Người thầy ngồi trên xe lăn

Việt Văn| 19/09/2014 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mang trong mình căn bệnh liệt gân ngay từ khi còn nhỏ, hai lần lên bàn mổ nhưng chân, tay vẫn teo lại. Gần nửa đời người ngồi trên xe lăn nhưng chàng trai trẻ Phùng Văn Trường vẫn bền bỉ vượt khó vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh của mình.

Tuổi thơ dữ dội

Hơn 4 năm nay, ngôi nhà cấp 4 của thầy Phùng Văn Trường sinh năm 1979, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội trở thành lớp học miễn phí của hàng chục đứa trẻ. Một lớp học vẻn vẹn trong không gian khoảng 20 mét vuông, chỉ với 4 chiếc bàn kê chụm vào nhau và một khoảng trống vừa đủ để đi lại.

Hôm chúng tôi đến, thầy Trường đang dạy lũ trẻ cách làm toán, chia số thập phân có dư. Thầy vừa giảng, vừa cho học sinh của mình làm bài tập ngay trên vở. Cách thầy giảng chậm rãi, mạch lạc, dễ hiểu nên lũ trẻ rất chăm chú. Có thắc mắc của trò, thầy Trường nhẹ nhàng di chuyển xe lăn đến hướng dẫn ân cần.

 Người thầy ngồi trên xe lăn

                 Lớp học miễn phí của thầy giáo Phùng Văn Trường

Bên ấm trà đặc quánh, thầy Trường bộc bạch về cái duyên đến với nghề gõ đầu trẻ. “Tôi chỉ là một người đàn ông tật nguyền, không bằng cấp, không nghiệp vụ, cũng chưa một lần đứng lớp, tôi dạy các cháu tập viết, những kiến thức cơ bản của bậc Tiểu học và truyền cảm hứng cho các cháu, mong muốn các cháu tiến bộ hơn trong học tập”.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhưng Trường lại kém may mắn hơn các anh chị của mình khi mắc chứng bệnh liệt gân ngay từ nhỏ. Để chữa bệnh cho Trường mọi đồ vật trong nhà “đều đội nón ra đi”, nhưng bệnh tình của Trường vẫn không hề thuyên giảm.

Càng lớn, chân tay Trường càng teo đi. Trường không đứng thẳng như người bình thường, hai tay cũng không cầm nắm được đồ vật. May mắn chỉ có mỗi cái đầu là lành lặn.

 Người thầy ngồi trên xe lăn

              Bệnh liệt gân khiến đôi tay của thầy giáo Trường không thể cầm chặt đồ vật

Đến tuổi đi học, những đứa trẻ cùng xóm nô nức cắp sách đến trường, duy chỉ có Trường vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt vẫn phải có người kèm cặp.

Trường khát khao được đến lớp như các bạn. Thương con, bố mẹ Trường ngày ngày đưa con đến lớp rồi lại đón về. Có những hôm tan học, các bạn đã về hết, thấy bố mình chưa tới đón, Trường cố gắng lê từng bước chậm chạp về nhà.

Ngày đó chưa có xe lăn, Trường nói với bố mua cho một đôi nạng để đi học. Từ khi có nạng, Trường gắng gượng tập tễnh trên đôi nạng gỗ.

Trường chống nạng đi học, nhưng cũng chẳng được bao lâu, đôi tay yếu dần và không thể cầm được nạng gỗ. “Nhà tôi cách trường có vài trăm mét, thương bố mẹ phải mất thời gian đưa đón, tôi chống nạng  đến trường. Những khi không nắm được nạng hay mỗi lần ngã lại phải nhờ sự giúp đỡ của người khác”. Anh Trường nhớ lại.

Học chưa hết cấp hai, Trường phải bỏ dở ước mơ đèn sách vì sức khỏe giảm sút. Ở nhà, bố mẹ vẫn phải chăm sóc Trường từ ăn mặc đến giấc ngủ.

