Trong thời điểm chuyển giao năm 2015-2016, GS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Xanh - Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đã có cuộc trao đổi trên VOV.
PGS.TS Phạm Xanh (trái) và GS Hoàng Chí Bảo (phải) tham gia tọa đàm tại VOV.VN (Ảnh: Quang Trung)
Sau đây, chúng tôi xin lược đăng lại phần ý kiến nhận định của hai vị chuyên gia này về triển vọng, dự báo trong năm 2016. Đặc biệt là những đánh giá, nhận định liên quan đến công tác nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra - một yếu tố mang tính then chốt, quyết định tới sự phát triển của đất nước trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
* Nhận định về triển vọng của đất nước trong năm 2016 cùng những kỳ vọng và mong muốn
Giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế
GS Hoàng Chí Bảo: Năm 2016 đã đến, chúng ta đang ở bên thềm Đại hội Đảng lần thứ XII. Toàn Đảng, toàn dân cũng có rất nhiều kỳ vọng vào năm nay bởi chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, cùng với hơn 10 năm hội nhập với quốc tế. Những kinh nghiệm ấy giúp chúng ta nâng cao nhận thức, và thuần thục hơn trong việc hoạch định chính sách, giải pháp, các cơ chế quản lý.
Hoàn cảnh khách quan thuận lợi từ quốc tế và thế giới cũng như tiềm lực phát triển của quốc gia cho phép chúng ta hy vọng năm 2016 sẽ là năm phát triển theo chiều hướng tích cực, bởi đây cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XII.
Nghị quyết lần này đã tìm được những điểm đột phá trên 2 lĩnh vực quan trọng của đời sống: Một là tiếp tục đổi mới kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và từng bước đạt tới trình độ đẩy mạnh CNH-HĐH; tiếp tục thành quả của năm 2015.
Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta giải quyết một cách rất căn bản chương trình tam nông (Xây dựng nông thôn mới, Công nghiệp hóa nông nghiệp và Phát triển nông dân) cả về đời sống và chất lượng sống như một chủ thể của xã hội.
Từ năng lực như thế, tạo thành tiềm lực kinh tế của quốc gia cho phép chúng ta trong năm 2016 sẽ tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2015 mà còn có thể cao hơn. Hai là chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác các ngoại lực từ bên ngoài, biến ngoại lực thành nội lực, ngoại sinh thành nội sinh để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và văn minh.
Một điểm nữa là năm 2016, Đảng ta trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XII sẽ coi đổi mới chính trị, đổi mới thể chế chính trị, đổi mới hệ thống chính trị cho đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo điều kiện như là lực đẩy của phát triển đối với kinh tế. Trong văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh hệ động lực của phát triển, nhất là vấn đề nhân tố con người, vấn đề tiềm năng, vốn người – vốn quý nhất của xã hội, có liên quan đến giải pháp về quốc sách về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
Tôi nghĩ rằng năm 2016 chúng ta giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế, nhất là thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, tạo ổn định chính trị xã hội để tạo sự đoàn kết, đồng thuận của toàn dân. Nếu chúng ta đạt được điều kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, phép nước như chúng ta đã từng tổng kết về thành tựu đổi mới, chắc chắn chúng ta sẽ có cơ sở để năm 2016 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm ta sẽ có bước phát triển tốt đẹp.
Loại bỏ tham vọng cá nhân
PGS Phạm Xanh: Tôi cho rằng năm 2016, chúng ta sẽ có 2 sự kiện quan trọng: Đại hội lần thứ XII của Đảng và bầu cử Quốc hội. Những sinh hoạt chính trị đó vô cùng quan trọng, cùng xảy ra trong năm 2016 và kỳ vọng lớn nhất của tôi là người dân cầm lá phiếu, Đảng cầm lá phiếu để bầu ra những người dẫn dắt đất nước tiếp tục chặng đường dài đưa đất nước tiến trên con đường giàu mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn đề cập tới một khía cạch khá lý thú đó là tham vọng quyền lực của những cá nhân, những cá nhân đó được hiện thực hóa bằng những phiếu bầu của Đảng, của nhân dân vào những cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta có quyền kỳ vọng với sự chuẩn bị hết sức chu đáo, cẩn trọng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt đã chỉ ra được những vấn đề của cá nhân, của dân tộc, tức là người đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, còn những người tham vọng quyền lực để phục vụ cho cá nhân mình, nhóm mình cần phải loại bỏ.
Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới được lựa chọn ở Đại hội XII và được lựa chọn vào Quốc hội khóa XIV, những lớp người đó chắc chắn sẽ trẻ hơn và sức trẻ đó sẽ được thể hiện trong sự sáng tạo khi đưa ra những quyết định sáng suốt cho đất nước để đất nước có thể phát triển hơn nữa theo đường hướng của Đảng đã vạch ra, đó là xây dựng nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, để đất nước chúng ta sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới.
