Nhà máy điện hạt nhân hoạt động gần biên giới Việt Nam: Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn phóng xạ

Huy Hùng| 14/10/2016 06:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc các nhà máy điện hạt nhân phía Nam Trung Quốc đi vào hoạt động có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam và tiềm ẩn những ẩn họa khôn lường. Do đó, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra từ các sự cố phóng xạ hạt nhân đang rất được quan tâm.

Ẩn họa khôn lường

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã đưa nhiều đơn vị tổ máy của các nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động. Đáng chú ý, trong số đó có 3 nhà máy được xây dựng gần với Việt Nam.

Ba nhà máy điện hạt nhân phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam đã đi vào hoạt động gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam. Trong đó, Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 1.000MW, Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy. Như vậy, đã có 7 tổ máy điện hạt nhân hoạt động gần biên giới nước ta.

Theo lộ trình, mỗi nhà máy này có thể có tới 6 tổ máy điện hạt nhân, như vậy trong tương lai có gần 20 tổ máy điện hạt nhân ngay sát Việt Nam. Các tổ máy này đều nằm gần biên giới phía Bắc, nơi gần nhất chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50km.

Nhà máy điện hạt nhân hoạt động gần biên giới Việt Nam: Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn phóng xạ

Số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã và đang xây dựng ngày càng tăng và tràn xuống phía nam. Ảnh minh họa.

Theo khuyến cáo của IAEA, đối với nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hơn 1.000 MW thì kích thước của các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là (3-5km), (15-30km), 100km và 300km. Như vậy, riêng với Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam sẽ thuộc khu vực EPD và ICPD của nhà máy này.

Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các sự cố phóng xạ thường có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới. Năm 2011, khi sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra ở Nhật, ngay lập tức, hai trạm quan trắc là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện KHKT Hạt nhân đo được phóng xạ trong không khí ở Việt Nam. Sự cố Chernobyl trên lãnh thổ Ukraine năm 1986, những đám mây phóng xạ phát tán hàng nghìn km.

Đối với việc 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở gần Việt Nam, đặc biệt có nhà máy chỉ cách Việt Nam vài chục km thì việc nếu có sự cố phóng xạ xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. “Nếu sự cố phóng xạ xảy ra thì khoảng cách 50km không nghĩa lý gì”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Lắp đặt quan trắc và ký thoả thuận về an toàn hạt nhân

PGS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân chia sẻ, ông quan ngại nhất với Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, bởi vị trí quá gần các khu vực đông dân của tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Minh, dù công nghệ hiện đại và không ai muốn sự cố xảy ra, nhưng dưới góc độ khoa học thì khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, con người phải tính đến xác suất rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

"Sự cố nổ lò hiện không gây ra hậu quả nặng nề như trước, nhưng khi phóng xạ bốc lên, chỉ cần gió mùa đông bắc là nó sẽ lan tới hàng trăm km", ông Minh nói.

PGS.TS Trần Thanh Minh cho rằng, việc cần làm ngay là Việt Nam thiết lập cơ chế thường xuyên trao đổi với các nước láng giềng về an toàn hạt nhân, không riêng Trung Quốc mà với các nước Lào, Campuchia vì những nước này "đang rục rịch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, không loại trừ có nhà máy gần Việt Nam".

Cho rằng nếu Việt Nam chỉ tập trung vấn đề an toàn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mà chưa tính đến việc các nước xây dựng nhà máy áp sát biên giới là thiếu sót lớn, chuyên gia Trần Hữu Phát nhấn mạnh "không nên chủ quan" vì sự cố phóng xạ có thể không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng người dân, nhưng nó sẽ để lại bệnh tật lâu dài.

Ông Phát khuyến nghị Việt Nam nên lắp đặt trạm quan trắc ở khu vực liên quan hướng gió từ Trung Quốc sang, đặt tập trung ở Quảng Ninh, Hà Nội chứ không chỉ Ninh Thuận. "Với công nghệ điện hạt nhân ngày nay thì người dân không nên lo lắng quá mức, tuy nhiên chúng ta cần hệ thống trạm quan trắc hoạt động thường xuyên và đội ngũ cán bộ chuyên môn tốt", chuyên gia này nói thêm.

Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987 nên có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra.

“Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Sắp tới sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này”, ông Tấn cho biết.

Trao đổi với phóng viên, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Nguyễn Hào Quang cũng cho rằng Việt Nam cần sớm triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Mạng lưới sẽ giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó, bởi phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên việc này đòi hỏi kinh phí lớn, Viện Năng lượng nguyên tử đang xây dựng dự án chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2020, Viện đề xuất tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại địa phương khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân từ Trung Quốc là Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.

Với mạng lưới trên, Viện sẽ khai thác dữ liệu theo hai bước. Thứ nhất là xử lý dữ liệu thô tạo nên bức tranh ban đầu về môi trường phóng xạ miền Bắc. Bước tiếp theo, thông tin sẽ được xử lý bằng cách so sánh, đối chiếu, liên hệ với các thông số kỹ thuật khác. Nếu phát hiện tín hiệu phát xạ bất thường, chuyên gia sẽ biết được những tín hiệu đó do khối khí nào mang tới, từ đâu, để dự báo nguồn phát thải phóng xạ.

“Để đo mức độ phóng xạ trong không khí, Việt Nam đã có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường. Thực tế một số nhà máy điện hạt nhân sát sườn Việt Nam đặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang và sẽ đi vào hoạt động, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Trước mắt nên tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân từ Trung Quốc như Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội”, ông Quang cho biết. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy điện hạt nhân hoạt động gần biên giới Việt Nam: Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn phóng xạ