Người Pà Thẻn và “Vũ điệu than hồng”

Vân Phạm| 29/08/2014 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 54 dân tộc sinh sống trên đất nước ta, Pà Thẻn là “những người anh em nhỏ bé” với số dân chưa đến 7.000 người. Cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm đã có lúc đẩy họ đến bờ vực suy thoái giống nòi.

Thế nhưng, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng với sự chung tay của cộng đồng, cuộc sống của họ đang ngày một tốt đẹp hơn. 

 

Dẫu nhỏ bé, nhưng “những người anh em” ấy cũng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ an ninh Tổ quốc.  Đồng thời, những giá trị văn hoá bao đời của Pà Thẻn đang dần được lưu giữ và phục dựng cũng góp phần dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước. 

Hành trình đến với Việt Nam

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Pà Thẻn (hay còn gọi khác như Pà Hưng, Mèo Lài, Mèo Hoa, Mèo Đỏ hay Bát Tiên Tộc… sống chủ yếu tại hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang) được đánh giá là dân tộc bảo tồn và phát huy tốt những phong tục truyền thống độc đáo của cha ông để lại. Cùng với đó, dân tộc này có niềm tự hào riêng với Lễ hội nhảy lửa, một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính tâm linh, cầu điềm lành, mong xua đuổi tà ma… song cũng ẩn chứa những minh triết về khả năng vượt qua khó khăn, đối đầu thử thách của con người trước các thế lực siêu nhiên.    Ngôn ngữ người Pà Thẻn hiện nay đang sử dụng được xếp vào ngữ hệ Mông - Dao. Điều này cũng khá phù hợp với truyền thuyết về hành trình đến Việt Nam của người Pà Thẻn cùng với dân tộc Dao cách đây hơn 300 năm. Tuy không có sách cổ nào ghi lại tỉ mỉ về điều này, song người Pà Thẻn ở My Bắc vẫn luôn kể cho con cháu về việc tổ tiên họ bắt đầu di cư từ phương Bắc về Việt Nam từ thời Lê để tránh chiến tranh loạn lạc.

Người Pà Thẻn và “Vũ điệu than hồng”

“Vũ điệu trên than hồng” của người Pà Thẻn

Câu chuyện đó kể rằng: Có hai anh em thủ lĩnh dẫn đầu hai đoàn người vượt biết bao nguy hiểm để đến Việt Nam. Khi đến Hà Giang, đoàn người đi trước gặp một ngã 3 đường, người anh đã lấy một đoạn cây làm chỉ dấu để chỉ hướng cho người em đang đi sau biết và đi theo, chẳng may khúc cây đó bị lợn rừng ủi lệch sang hướng khác, dẫn tới hai anh em mỗi người một ngả. Họ bị lạc nhau. Người em đã chọn vùng Chiêm Hoá thuộc địa bàn Tuyên Quang để dừng chân. Dần dần, con cháu họ di cư lên cao hơn và chọn đỉnh Bắc Vì thuộc địa bàn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là vùng đất tổ. Mãi tới năm 1969, họ mới dời xuống khu vực thấp thuộc các xã Yên Thành, Tân Bắc, Tân Trịnh, Yên Bình… như hiện nay

Trong mỗi gia đình của người Pà Thẻn thường lưu giữ vỏ của những con sò biển, chúng được xem như là báu vật. Thông thường, chúng được dùng làm vòng đeo trang sức cho phụ nữ hoặc đính trên mũ của trẻ em. Ngoài mục đích làm đẹp ra thì chúng còn mang ý nghĩa nhắc nhở cho các thế hệ sau nhớ về hành trình vượt biển của dân tộc, đồng thời cũng mong muốn vật thiêng này sẽ mang lại khước lành cho đứa trẻ. Sau này khi đứa trẻ lớn, vỏ sò đó sẽ được tháo ra để truyền lại làm mũ cho đứa trẻ khác cho đến khi nào không thể dùng lại được nữa thì mới bỏ đi.

Còn một vật quan trọng nữa của người Pà Thẻn, đó là những đồng xu cổ. Chúng đã từng xuất hiện và đóng một vai trò rất thiết yếu trong đời sống của người Pà Thẻn nhiều thế kỷ trước. Nó được dùng để đặt cọc lễ hỏi, dùng làm vật báo tin đám cưới thay cho giấy mời. Khi gia đình có người chết thì quan tài nhất định phải được đặt vào đó vài đồng xu. Nó tượng trưng cho sự đoàn kết tình nghĩa giữa mọi người trong dòng họ và dân tộc. Cùng với sự thay đổi trong chính sách sử dụng tiền tệ của nước nhà, giờ đây chỉ còn những thầy mo là còn sử dụng những đồng xu cổ này để xin ý kiến thần linh mà thôi.

Sặc sỡ sắc màu văn hóa

Do sinh sống trên rẻo cao, trang phục của dân tộc Pà Thẻn có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc thuộc nhóm Mông - Dao khác. Trang phục của nam giới thường khá đơn giản với chất liệu được dệt từ sợi lanh hoặc sợi bông được nhuộm màu chàm, áo cánh ngắn xẻ ngực, quần lá tọa. Riêng trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn hết sức kín đáo từ bàn chân, ống chân cho đến đỉnh đầu. Với gam màu chủ yếu là màu đỏ, có điểm xuyến các màu khác như chàm, trắng, vàng, đen được làm bằng các dải dây và thêu hoa văn nhìn rất bắt mắt và những  chiếc vòng bạc trắng. Khăn đội đầu được quấn cầu kỳ như khăn xếp của người Kinh, hai đầu khăn có thêu hoa văn và tua kim tuyến trang trí. Áo và váy được dệt thủ công bằng nhiều loại chỉ, ngực áo ghép bằng vải thổ cẩm màu đỏ.

