Con số hơn 51.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm phần nào thể hiện quá trình tái cấu trúc. Cần phải có một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp dừng lại, thay đổi và tái cấu trúc
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp xin rút lui khỏi thị trường lớn tăng đột biến, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, chúng ta có hơn 1 năm phục hồi kinh tế. Trong hơn 1 năm đó, nền kinh tế cơ bản phục hồi tốt nhưng có một số lĩnh vực không tránh khỏi việc gặp trở ngại nhất định, buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu để tiếp tục tồn tại.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Thịnh đó là trong lúc này, nguồn vốn hạn chế đang là một khó khăn cực kỳ lớn với doanh nghiệp.
Khó khăn về vốn xuất phát từ thị trường chứng khoán xuống dốc, cổ phiếu mất giá khiến vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp giảm mạnh. Ví như cổ phiếu của một doanh nghiệp trước đây có giá 50.000 đồng mà bây giờ chỉ còn khoảng 10.000 đồng thì đương nhiên nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đi xuống, dẫn đến giá trị tài sản đảm bảo để vay nợ giảm xuống, gây khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang rất nhiều vấn đề. Từ tháng 4,5/2022 trở đi doanh nghiệp gần như không thể phát hành trái phiếu. Kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Chưa kể những trái phiếu đã phát hành, đến hạn, doanh nghiệp phải trả cho trái chủ thì không còn tiền để kinh doanh nữa”, ông Thịnh phân tích.
Nhiều doanh nghiệp đã cầm cự cả 2 năm COVID-19, đến năm vừa rồi lại gặp phải hàng loạt khó khăn như vậy nên bây giờ đến thời điểm họ buộc phải xin ngừng hoạt động là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)cho rằng, các doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong hai tháng qua chủ yếu là doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ, cũng là lực lượng doanh nghiệp chính của Việt Nam. Vì thế, ông Tuấn nhận định, đây cũng là con số cũng đáng báo động, khi mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
“Nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp gặp khó là hiệu ứng tiêu cực từ giai đoạn dịch bệnh COVID- 19 chưa xong thì những tác động từ thế giới đã ập đến. Việt Nam vốn là một nền kinh tế có độ mở cao nên không thể đứng ngoài vòng xoáy này”, ông Tuấn nói.