Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cậu học trò cũ đến thăm thầy giáo dạy mình ở trường đại học. Thầy trò hàn huyên hồi lâu và cậu đã kể cho thầy nghe chuyện mình đi làm và học cách làm chủ như thế nào.
Ra trường, cậu đành làm tạm ở một doanh nghiệp tư nhân. Công việc đúng chuyên môn và thu nhập cũng khá, hơn hẳn mấy anh bạn làm Nhà nước. Một lần đang giờ nghỉ trưa, cả phòng đang uống nước thì bỗng ông giám đốc bước vào. Ông hỏi rất nhẹ nhàng ai vừa vào toilet? Chưa ai hiểu ra chuyện gì và cũng chưa ai kịp trả lời thì ông ta đã cho một trận “tơi bời khói lửa” vì tội lãng phí. Ông cho một trận ra trò vì nếu không biết tiết kiệm từng gáo nước thì làm sao biết tạo dựng cơ đồ sự nghiệp. Một người nhanh nhảu chạy vào toilet đóng van nước lại và từ đó không ai quên khóa kỹ van nước.
Do sự giáo dục của giám đốc nên ý thức tiết kiệm ngấm vào máu cả những nhân viên trẻ nhất, tiết kiệm từ thời gian, đến giấy in, điện, nước…
Mấy năm sau cậu thi trúng tuyển vào một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mới đầu cậu nghĩ rằng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa vì công việc quá căng thẳng. Hình như ở đây người ta không có chữ nhàn.
Do suy thoái kinh tế, lãi suất ngân hàng cao, sản xuất sản phẩm lỗi nhiều nên công ty này gặp khó khăn. Cuộc họp phân tích mổ xẻ, chỉ rõ những điểm yếu kém trong 9 tháng kết thúc buộc mọi người vắt óc suy nghĩ hiến kế cho công ty. Và cậu đã hiến kế tiết kiệm theo kinh nghiệm của ông giám đốc tư nhân. Đề án của cậu về việc này được chấp nhận và thực thi, cậu được giao cầm trịch.
Công việc chạy đều và may mắn là công ty mẹ ở chính quốc gượng dậy được nên công ty con cũng tốt theo. Đề xuất của cậu “quy ra thóc” là một giá trị rất khá, góp phần giúp công ty vượt qua khó khăn. Cậu được thưởng theo tỷ lệ kết quả tiết kiệm đủ tiền sắm con xế hộp cũ và nhất là vị thế trong doanh nghiệp của cậu đã tăng lên.
Cậu nhắc đi nhắc lại rằng, mỗi lần nhớ đến ông giám đốc tư nhân và bài học vỡ lòng về tiết kiệm đã giúp cậu nên người. Cậu khẳng định chính ông giám đốc khó tính này trở thành người thầy ngoài đời cho cậu.
Khổng Tử, “người thầy muôn đời” từng nói: “Tâm nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, nghĩa là trong ba người đi cùng tất có người là thầy ta. Điều đó cho thấy một chân lý là không chỉ học trong nhà trường, không chỉ học từ những người thầy cầm sách, cầm bút mà học hỏi là một hành trình suốt đời. Học từ chính cuộc sống, học từ những người xung quanh và thậm chí có những thứ học từ chính trẻ nhỏ, con cái chúng ta.
Câu chuyện của anh bạn trên đây chỉ là một trong vô số những giá trị mang lại từ việc không ngừng học hỏi mà thôi.
Bảo Dân