cường quan hệ quốc phòng để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa này.
Nhật Bản và Mỹ đang nghiên cứu sửa đổi nguyên tắc chỉ đạo quốc phòng giữa hai nước. Chính phủ của Thủ tướng Abe đang nỗ lực mở rộng vai trò quốc tế của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bằng cách quyết tâm dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt đối với việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, cho phép Tokyo thực hiện quyền bảo vệ một đồng minh, như Mỹ, nếu nước này hứng chịu một cuộc tấn công vũ trang và ngay cả khi bản thân Nhật Bản không bị tấn công.
TT