Đó là nhận xét chung của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TANDTC; Viện trưởng VKSNDTC sáng 29/3.
Tòa án đã đem lại công bằng cho người dân
Góp ý Báo cáo về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp, thi hành Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng; hoàn thiện tổ chức bộ máy của TAND các cấp.
Trong nhiệm kỳ qua, TAND đã chú trọng đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự, cơ bản xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Hình phạt mà các Tòa án tuyên phạt với các bị cáo cơ bản bảo đảm chính sách hình sự của Nhà nước là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. TANDTC cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác, nhất là công tác xét xử các loại vụ án. Các ĐB cho rằng, nhiệm kỳ qua, Tòa án và Viện kiểm sát đã giải quyết được một số vụ án oan, sai, góp phần bảo vệ công lý, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá: Trách nhiệm của Chánh án TANDTC về án oan, không phải trong nhiệm kỳ này mà là những vụ án đã xảy ra từ những nhiệm kỳ trước. Nhưng phải nói rằng, TANDTC đã rất trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý những vụ án oan thấu đáo, không đùn đẩy trách nhiệm, đem lại công bằng cho người dân. Việc tổ chức chức xin lỗi công khai, bồi thường cho dân được xử lý kịp thời với tinh thần cầu thị, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đặt niềm tin vào công lý.
Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 29/3
Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, không chỉ nỗ lực lớn trong công tác chuyên môn của TAND các cấp, Chánh án TANDTC đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án oan xảy ra từ những năm trước đây. Cùng với đó, Chánh án TANDTC đã đưa ra rất nhiều các giải pháp hạn chế oan sai như: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; công khai việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thành lập Học viện Tòa án để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ở góc nhìn khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: TANDTC có nỗ lực lớn trong công tác CCTP, nhất là trong các việc xây dựng các Luật, Hiến pháp và các Luật về tố tụng, đặc biệt kiên quyết đấu tranh để thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng tại Tòa án, phát triển án lệ và xây dựng Tòa án 4 cấp. Việc thay đổi cơ cấu TANDTC như hiện nay được coi là một cuộc cách mạng có ý nghĩa quan trọng, tích cực và dài hạn cho nền tư pháp nước ta.
Còn đó những “tâm tư”
Tại buổi thảo luận, các ĐB cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, báo cáo của Tòa án, Viện kiểm sát chưa cân đối thành tích với khuyết điểm và như vậy sẽ không đưa ra được giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới, làm cho một số nội dung hạn chế bị lặp đi lặp lại.
Là một người trong nghề, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, những kết quả đạt được vô cùng quan trọng, là sự cố gắng hết sức của cán bộ, Tòa án các cấp, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của TANDTC để thực hiện những kết quả đạt được cũng như chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra. Những hạn chế mà các ĐB và UBTP khi thẩm tra đã đề cập đến là tình trạng án quá hạn luật định, do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Nhưng thực tế, quá trình giải quyết vụ án phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: giám định, kết quả giám định, đương sự, văn bản trả lời của các cơ quan ban, ngành… gửi đến không đúng thời hạn, làm cho việc xét xử không đúng thời gian mà pháp luật quy định. Trước đó, khi xây dựng luật tố tụng, ĐB cũng đề nghị nới dài thời gian ra để người dân khỏi bức xúc nhưng không được tiếp thu.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nhận định, Tòa án, Kiểm sát đứng trước yêu cầu về công cuộc CCTP và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp đã rất cố gắng nên nhiệm kỳ qua đã được kết quả khả quan.
Cũng theo ĐB Học, có một thời gian cử tri băn khoăn về những tiêu cực trong ngành tư pháp, có hay không việc chạy án? Đây là một thực tế và cũng đã có nhiều cán bộ bị xử lý vì vi phạm kỷ luật công vụ mà báo cáo cũng đã đề cập đến. Nhưng nhiệm kỳ vừa qua, lãnh đạo hai ngành cũng đã nhìn thẳng vào sự thật và chỉ đạo mạnh mẽ, tiến hành rà soát, xác minh làm rõ những vụ án oan, sai và xử lý dứt điểm. Những vụ án oan cũng đã có kết luận rõ ràng, minh bạch tạo niềm tin của người dân vào cơ quan thực thi công lý.
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cũng rất “tâm tư” khi bà cho rằng, rất “khó chịu” khi phải nghe những ý kiến không tin vào sự liêm chính của cán bộ Tòa án. Trong khi, thực tế, các cán bộ, Thẩm phán phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: Án xử không kịp bị quá hạn luật định, án bị hủy sửa, lo không được tái bổ nhiệm, sợ án oan sai…
Vì vậy, ĐB Bình đề nghị Chính phủ, TANDTC tiếp tục quan tâm để làm sao, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán yên tâm công tác, có đủ điều kiện để đảm bảo tính liêm khiết, công tâm trong quá trình thực thi công vụ ; để những người liêm khiết, chính trực không tủi hổ với sự nghi ngờ của dư luận; nâng cao chất lượng xét xử, để giảm án hủy sửa, tăng niềm tin vào công lý đối với người dân. ĐB cũng đề nghị, Quốc hội khóa XIV cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa, ban hành các quy định về án lệ, hướng dẫn BLHS để xử lý hành vi mà người dân đang bức xúc như đa cấp, an toàn thực phẩm hay vấn đề cho vay nặng lãi… tạo hành lang pháp lý cho Tòa án hoàn thành nhiệm vụ.