Trong câu chuyện của nghệ nhân Sìu Láo Tả, người đã sống qua 70 mùa măng ở My Bắc thì người Pà Thẻn trước đây có chữ viết riêng của dân tộc mình. Khi phải rời quê hương đi tìm vùng đất mới, họ đồng lòng đốt sách, hòa tan thành nước tro và chia cho những người Trưởng họ cùng uống. Từ đó, người Pà Thẻn không còn chữ viết mà cũng không sử dụng chữ viết của dân tộc khác. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của ngài Bony Facy - công sứ Hà Giang năm 1911 hiện được lưu tại viện Bác Cổ Viễn Đông đã chụp lại được một con dấu của người Pà Thẻn dùng trong một cuộc khởi nghĩa chống lại bọn thổ ty ở vùng thượng lưu sông Lô cùng một số các văn bản cổ có ký tự biểu đạt ngôn ngữ mà một số thầy mo cao niên vẫn có thể đọc được.   

Nhà ở truyền thống của người Pà Thẻn thường là nhà nền đất, có diện tích rộng trên dưới 100m2, chia thành ba gian không có chái. Kiến trúc khá đơn giản với bộ khung nhà là vì kèo ba cột, dùng ngoãm và buộc lạt. Mái nhà được chằm bằng lá cọ, hai đầu hồi thưng gỗ thoáng để lấy ánh sáng mặt trời. Gian hồi bên phải, về phía trước có giường của bố mẹ chủ nhà. Về phía sau là phòng con gái. Gian chính giữa, đằng trước có cửa ra vào. Trên các cột cái có treo các vật kỷ niệm hoặc xương các loại thú mà chủ nhà săn được. Với kiến trúc này, có thể thấy, ở đây có sự ảnh hưởng về cấu trúc và văn hóa của người Dao.

Độc đáo Lễ hội nhảy lửa

Tin vào sự tồn tại của các siêu linh, vạn vật có linh hồn… người Pà Thẻn thường thờ cúng tổ tiên trong nhà. Ngoài ra họ còn thờ cúng nhiều vị thần khác như thần sấm, thần sét, thần mưa, thần gió, các thần có liên quan đến nền sản xuất nông nghiệp. Bàn thờ làm bằng tấm gỗ hình chữ U lộn ngược và được đặt chính diện với cửa ra vào. Vào ngày lễ, sẽ bày biện các vật phẩm cúng tế xung quanh ban thờ để mời tổ tiên về chứng giám, phù hộ cho con cháu có mùa màng no đủ.

Cũng theo nghệ nhân Sìu Láo Tả thì trong đời sống văn hóa của người Pà Thẻn, không thể không nhắc đến phong tục Nhảy lửa trong mỗi dịp lễ hội. Lễ hội nhảy lửa thường bắt đầu bằng việc cầu cúng thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có một bát hương, một chiếc đàn sắt, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội bắt đầu. Sau bài cúng đó thì “Vũ điệu trên than hồng” được bắt đầu. Một đống lửa lớn được đốt lên, tàn lửa nở bừng như pháo hoa. Những đôi chân trần bắt đầu sục vào than hồng bỏng giãy trong một vũ điệu mê cuồng và thần bí nào đó. Có cảm giác những người đàn ông nhảy lửa được tiếp thêm sức mạnh, lòng quả cảm trong lời cúng khấn rì rầm và tiếng gõ đầy mê hoặc của chiếc trống trên tay chủ lễ.  

Người Pà Thẻn và “Vũ điệu than hồng”

Một lễ cúng thần linh của người Pà Thẻn

Trong bước nhảy của những người đàn ông Pà Thẻn, giới hạn chịu đựng của con người dường như không tồn tại. Bước trên than hồng nhiều lần nhưng đôi chân, đôi tay họ không hề bị cháy xém hay có bất kỳ tổn thương nào. Thậm chí, quần áo của họ lăn trong lửa, bò trong lửa mà áo quần không cháy trong khi những người xem xung quanh khi bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ như thuốc lá châm. Cứ thế, những bóng người rực hồng tàn than liên tục nhảy như chạm khắc vào không gian đêm một bức tranh lập thể huyền ảo đến lạ kỳ.

Hơn 300 năm trở thành con dân đất Việt, người Pà Thẻn ở Quang Bình đã trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám, xã hội của người Pà Thẻn phải sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến và luôn bị đặt ở vị thế thấp hèn. Nhưng dần dà cả dân tộc Pà Thẻn đã một lòng hướng theo cách mạng, trở thành “hàng rào thép” ngăn chặn kẻ thù xâm lược từ phía biên cương. Trong tâm khảm của mỗi người con Pà Thẻn đều khắc ghi chân lý: Chỉ từ khi có Đảng có Bác Hồ, người Pà Thẻn mới thật sự làm chủ đời mình, có vị trí xã hội bình đẳng với các dân tộc anh em khác cùng chung trong đại gia đình Việt Nam. 

Giờ đây, trong nhịp sống mới của đồng bào các dân tộc rẻo cao, đồng bào Pà Thẻn ở Hà Giang, Tuyên Quang đang đoàn kết cùng nhau xây dựng bản làng mình trở thành những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới. Những con người dám thách thức bản thân, chinh phục được ngọn lửa hồng đang tiếp tục chinh phục đói nghèo và nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa riêng có của cộng đồng mình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Pà Thẻn và “Vũ điệu than hồng”