Khổ luyện thành tài

Những ngày nằm bệt trên chiếc giường sặc mùi thuốc, Trường than thân trách phận, không nói năng và có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Nghĩ xót con, ông Mười, bố Trường chạy đôn đáo vay mượn tiền khắp nơi mới mua cho con một chiếc xe lăn để đưa Trường ra ngoài chơi cho khuây khỏa.

Cũng nhờ có xe lăn, mà Trường đã lấy lại niềm tin vào bản thân. Trường bảo: “Bố mẹ đã hết lòng vì tôi, sự sống của tôi là do bố mẹ mang lại, tôi phải cố gắng số để không phụ lòng nuôi dưỡng của bố mẹ mình. Tôi tự nhủ không thể cứ buồn phiền mãi với tấm thân tật nguyền”.

Cố quên những gì đang phải chịu đựng, Trường nói với bố mong muốn mở một cửa hàng để mình có thể được làm một việc gì đó, chứ không muốn là một người thừa, một gánh nặng của gia đình.

Chiều con, bố Trường mở cửa hàng tạp hóa đơn sơ. Cũng chính từ ngày có cửa hàng tạp hóa, Trường đã thay đổi vươn lên tự khẳng định mình bằng một nghị lực phi thường.

Trường kể, khi bán hàng, người dân mua hàng chịu rất đông, tay tôi lại không cầm được bút ghi chép vào sổ nên không làm thế nào nhớ hết nổi. Thế là tôi mới nảy ra suy nghĩ là mình phải học viết chữ để không phải là một người vô dụng chỉ biết ăn bám.

Nghĩ là làm, Trường bắt đầu tập viết, nhưng đôi tay Trường lại không thể cầm chặt được cây bút dù đã cố gắng hết sức.

 Người thầy ngồi trên xe lăn

        Tay không cầm được bút, thầy Trường luyện viết chữ bằng miệng

Trường lại rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần tột độ. Chính lúc tuyệt vọng nhất Trường tình cờ nghe được một chương trình trên truyền hình về nghị lực của một người thầy giáo tật nguyền viết chữ bằng chân có cái tên Nguyễn Ngọc Ký. Nhờ tấm gương của thầy Ký đã khiến Trường quyết tâm để có thể viết được chữ bằng miệng.

Và Trường kiên trì khổ luyện. “Ban đầu khi ngậm bút vào miệng liên tục bị trượt ra ngoài. Tôi cố ngậm thật sâu thì lại có cảm giác bị nôn ọe. Đánh vật với từng con chữ, cố gắng mãi tôi cũng nhìn thấy nét chữ đầu tiên. Mỗi lần viết xong là hai hàm vừa đau, vừa tấy, mắt cũng bị lóa. Ngày nào tôi cũng làm đi làm lại như thế đến chục lần cho đến khi không còn biết cảm giác đau gì nữa. Sau khoảng 40 ngày tôi cũng đã viết được thành thạo hơn”.

Mỗi lần viết tôi lại tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình để chỉnh sửa nét chữ cho thật đẹp. Nếu như trước đây mình ngậm bút sâu, thì bây giờ tôi chỉ ngậm 5 phân cuối bút và viết không hề bị mỏi mà chữ vẫn đẹp. Thầy Trường chia sẻ.

 Người thầy ngồi trên xe lăn

Những nét chữ sau bao nhiêu đêm miệt mài khổ luyện trở thành phương châm sống của người thầy bại liệt

Nhìn tận mắt những nét chữ điêu luyện mà con dùng miệng viết trên giấy, bố mẹ Trường từ ngỡ ngàng đến mừng rơi nước mắt.

Chưa dừng lại ở đó, vào cuối năm 2008, trong những lần tiếp xúc với các cháu nhỏ trong thôn, nhìn những nét chữ trên vở những đứa trẻ còn nguệch ngoạc, Trường nảy ra ý tưởng là giúp các em rèn chữ. Ban đầu là những đứa trẻ gần nhà, sau một thời gian, thấy con em mình tiến bộ, phụ huynh của nhiều đứa trẻ khác cũng sang nhờ Trường kèm cặp cho con mình.