* Nhận định về công tác chuẩn bị nội dung, nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra.
Kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới
PGS.TS Phạm Xanh: Tôi kỳ vọng vào sự chuẩn bị của Đảng ở Đại hội lần này. Rút kinh nghiệm của các lần đại hội trước và của các hội nghị, chúng ta làm có thể nói là không chặt chẽ nên rất nhiều người không trong sạch, phẩm chất đạo đức đã đi xuống vẫn có thể vào trong Đảng, vẫn có thể vào ngồi trong BCH Trung ương. Cái đó trở thành những suy nghĩ, ám ảnh đối với người dân khi Đại hội XII sắp họp.
Tôi cũng theo dõi khá chặt chẽ hội nghị từ dưới trở lên và có sự chuẩn bị đội ngũ một cách hết sức cẩn thận, cùng với đó các BCH ở các tỉnh, Đảng bộ cũng tổ chức để bồi dưỡng, đào tạo những người có thể vào được những ghế lãnh đạo. Tôi cho rằng, lần này chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo trong việc lựa chọn những người vào những ghế quan trọng ở trong cấp bộ đảng.
Trong Hội nghị BCHTrung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề xuất một ý mà tôi cho rằng cực kỳ thú vị là các đại biểu viết bằng tay đề cử những người vào BCH Trung ương hoặc vào 4 chức vụ cao nhất, chủ chốt trong Đảng. Tôi cho rằng đó là sự chuẩn bị đầy trách nhiệm khi chọn người vào ghế lãnh đạo. Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị một cách chu đáo, chúng ta sẽ có được một lớp người lãnh đạo, trẻ trung, đầy sáng tạo và đưa đất nước đi lên từng bước một.
GS Hoàng Chí Bảo: Tôi đồng ý với PGS.TS Phạm Xanh. Tôi xin bổ sung ý này, để chuẩn bị nhân sự cấp cao lần này, BCH Trung ương khóa XI do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo, chúng ta mở rất nhiều lớp đào cán bộ nguồn của Trung ương và đào tạo cho cả các địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy.
Để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ mới, TW mở tới 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt. Tất cả ứng viên vào TW khóa XII bắt buộc phải qua những lớp đó. Đó là những điều kiện về mặt nhận thức lý luận vì tình hình phát triển đất nước bây giờ đòi hỏi phải có trí tuệ, anh phải thực sự là tinh hoa trong Đảng và trong dân mới giải quyết được những vấn đề phát triển đất nước hệ trọng như thế này. Chuẩn bị này rất hệ trọng, nghiêm túc.
Ngay trong BCH Trung ương cũng thực hiện một chương trình học tập, nghiên cứu lý luận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe những chuyên đề lý luận mới, cập nhập những kiến thức mới gọi là tầm nhìn tư duy chiến lược.
Chuẩn bị thứ 2 như PGS.TS Phạm Xanh nói là những hội nghị TW gần đây, mà gần nhất là hội nghị lần thứ 13 đã bàn thảo rất kỹ lưỡng về quy chế bầu cử. Vì đại hội lần này đông đến hơn 1.500 đại biểu nên quy chế bầu cử trong Đảng phải rất khoa học và chặt chẽ thì ra đại hội mới thực hiện được những điều tốt lành mong muốn mà chúng ta đã dự định về nhân sự.
Hai nữa là chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ ngay trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, để xem xét tiêu chuẩn về tài năng, đức độ, phẩm chất chính trị. Chúng ta nhớ là Hội nghị Trung ương 11 đã đưa ra một tuyên bố, quyết tâm chính trị lớn được lòng dân là Đảng “lần này quyết không để những kẻ lắm tiền, nhiều của, giàu có bất minh, bất chính lọt vào được TW”. Nhưng điều quan trọng là cơ chế nào, biện pháp nào và những đảm bảo an toàn như thế nào về phương diện con người để thực hiện được điều tốt đẹp đó?
Cuối cùng, chúng ta cơ cấu tới 200 đồng chí trong TW gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, làm thế nào để chọn những người đủ phẩm chất năng lực, đủ uy tín để đảm nhận trọng trách đó. Rồi lại kết tinh vào 4 chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội thì lần này, Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng: Một là thăm dò; Hai là ghi phiếu tín nhiệm.
Bộ phận tiểu ban nhân sự phải tổng hợp lại để trình cơ quan thẩm quyền cao nhất để cuối cùng thông qua một lần nữa tại hội nghị TW 14 trước khi bước vào đại hội. Tôi cũng như PGS.TS Phạm Xanh có đủ căn cứ để tin cậy, kỳ vọng vào sự lựa chọn sáng suốt của đại hội để chọn những nhà lãnh đạo xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân, đưa dân tộc chúng ta vượt qua những khó khăn, đạt đến sự phát triển ngang tầm thế giới.