Ngoài rèn viết chữ, Trường còn bổ túc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Tiểu học.

Hạnh phúc mỉm cười

Thầy Trường, đó là cái tên trìu mến mà những người dân thôn Nhân Lý đặt cho Trường.

“Thầy Trường rất có tâm, nghị lực thì không ai bằng. Thầy rèn cho học trò của mình từng nét chữ, hướng dẫn làm từng bài tập nhưng không lấy bất cứ một đồng tiền công nào của học trò. Từ khi thầy dạy chữ, lũ trẻ chịu khó lắm, rất ham học, tiến bộ rõ rệt”. Bà Nguyễn Thị Lại, bà nội cháu Đỗ Văn Toàn học sinh lớp 2 được thầy Trường dạy miễn phí cho biết.

Sau mỗi giờ học ở trường, những đứa trẻ lại háo hức mang sách vở đến nhà thầy Trường để tiếp tục ôn luyện. Mặc dù lên lớp được hơn 4 năm nay, nhưng chưa một lần thầy thu học phí. Nhiều phụ huynh có con em theo học trả thù lao hậu hĩnh nhưng thầy đều một mực từ chối.

“Học sinh Tiểu học bây giờ thiếu hụt kiến thức rất nhiều. Môn Toán là một môn học khó, đòi hỏi tính logic nhiều, nên phải chắc kiến thức nền, cần trang bị cho các em hình thành một thói quen để tư duy liên tục”. Thầy Trường chia sẻ.

 Người thầy ngồi trên xe lăn

                                  Thầy Trường cùng các học trò

Sự dạy bảo ân cần, tận tâm của một người thầy ngồi trên xe lăn đã giúp các em gần gũi hơn với những bài giảng trên lớp và tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Năm Trường 31 tuổi, được sự mai mối, động viên của gia đình và những người hàng xóm, thầy Trường bén duyên cùng chị Ngô Thị Hường. Một đám cưới ấm cúng trong niềm hoan hỉ của hai bên gia đình. Hạnh phúc viên mãn khi đứa con trai ra đời lành lặn khỏe mạnh, cùng một người vợ hiền đảm đang, biết quan tâm, đồng cảm, chia sẻ và luôn ủng hộ chồng.

Ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch xã Nam Phương Tiến nhận xét: “Thầy Trường là một tấm gương sáng điển hình về nghị lực vượt khó ở địa phương. Thầy không những dạy các em viết chữ đẹp mà còn truyền thụ cho  các em về đạo đức, nhân cách sống. Dù không có bằng cấp nhưng bà con nơi đây rất coi trọng và luôn gọi bằng cái tên thân mật thầy giáo Trường”.

 Ông Phùng Văn Mười, bố Trường tâm sự: “Năm 2 tuổi, Trường bị ốm tưởng không qua khỏi, nằm viện nhiều hơn ở nhà. 3 tuổi vẫn chưa biết đi, các bác sĩ nói cháu bị bệnh liệt gân, một chứng bệnh lạ đối với trẻ em thời điểm lúc bấy giờ. Lúc đó, không vay mượn được ai nữa, nhà còn cái xe Phượng Hoàng là phương tiện duy nhất để đi lại cũng phải bán nốt để đưa cháu đi viện, dù đã mổ tới 2 lần nhưng cuối cùng bệnh của cháu vẫn không khỏi. Cũng may cháu không đầu hàng số phận, có ý chí vươn lên, nhìn thấy con được hạnh phúc chúng tôi mãn nguyện lắm”. 

 

“Tôi là một người không lành lặn, biết được cái gì dạy các em cái đó. Không có ước mơ gì hơn. Niềm vui lớn nhất là nhìn thấy những học sinh của mình học thành người, có kiến thức để sau này có thể làm những việc có ích, đóng góp cho xã hội”. Thầy giáo Phùng Văn Trường nói.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thầy ngồi trên xe lăn